Giáng sinh ở Sài Gòn hay bất cứ đâu cũng đều đọng lại tình yêu!

Giáng sinh tựa như chiếc phanh vô hình. Nó giúp mỗi người chậm lại, có thời gian nhìn nhận lại bản thân, chiêm nghiệm lại những được - mất trong suốt một năm qua.

Tôi ở Nga suốt thời niên thiếu. Giáng sinh ngày đó là câu chuyện đủ màu sắc: Những bông tuyết, mái nhà, dòng sông đóng băng trắng xóa suốt mùa đông. Cây thông Noel to đùng trong khuôn viên trường xanh đỏ đa sắc. Ánh nến vàng lung linh hắt lên từ miếng bánh khúc cây thơm ngát. Màu nâu của đĩa hạt dẻ bùi bùi, mằn mặn hòa quyện với vị chua ngọt của cranberries khô. Đôi má con gái ửng hồng vì đi nhiều giờ trong gió tuyết.

Và hơn tất cả, là màu của Giáng sinh trong vắt diệu kỳ.

Để xoa dịu nỗi buồn xa nhà vào những ngày cuối năm ở xứ lạnh, năm nào tôi cũng tự ngâm dâu tây, nướng bánh Panettone truyền thống (loại bánh hình ống, mềm xốp như bánh bông lan, mùi vị hòa quyện giữa vị bơ beo béo và mùi trái cây ngòn ngọt), pha Eggnog (thức uống pha trộn từ sữa, kem, đường và trứng đánh thật nhuyễn để tạo thành hỗn hợp sóng sánh, thêm vài giọt brandy, rum, hoặc bourbon để dậy mùi thơm nồng đặc biệt).

Đêm Thánh, tôi đi tình nguyện ở nhà thờ. Đúng 12h, các thiên thần mặc váy trắng, uốn tóc xoăn, đeo thêm đôi cánh trắng tinh, hát "Cao cung lên".

Ở giữa một giáo đường lạ, với những giáo dân chưa hề biết mặt, nhưng khung cảnh náo nhiệt ấm cúng, sự hồ hởi vui mừng của mọi người và âm thanh của bài thánh ca trầm bổng lại khiến mọi thứ đều trở nên thân thuộc.

Để nhiều năm sau, khi đã trở về Việt Nam, ký ức Giáng sinh với món súp củ cải đỏ, đĩa bánh pelmeni hạnh phúc (một loại há cảo truyền thống của Nga), hay đĩa cháo sữa Kasha lại trở thành vùng đất riêng rất đẹp đẽ và an bình chỉ mình tôi được sở hữu.

"Có chứ, Virginia, ông già Noel có thật. Ông ấy hiện diện như tình yêu, lòng bao dung và sự tôn kính tồn tại. Và cháu biết đấy, chúng ở khắp nơi, mang tới cho cuộc đời cái đẹp và niềm vui. Chao ôi! Thế giới này sẽ ảm đạm biết bao nếu không có ông già Noel".

(Trích thư Francis Pharcellus Church, biên tập báo The Sun, trả lời câu hỏi của độc giả 8 tuổi Virginia O’Hanlon: Hãy cho cháu biết sự thật, liệu ông già Noel có thật hay không?)

Mùi của Giáng sinh theo Dương lịch tại các nước phương Tây là mùi của tuyết trắng phủ kín các ô cửa, là cây thông với những lá thư gửi lời ước nguyện, là ông già Noel cưỡi cỗ xe tuần lộc phát quà cho những đứa trẻ biết chăm ngoan cả một năm, là đôi tất treo trước lò sưởi sẽ đầy ắp quà sau đêm thánh an lành.

Nguyên mẫu của Santa Claus là Đức Tổng Giám mục - Thánh Nicholas của một vùng đất thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Truyền thuyết kể rằng có 3 cô gái nghèo do không có của hồi môn nên không thể lập gia đình. Người cha dự định bán các con đi làm người hầu.

Thấu hiểu nỗi bất hạnh ấy, một đêm, thánh Nicholas âm thầm thả 3 túi đựng đầy tiền vàng xuống ống khói nhà họ. Túi này đã lọt vào đôi tất các cô gái đang phơi khô bên cạnh lò sưởi.

