Giảm thiểu rác thải nhựa: Cần bệ đỡ từ chính sách

Cần hình thành một ngành công nghiệp tái chế và các sản phẩm tái chế với những quy định, quy chuẩn để kích thích doanh nghiệp khởi nghiệp và đầu tư.

Nhựa tái chế vẫn còn hạn chế

Đây là nội dung được đưa ra tại Hội thảo chính sách giảm thiểu, thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, nhựa khó phân hủy sinh học tại các siêu thị và trung tâm thương mại do Cục An toàn và môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương tổ chức chiều 25/8 tại TP. Hồ Chí Minh.

Bà Đỗ Phương Dung, Phó Cục trưởng - Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương)- cho biết, ngành nhựa là một trong những ngành công nghiệp có tăng trưởng cao nhất Việt Nam với mức tăng hàng năm từ 16 - 18%/năm. Trong năm 2022, sản lượng nhựa đạt 9,54 triệu tấn, với 3.300 doanh nghiệp nhựa và 250.000 người lao động. Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nhựa ở Việt Nam liên tục tăng, mức tiêu thụ nhựa bình quân đầu người gia tăng nhanh chóng ở mức 10,6% mỗi năm…Tuy nhiên, kéo theo đó là sự gia tăng, phát sinh của rác thải nhựa.

Theo báo cáo hiện trạng chất thải nhựa năm 2022, tổng khối lượng chất thải nhựa phát sinh là 2,9 triệu tấn và có tốc độ gia tăng khoảng 5%/năm. Tổng lượng rác thải nhựa được thu gom là 2,4 triệu tấn nhưng chỉ có 0,9 triệu tấn rác thải nhựa được phân loại cho tái chế và 0,77 triệu tấn rác được tái chế. Tổng thất thoát chất thải nhựa vào môi trường là 0,42 triệu tấn, trong đó một phần lớn đến từ sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học.

Cần có chính sách hỗ trợ để kích thích hoạt động thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa

Cần có chính sách hỗ trợ để kích thích hoạt động thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa

Tính riêng các loại túi ni-lông, ước tính mỗi năm Việt Nam sử dụng và thải bỏ khoảng hơn 30 tỷ túi/năm. Tại các đô thị, lượng túi ni-lông được tiêu thụ khoảng 10,48 - 52,4 tấn/ngày. Trong số này, chỉ khoảng 17% số túi ni-lông được thường xuyên tái sử dụng, số còn lại đều bị thải bỏ gây ô nhiễm nghiêm trọng đối với môi trường sinh thái.

Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội tái chế chất thải Việt Nam -cho biết, năm 2018 toàn thế giới tiêu thụ khoảng 2.400 tỷ sản phẩm nhựa bao bì thông qua việc tiêu dùng các loại hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, đồ uống và các sản phẩm mỹ phẩm, dược phẩm… Năm 2022, nhu cầu sử dụng bao bì ở mức hơn 2.600 tỷ sản phẩm. Trong đó, bao bì thực phẩm và đồ uống có nhu cầu sử dụng lớn nhất, chiếm đến 93% tổng sản phẩm bao bì nhựa.

Trước vấn đề quá tải về rác thải nhựa, nhiều quốc gia trên thế giới đang dần đẩy mạnh việc hạn chế sử dụng bao bì nhựa, đặc biệt là bao bì nhựa dùng một lần, nhằm giảm thiểu lượng rác thải nhựa ra môi trường. Các biện pháp chủ yếu gồm cấm sử dụng hoặc áp thuế với các sản phẩm bao bì nhựa một lần.

Tại Việt Nam, những năm gần đây, ngành nhựa Việt Nam tiêu thụ khoảng 5, 9 triệu tấn nguyên liệu nhựa nguyên sinh, tương đương mức tiêu thụ bình quân 63 kg/người/năm, cao hơn nhiều so với mức trung bình thế giới là 46 kg/người/năm. Tăng trưởng trung bình khoảng 10%/năm. Cuộc khủng hoảng rác thải tại Việt Nam kéo theo khủng hoảng chôn lấp, mất an ninh lương thực, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và gây nhiều nguy hại cho hệ sinh thái.

Cần có chính sách khuyến khích

ThS. Phạm Hồng Hiệp Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương cho biết, tại Việt Nam thời gian qua cũng có nhiều chủ trương, chính sách nhằm giảm thiểu rác thải nhựa. Điển hình như Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05/03/2020 ban hành kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW đặt ra yêu cầu đến 2025: Thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Thúc đẩy hình thành khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế về phòng, chống, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm quốc tế về rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam.

Tuy nhiên quá trình thực thi gặp nhiều khó khăn do sự chồng chéo giữa các đơn vị quản lý. Cùng với đó, việc kiểm soát phế liệu nhựa nhập khẩu còn tiếp tục gây tranh cãi và là thách thức nhất đối với Chính phủ nhằm giải quyết bài toán cân bằng giữa nhu cầu sản xuất nội địa và việc kiểm soát khối lượng phế liệu nhập khẩu (chiếm 10%). Khái niệm về phế liệu hay nguyên liệu cũng có sự khác biệt. Trong khi các cơ quan quản lý coi phế liệu là chất thải có thể được tái sử dụng, thì các nhà sản xuất lại coi nó là nguyên liệu đầu vào.

Ông Trần Việt Anh nhìn nhận, tại Việt Nam hoạt động thu gom, tái chế nhựa đã diễn ra từ lâu thông qua các hoạt động như thu gom ve chai, phế liệu. Dù vậy hoạt động này khá nhỏ lẻ và mang tính tự phát với công nghệ rất thô sơ.

Dẫn ví dụ cụ thể, ông Việt Anh cho biết, hiện nay các công ty môi trường đang thực hiện việc thu gom rác thải. Trong số rác thải này có 5 – 10% là rác thải nhựa. Đây là những sản phẩm mà ngành nhựa đang quan tâm. Tuy nhiên, với nguồn lực hạn chế, những đơn vị này không thể phân loại và tái chế mà thực hiện chôn lấp rác. Trong khi đó, một số đơn vị tư nhân thực hiện tái chế rác thải nhựa, song những người thu gom, phân loại, lại chủ yếu làm thủ công và không theo một quy trình nào cả. Do đó, cần phải chuẩn hóa tất cả những hoạt động này.

“Chúng ta phải hình thành một ngành công nghiệp tái chế và các sản phẩm tái chế. Và chúng ta đưa ra những quy định, quy chuẩn để kích thích doanh nghiệp khởi nghiệp, kích thích doanh nghiệp đầu tư”, ông Trần Việt Anh nhấn mạnh.

Ông Trần Việt Anh cũng cho rằng, Bộ Công Thương, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cần sớm đưa ra những tiêu chuẩn và định hướng công nghệ tái chế, công nghệ phân loại. Đồng thời có những giáo trình về đào tạo, tái chế và phải đưa vào một ngành học ở các trường về môi trường hoặc kỹ thuật. Như vậy khi đã có quy trình chuẩn, các sản phẩm nhựa sẽ được tái chế, kéo dài vòng đời hơn.

Hà Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/giam-thieu-rac-thai-nhua-can-be-do-tu-chinh-sach-268710.html