Giao thông, tai nạn và ứng xử

Sự phát triển giao thông, từ kết cấu hạ tầng đến phương tiện đi lại và cách thức quản lý trong chừng mực nào đó là phản ánh trung thực những bước tiến của nhân loại.

Trải qua mấy nghìn năm dằng dặc, những bước chân trần trụi của con người trên mặt đất hoang vu thủa bình minh lịch sử đã được thay thế bằng nhiều phương tiện di chuyển phong phú và ngày càng hiện đại. Xe cộ, tàu bè, máy bay và cả những phi thuyền có tốc độ vượt sức hút Trái Đất đã đưa con người đi đến muôn nơi. Những không gian bao la, các nền văn minh được kết nối lại bằng các phương tiện giao thông tân tiến.

Tuy nhiên, giao thông cũng mang trong nó hai mặt trái chiều: An toàn và tai nạn. Có thể nói, tai nạn là hệ lụy, mặt trái của giao thông. Hay diễn đạt cụ thể hơn, dẫu không ai mong muốn thì tai nạn giao thông vẫn xảy ra như mảng tối của cuộc sống con người. Buồn hơn là cái mảng tối đó xảy ra haằng ngày trên mặt đất, sông biển, bầu trời và lấy đi rất nhiều nước mắt của con người.

Tai nạn giao thông là một từ khóa có rất nhiều dữ liệu trên mạng internet. Chắc không có quốc gia nào không vướng bận và thậm chí đau đầu về tai nạn giao thông. Trong đó nước ta thường bị xếp vào tốp đầu những quốc gia hay bị tai nạn giao thông cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan... Nghe mà xót xa. Chắc ai cũng biết, tai nạn giao thông có nhiều nguyên nhân nhưng quy tụ lại là xuất phát từ các yếu tố như kết cấu hạ tầng (yếu tố hình học, độ phẳng, độ nhám của đường, tầm nhìn, hệ thống biển báo...); lưu lượng; phương tiện; người tham gia giao thông; tác động của thời tiết, trình độ quản lý nhà nước về giao thông. Các yếu tố trên hình như đụng vào đâu cũng đang là vấn đề nan giải, vướng mắc. Theo số liệu từ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thì chỉ tính riêng trong chín tháng đầu năm nay đã có hơn 6.000 người tham gia giao thông không trở về nhà vì gặp tai nạn. Tính ra, trung bình mỗi ngày có hơn 22 người Việt phải giã từ cõi sống vì mất an toàn giao thông. Chúng ta chắc hẳn chưa quên vụ chiếc xe mười sáu chỗ ngồi đi đón dâu xuất phát từ một làng quê nghèo ở Quảng Trị đã đụng phải chiếc xe đầu kéo chạy ngược chiều trên Quốc lộ 1A thuộc địa phận Điện Minh, Điện Bàn, Quảng Nam làm 13 người tử vong, trong đó có chú rể và mẹ, chị ruột của chú rể. Hạnh phúc trở thành tang tóc, có bi kịch nào thê thảm hơn cảnh huống này. Gần hơn, chỉ cách đây mấy ngày, một chiếc xe Mercedes mất lái xô đổ lan can cầu Chương Dương lao xuống sông Hồng, hai cô gái trẻ trong xe tử nạn...

Nỗi đau từ các vụ tai nạn giao thông không kể xiết, nó là nỗi ám ảnh của những gia đình có người lâm nạn hoặc kể cả những ai may mắn thoát chết. Có những vụ tai nạn giao thông do tự người sử dụng phương tiện bất cẩn gây nên nhưng cũng có trường hợp, tình huống bất ngờ không kịp phòng tránh. Có vụ đâm, đổ xe, chìm tàu, rơi máy bay... khiến nhiều nạn nhân rủi ro thiệt mạng. Dù vì nguyên nhân gì thì trước sự thương vong, mất mát của đồng loại, đồng bào chúng ta cũng nên dành cho họ sự chia sẻ sâu sắc nhất. Nỗi đau của gia đình, dòng họ người lâm nạn cũng là nỗi đau của cộng đồng. Thật xúc động khi hàng năm nước ta tổ chức các lễ cầu siêu cho người chết vì tai nạn giao thông. Đấy là một việc làm nhân văn, xuất phát từ đạo lý “Thương người như thể thương thân” của dân tộc ta. Nỗi đau đó đâu của riêng ai; nó là sự nhức nhối của cộng đồng khi vẫn còn những người ra đi không được trở về tổ ấm của mình vì lâm nạn giao thông. Chết chóc, thương tật do mất an toàn trong giao thông để lại những khoảng u ám cho xã hội. Chỉ có cách dùng tình thương và sự nhân ái của xã hội để làm dịu lại những vết thương đời ấy. Đó là cách tốt nhất để làm cho linh hồn những người xấu số được an ủi phần nào và sớm được siêu thoát. Cách ứng xử nào cũng phải thấm đượm tính nhân văn; nó khác biệt với sự vô cảm, vô tâm trước nỗi đau người khác. Nhấn kỹ điều này cũng để nhắc nhở với ai đó gây tai nạn rồi bỏ mặc nạn nhân, thậm chí có người còn tranh thủ kiếm chác khi người khác gặp nạn giao thông. Không có gì đáng quý hơn nhân phẩm con người, một chút của kiếm được lúc này sẽ làm cho bạn ân hận, day dứt suốt đời và biết đâu theo luật nhân-quả thì sự trả giá của chính ta sau này không hề nhẹ.

Điều quan trọng hơn cả là làm sao cho tai nạn giao thông ngày càng giảm xuống mức thấp nhất. Khi ra khỏi nhà, mỗi người cảm thấy an lòng hơn, vững tin hơn khi kết cấu hạ tầng giao thông ngày càng được nâng cấp, xây dựng tốt hơn; các phương tiện giao thông cũng đảm bảo chất lượng, đủ độ an toàn cho người sử dụng; công tác quản lý giao thông quy củ, hiệu quả và đặc biệt chú ý là thái độ của người tham gia giao thông...

Có một câu nói, đại ý: Thà chậm một phút để còn được cả cuộc đời, hơn là nhanh một phút mà mất tất cả. Chậm-nhanh và được-mất vừa hiểu theo nghĩa cụ thể, vừa nên phải hiểu theo nghĩa rộng lớn. Tính mạng con người là quý nhất, đừng bao giờ rẻ rúng nó và hãy làm nhiều việc hữu ích để cho sự bình an luôn có với mỗi người và mọi người. Đó là cách ứng xử tuyệt vời nhất của chúng ta khi tham gia giao thông ở mọi lúc, mọi nơi.

NGUYỄN HỮU QUÝ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/giao-thong-tai-nan-va-ung-xu-553989