Sáng hôm sau, những người con gái rất đỗi vui mừng khi nhìn thấy số tiền. Nhờ đó, họ có thể kết hôn và sống hạnh phúc mãi về sau.

Hàng trăm năm sau, biết bao đứa trẻ vẫn giữ thói quen treo tất chờ đến sáng hôm sau để có một món quà từ ông già Noel. Qua thời gian, việc tặng quà Giáng sinh đã trở thành truyền thống.

Những món quà trong ngày này được coi như cử chỉ hy sinh mà không hề kỳ vọng được đáp trả. Với những người theo tôn giáo, tặng quà Giáng sinh là cách bày tỏ tình cảm giữa những người yêu thương. Còn với người ngoại đạo, đây đơn giản là cơ hội được gửi tới mọi người lời tạm biệt năm cũ và mong một năm mới an lành.

Ở Việt Nam không có tuyết trắng, ít nơi có cây thông để đặt những món quà cho người yêu mến, hay chẳng mấy ngôi nhà sở hữu lò sưởi để treo tất và trao kỳ vọng. Thế nhưng, ngày lễ này lại là đặc quyền để tụ tập, quây quần và duy trì tình cảm.

Người thân, bạn bè, những người yêu thương nhau có thể chia sẻ một bữa ăn chung, một đêm không ngủ, những lời chúc thật lòng. Noel trở thành ngày lễ của trẻ em. Là một đêm thần diệu mà tất cả ước nguyện sẽ trở thành hiện thực.

Giáng sinh là lễ hội của những người theo Thiên chúa nhưng niềm vui của ngày này lại lan tỏa đến bất cứ ai. Người ta thích Noel đơn giản bởi không khí nhộn nhịp lúc chờ đón, cảm giác yên bình, sự đoàn tụ, ấm cúng, thanh bình mà ngày Thánh mang lại.

Ngày sát cuối năm, những hẫng hụt trong lòng, những luyến tiếc đã qua, cảm giác cô đơn sẽ vơi đi, ai cũng lại thấy mình trưởng thành lên một chút, biết yêu thương hơn một chút, đương nhiên sẽ thấy hạnh phúc hơn thật nhiều.

Với ánh đèn lấp lánh, dưới tiếng thánh ca, bên cạnh cây thông Noel được trang hoàng rạng rỡ, cùng những đôi tất đầy sắc màu đang treo mình bên lò sưởi, chúng ta hãy tự tặng cho mình những lời nguyện ước.

Chẳng cần kỳ vọng lớn lao, chỉ cần là điều tạo ra cảm giác hạnh phúc. Ước những điều chưa thể thực hiện, ước những mục tiêu đang kỳ vọng, ước những giấc mơ còn dang dở, ước người xung quanh được bình an, ước yêu thương được bền lâu vĩnh cửu.

Hãy cứ ước, cứ hy vọng, vì càng có thêm niềm vui và hạnh phúc, chúng ta càng có thêm dũng khí và hy vọng để bắt đầu khởi đầu mới.

Ừ thì chúng ta lớn rồi, nhưng ai cũng vẫn cần những món quà cho riêng mình, đúng không?

"Chỉ vì đêm nay là đêm Giáng sinh, mà Giáng sinh thì người ta không nói dối. Trong mắt anh, em là người tuyệt vời nhất. Trái tim anh sẽ yêu em mãi".

(Love Actually)

Có lẽ sẽ không hoàn chỉnh nếu nhắc tới Noel mà không nói tới Love Actually - bộ phim ấm áp có thể xem đi xem lại mỗi mùa Giáng sinh. Bộ phim kinh điển kể về câu chuyện của những số phận, con người khác nhau vào Noel:

Một nghệ sĩ Rock & Roll hết thời đang cố gắng quay trở lại sân khấu với sự hỗ trợ từ người quản lý lâu năm. Một nhà văn trở về nhà phát hiện ra bạn gái đang ngoại tình với chính em trai ruột của mình. Một đôi trẻ mới cưới và chuẩn bị đi trăng mật. Một người chồng nghẹn ngào nói lời vĩnh biệt trong đám tang vợ. Một cặp diễn viên đóng thế cảnh sex đang làm quen với nhau.

