Giám đốc Công ty G.N.N đầu thú, khách hàng có đòi lại được tiền?

Mới đây, Công ty cổ phần Chuyển phát nhanh G.N.N phát đi thông báo sẽ chính thức dừng hoạt động từ 1/9/2018. Vị Giám đốc doanh nghiệp này cũng đã đi tự thú. Vấn đề mà nhiều người đang quan tâm là: Khách hàng có thể lấy lại được tiền hay không?

Phóng viên Báo Infonet có cuộc phỏng vấn với luật sư (LS) Nguyễn Doãn Hùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) về một loạt những vấn đề liên quan đến vụ việc trên.

Theo luật sư, việc tự thú của vị Giám đốc này nhằm mục đích gì?

LS Nguyễn Doãn Hùng: Hôm nay trên nhiều trang báo đã đưa tin Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chuyển phát nhanh G.N.N (GNN Express) Hoàng Ngọc đã ra tự thú trước cơ quan pháp luật và xin hứa nhận trách nhiệm về toàn bộ sự việc của công ty.

Đây là một hành động đáng ghi nhận của lãnh đạo một công ty đã từng "làm mưa làm gió" trên thị trường. Theo cá nhân tôi: Điều này cho thấy sự bất lực của ông trong việc giải quyết các vấn đề mà Công ty đang gặp phải. Từ đó mong muốn khách hàng hiểu, thông cảm cho ông Ngọc cũng như phía Công ty thêm thời gian khắc phục sai lầm, tiến đến việc thanh toán nợ cho khách hàng.

Hành vi tự thú có phải là cách trốn trách nhiệm trả nợ cho khách hàng hay không thưa luật sư? Và nếu trường hợp có trốn nợ thì việc Tòa án chấp nhận xử lý có tạo tiền lệ cứ làm ăn phi pháp rồi xin đi tù trốn nợ là xong?

LS Nguyễn Doãn Hùng: Theo tôi, đây không phải là hành vi trốn trách nhiệm trả nợ cho khách hàng. Thứ nhất, ông đã nhận thấy tình trạng của công ty và những khó khăn mà ông cũng như công ty đã gặp phải thời gian qua. Thứ hai, Công ty đã và đang cố gắng khắc phục những hậu quả xảy ra. Thứ ba, theo quy định của pháp luật, Công ty không thể tránh được trách nhiệm trả nợ cho khách hàng khi chủ nợ có yêu cầu mở thủ tục phá sản tại Tòa án.

Trốn nợ là hành vi trốn tránh trách nhiệm trả nợ của con nợ đối với chủ nợ, có sự vi phạm về trách nhiệm hình sự. Còn đối với trường hợp này, đây không phải là hành vi trốn nợ mà là do doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Đồng thời, ông Ngọc cũng đã tự thú về tình hình thực tế của công ty, không hề có một hành vi trốn tránh trách nhiệm đối với những sai phạm của công ty. Một khi doanh nghiệp đã mất khả năng thanh toán sẽ được Nhà nước tạo điều kiện khai tử, đây được xem là một việc hết sức bình thường trong thời buổi kinh tế nhiều biến động như hiện nay.

Đơn xin tự thú của Giám đốc Công ty cổ phần Chuyển phát nhanh G.N.N.

Trong trường hợp này, quyền và lợi ích của khách hàng sẽ được giải quyết như thế nào?Khách hàng cần làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích của mình, thưa luật sư?

LS Nguyễn Doãn Hùng: Công ty lâm vào tình cảnh khốn đốn làm cho không ít khách hàng cũng lâm vào tình cảnh khó khăn không kém. Đối với trường hợp này, quyền và lợi ích của khách hàng sẽ được giải quyết theo quy định của Công ty và theo hợp đồng lao động mà Công ty đã ký kết với khách hàng. Theo đó, những thiệt hại của khách hàng về mặt hàng hóa, cũng như số tiền COD sẽ được bồi thường, thanh toán theo thứ tự ưu tiên và theo thỏa thuận đã được ghi trong hợp đồng.

Luật sư Nguyễn Doãn Hùng.

Trong trường hợp này, khách hàng có quyền yêu cầu tòa án giải quyết nhưng cần cân nhắc việc Công ty cổ phần Chuyển phát nhanh G.N.N (GNN Express) phát đi thông báo sẽ chính thức dừng hoạt động từ 1/9 vì "không còn đủ khả năng tài chính". Theo thông báo trên fanpage của doanh nghiệp này, do hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, Công ty đã không cân đối được thu, chi dẫn đến sử dụng và lạm dụng tiền thu hộ (COD) của khách hàng vào các hoạt động khác của công ty.

Như vậy, Công ty cổ phần Chuyển phát nhanh G.N.N đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng. Theo đó, khách hàng có quyền nộp đơn yêu cầu khởi kiện ra tòa để được thanh toán.

Khoản 1, Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác.

Tại Điều 5. Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự:

1. Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó.

2. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.

Tuy nhiên, khách hàng cần cân nhắc trước khi khởi kiện ra tòa án và cần xem xét khả năng thanh toán của công ty G.N.N. Nếu bị đơn không có khả năng tài chính thì không có tài sản để thi hành án. Khách dù thắng kiện vẫn không nhận được tiền.

Theo thông báo trên trang Fanpage của doanh nghiệp thì doanh nghiệp đã mất khả năng thanh toán, vậy chủ doanh nghiệp không thực hiện được việc chi trả có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không? Nếu có thì sẽ đối diện với điều mức án nào, thưa luật sư?

LS Nguyễn Doãn Hùng: Trong trường hợp Công ty không có tài sản thế chấp, mất khả năng thanh toán thì bên cho vay gần như không còn cơ hội lấy lại tài sản. Tuy nhiên, trong trường hợp này, nếu có căn cứ chứng minh hành vi vi phạm, chủ doanh doanh nghiệp có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 175 "Tội lạm dụng tín nhiệm chiến đoạt tài sản" với khung hình phạt lên tới 20 năm tù.

Xin cảm ơn luật sư!

N. Huyền (thực hiện)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/giam-doc-cong-ty-gnn-dau-thu-khach-hang-co-doi-lai-duoc-tien-post273590.info