Giáo viên mầm non tư thục nhọc nhằn mưu sinh trong mùa dịch COVID-19
Dịch bệnh COVID-19 kéo dài, gây ra những ảnh hưởng nặng nề tới mọi mặt của đời sống xã hội. Giống như nhiều ngành nghề khác, giáo viên mầm non tư thục đã gặp phải những xáo trộn, thay đổi rất lớn trong công việc, đời sống. Nghỉ việc, không có lương, nhiều người phải xoay xở đủ nghề để duy trì cuộc sống.
Nhóm lớp mầm non tư thục nhỏ lẻ trên địa bàn huyện Hoa Lư ngừng hoạt động gần 3 tháng qua.
Thất nghiệp kéo dài, không có thu nhập và buộc phải tìm công việc khác để kiếm sống trong hơn 2 tháng qua là tình cảnh chung của nhiều giáo viên tại các cơ sở mầm non tư thục trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Chị Phạm Thị Hồng Nhung, giáo viên Trung tâm giáo dục đặc biệt Thiên Ân (thành phố Ninh Bình) đã nghỉ việc gần 3 tháng nay. Chị Nhung cho biết: Do nghỉ dịch, không đi dạy nên không có lương, để có tiền trang trải cuộc sống tôi đã phải xoay sở tìm việc. Hàng ngày, tôi đi đến tận các hộ nông dân, thu mua nông sản, thực phẩm tươi sống và rao bán trên mạng xã hội, giao tận nơi cho khách hàng, dù mới bán nhưng được bạn bè, người thân ủng hộ nên cũng có chút thu nhập.
Chị Nhung cho biết: Sau khi Trung tâm tạm đóng cửa, chúng tôi tạm nghỉ ở nhà chờ ngày đi làm trở lại, nhưng tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, việc mở cửa trở lại của trung tâm chưa biết đến khi nào, vì vậy tôi đã chủ động làm thêm một số việc để kiếm chút tiền trang trải sinh hoạt phí hàng ngày. Những giáo viên khác trong trung tâm nơi tôi làm việc cũng xoay sở đủ nghề. Người thì làm đồ ăn vặt như chè, bánh bán trên mạng, người thì nhận trông trẻ tại nhà, người lại nhận làm cộng tác viên cho các shop bán quần áo online...
Với chị Phạm Thị Việt Hà, đã 8 năm tham gia trông giữ trẻ tại nhóm lớp tư thục trên địa bàn xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư, với mức lương 5 triệu đồng/tháng, nghỉ dạy đồng nghĩa với việc không có lương. Chia sẻ về cuộc sống những ngày này, chị Việt Hà cho biết: Cả gia đình 5 người gồm 3 người lớn hiện nay đều ở nhà không đi làm, con trai, con dâu đi làm công nhân cho một nhà máy đã nghỉ 2 tuần nay, bản thân tôi nghỉ suốt từ Tết ra đến giờ, nguồn thu không có, cả gia đình đành sống vào tiền tích lũy trước đây, với tình hình này khó có thể trụ lâu được. Vì vậy tôi phải chủ động chuyển hướng bằng cách làm mắm tép, bán cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ tại khu chợ gần nhà, đồng thời nhận thêm một số việc gia công như xâu hạt vòng để mọi người trong nhà có việc làm thêm”.
Cùng chung tình cảnh với các giáo viên mầm non ngoài công lập, nhiều trường mầm non, các cơ sở, nhóm lớp tư thục nhỏ lẻ cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn do tác động của dịch COVID-19 gây ra. Tuy không tổ chức dạy học, không có nguồn thu, các trường mầm non tư thục, các nhóm lớp tư thục nhỏ lẻ vẫn phải duy trì trả tiền mặt bằng, điện nước, phí vệ sinh… hàng tháng. Nhiều trường phải cầm cự để trả lương, đóng bảo hiểm xã hội cho giáo viên, nên áp lực cho các trường hiện nay là rất lớn, thậm chí có trường phải đóng cửa nếu tình hình dịch bệnh kéo dài.