Một gã lập dị làm việc ở cửa hàng ăn uống thất bại hết lần này đến lần khác trong việc tán tỉnh phụ nữ. Một vị thủ tướng vừa nhậm chức, phải lòng người giúp việc của mình trong khi chị ruột anh đang phải đối diện với cuộc hôn nhân nguội lạnh. Một phụ nữ yêu đơn phương anh chàng đồng nghiệp hơn 2 năm trời nhưng chẳng dám ngỏ lời.

Từ những người ở tầng lớp thượng lưu như thủ tướng Anh, nghệ sĩ, doanh nhân, tới những người ở tầng lớp dưới như anh phục vụ bàn, diễn viên đóng thế... tất cả đều khẳng định một điều: Tình yêu chạm đến tất cả, bất kể chúng ta làm gì, ở đâu.

Thế nhưng, cũng vào đêm Thánh, người xem biết rằng "Tình yêu ở quanh ta" song không hề dễ dàng, nằm sẵn trong những hộp quà chờ đợi người mở.

Trong bộ phim có một cảnh thế này: Đêm Giáng sinh, chàng trai yêu thầm vợ mới cưới của bạn thân mình quyết định bày tỏ tình cảm đơn phương với cô gái, mặc dù cô ấy đã biết.

Cả đoạn phim không một lời nói, chỉ có dòng chữ viết trên tấm bìa đã được chuẩn bị trước: "Anh đến đây không vì bất cứ hy vọng hay công việc gì. Chỉ vì đêm nay là đêm Giáng sinh, mà Giáng sinh thì không được nói dối. Trong mắt anh, em là người tuyệt vời nhất, trái tim anh sẽ yêu em mãi mãi. Vậy là đủ rồi".

Yêu biết mấy cái cách chàng trai bày tỏ tình cảm của mình ra như vậy, dẫu đó chỉ là tình đơn phương. Bởi có một điều rất giản đơn nhưng không phải ai cũng biết: Yêu, là phải nói.

Nói ra để người biết trên đời này còn có ta yêu người, chứ không phải mong rằng người sẽ yêu ta. Như vậy, là đủ rồi.

Kết thúc Love Actually, có người hạnh phúc, có người vẫn lẻ bóng, nhưng dường như không ai hối tiếc vì tất cả đều đã can đảm theo đuổi tình yêu.

Vậy đấy, có thể là không sớm, nhưng cũng chẳng phải muộn để chúng ta biết quan tâm và yêu thương nhiều hơn. Kể cả yêu thương bản thân mình.

Một năm sắp qua rồi, có gì chúng ta chưa kịp làm? Bao lâu rồi ta không nói nhớ cha khi vắng nhà, không ôm mẹ một cái lúc trở về? Sao ta không rút ngắn buổi tiệc một chút, về ăn bữa cơm với mọi người? Sao ta không thức dậy sớm một chút, giúp gia đình chuẩn bị bữa ăn sáng? Sao ta không mua sắm ít đi một chút, mua cho đứa em món quà, biếu bà một chiếc khăn ấm?

Chỉ mất một chút thời gian thôi, hãy dành cho nhau lời yêu thương, chia sẻ niềm vui và cả hạnh phúc đến cho những người xung quanh. Bởi lẽ Giáng Sinh là mùa yêu thương, hãy cứ tất bật yêu và đón nhận tình yêu.

Vì đó chính là hạnh phúc.

"Cầu cho niềm vui của hôm nay luôn tràn đầy ân phúc, và mỗi con đường đều dẫn đến bình an".

(Agnes M. Pharo)

Giáng sinh từng chứng kiến tôi hạnh phúc, háo hức và chờ đợi. Giáng sinh cũng từng thấy tôi tổn thương, mất niềm tin và thất vọng. Nhưng cũng chính Giáng sinh khiến tôi hiểu ra nhiều điều và quyết định yêu thương lại từ đầu.

Tôi hay gọi đùa những ngày Giáng sinh tựa như chiếc phanh vô hình. Nó giúp mỗi người chậm lại, có thời gian nhìn nhận lại bản thân, chiêm nghiệm lại những được - mất trong suốt một năm qua.

Mỗi năm Giáng sinh, tôi lại tìm đến một nơi xa lạ. Có năm ghé thánh đường nằm trong khuôn viên Đại Chủng viện Thánh Giuse ở số 6 Tôn Đức Thắng. Có lần cùng bạn tới "Phanxico khó khăn", một nhà thờ nhỏ trên đường Nguyễn Đình Chiểu. Có mùa tham gia tình nguyện phát quà cho trẻ em lang thang.

Nhiều năm xa nhà, cũng là từng ấy năm đón Noel đơn độc, nỗi nhớ quê nhà luôn ở trong tim, nhưng lạ kỳ là ít khi tôi cô đơn hay buồn chán vào đêm Thánh.

Nếu khoảnh khắc giao thừa luôn khiến mọi người nhận ra khoảng cách nhất định với xung quanh, lòng chùng xuống một cách vô thức, thu mình lại trong nỗi khát khao được trở về thì không khí nhộn nhịp, ấm cúng, đầy chia sẻ và cởi mở của Giáng Sinh lại khiến không ai cảm thấy e dè khi lỡ phải là người lạ.

Tôi biết mình mẫn cảm với Giáng sinh và luôn giảm giác trên đời có 4 mùa: Xuân, hạ, thu, Giáng sinh.

Tôi có thể nghe nhạc Giáng sinh quanh năm dù ngoài kia Sài Gòn nắng tới 35 độ, có thể uống một ly chocolate nóng rắc bột quế và nghe Nat King Cole hát thì thào mỗi đêm.

Ngày đó, khi gói ghém đời mình để di cư vào Sài Gòn, thứ tôi, một cô gái Hà Nội nhớ nhất là mùa đông, cái rét se se, mảng trời mây xám và những cơn gió lạnh đầu mùa của phương Bắc.

Thế mà năm nay, mảnh đất phương Nam này cũng chịu trở lạnh để đón Giáng Sinh, dự đoán sẽ tặng cho những người Sài Gòn và dân tứ xứ đang sinh sống, làm ăn ở đây một đêm Thánh đúng nghĩa.

Thành phố hiện đại bậc nhất cả nước những ngày cuối năm bỗng trầm mặc và cổ kính, không chút xô bồ, chẳng còn bon chen.

Ngồi cà phê đâu đấy ở Đồng Khởi, lang thang trên Nguyễn Huệ, chạy xe thật chậm ở Trần Hưng Đạo, thấy quán xá bắt đầu giăng đèn, dựng thông rực rỡ. Các tòa nhà quận 1 trang hoàng rực rỡ. Khu xóm đạo quận 8 xôn xao. Phố nhà giàu quận 2 đua nhau thay áo mới.

Tinh thần Giáng sinh như lớp mật ngọt khổng lồ bao phủ cả thành phố, khiến mọi thứ bỗng đáng yêu và dễ chịu lạ kỳ.

Nói cho cùng, Giáng sinh Sài Gòn không đơn thuần nằm gọn trong 2 ngày 24, 25 hay những bữa tiệc ngợp sắc xanh - đỏ. Noel là tinh thần, là không khí, là cảm giác. Là thứ vô hình, không thể cầm nắm hay nhìn thấy được nhưng cứ hễ đến lại cảm nhận được thật rõ ràng.

Những điều kỳ diệu của ngày lễ này do con người tạo ra, hay do Đấng tối cao ban tặng, đó không phải điều quan trọng. Chỉ xin hãy nhớ rằng cây thông xanh; giây phút lúc quây quần bên gia đình, bè bạn bên ánh lửa hay dưới mái nhà yên ấm; những bữa tiệc vui vẻ tưng bừng bất luận ngày mai sẽ ra sao... diễn ra quá ngắn ngủi và hiếm hoi.

Xin hãy luôn nhớ về những đêm Giáng sinh quý báu được cùng người thân sum họp, không gian yên ắng của buổi sáng sau đêm Thánh, hay khí thế tưng bừng hồi hộp khi bóc những món quà.

Giáng sinh chẳng còn sự ngăn cách giữa tế nhị hay vô ý, khôn ngoan hay vụng dại. Giáng sinh chỉ còn lại tình yêu, hạnh phúc và thứ tha.

Minh Trí - Ngân Giang

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/uoc-nguyen-dem-noel-va-mon-qua-trong-doi-tat-giang-sinh-post805433.html