Cô Đinh Thị Phong Phú, Quản lý tại cơ sở mầm non tư thục An Bình (thành phố Ninh Bình) cho biết: Hiện tại, cơ sở đang trông giữ 120 trẻ ở các nhóm lớp, khi dịch bệnh xảy ra, cơ sở mầm non tư thục An Bình đã đóng cửa và cho học sinh nghỉ học. Dù còn nhiều khó khăn về vấn đề kinh phí, nhưng trong thời gian đóng cửa, chủ đầu tư cơ sở cùng các cán bộ quản lý đã quyết định chi trả 60% lương cơ bản và hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho toàn bộ 15 giáo viên, nhân viên trong thời gian nghỉ dạy, với hi vọng hỗ trợ các giáo viên, nhân viên trong thời điểm khó khăn, và tiếp tục đồng hành trong thời gian tới.
Tuy may mắn vì không phải trả tiền thuê mặt bằng, nhưng nhóm lớp tư thục Thúy Hằng (thị trấn Thiên Tôn, huyện Hoa Lư) của bà Lê Thị Thưa cũng rất chật vật khi phải duy trì cuộc sống của gia đình bởi vì thu nhập của cả gia đình phụ thuộc vào việc trông trẻ suốt nhiều năm nay.
Bà Thưa chia sẻ: “Cả 3 mẹ con tôi cùng tham gia việc trông giữ và nuôi dạy trẻ gần 10 năm nay ngay tại nhà. Nhưng từ 2 tháng nay, gia đình tôi tạm dừng việc trông giữ trẻ để phòng dịch COVID-19 theo yêu cầu của các cơ quan chức năng. Nguồn thu của cả gia đình không có, tôi chỉ dám nhận trông 1 bé gần nhà để kiếm chút tiền trang trải sinh hoạt trong gia đình”.
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 7 trường mầm non ngoài công lập, và 108 nhóm lớp tư thục với khoảng 660 giáo viên mầm non. Do hoạt động trên cơ sở “lấy nguồn thu để chi” nên các trường, cơ sở, nhóm lớp tư thục không tổ chức dạy học nghĩa là không có tiền. Vì vậy, khi phải đóng cửa, nghỉ dạy, đội ngũ giáo viên hầu như không được nhận lương. Hiện chỉ có một số ít các trường tư thục lớn như Mai Thế Hệ, Tràng An montessori, IQ school, Hoa Hồng, Việt Thắng… mới áp dụng hình thức hỗ trợ các giáo viên tiền đóng bảo hiểm hàng tháng trong thời gian nghỉ dạy.
Bà Trịnh Thị Bản, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Công đoàn Giáo dục Ninh Bình hiện nay đang tổng hợp danh sách giáo viên mầm non ngoài công lập, giáo viên, nhân viên hợp đồng trong các nhà trường công lập ở các huyện, thành phố trong toàn tỉnh, để báo cáo gửi lên UBND tỉnh, tham mưu, đề xuất đưa danh sách giáo viên mầm non ngoài công lập, giáo viên, nhân viên hợp đồng trong các trường công lập vào diện được hưởng gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ của Chính phủ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Thực tế thời gian qua cho thấy, việc cho học sinh nghỉ học và không có nguồn thu khiến các trường tư thục bị ảnh hưởng nặng nề. Tình cảnh nghỉ học kéo dài không chỉ đẩy các trường, các cơ sở nhỏ, lẻ vào cảnh “điêu đứng” mà ngay cả bản thân giáo viên cũng lâm vào tình trạng vất vả không kém, không có thu nhập nhưng vẫn phải duy trì các điều kiện cơ bản của cuộc sống. Mong rằng, dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi để trường học sớm mở cửa trở lại và các cô giáo có thể trở lại trường cùng với các trẻ nhỏ.
Bài, ảnh: Nguyễn Thủy