Giải quyết nợ xấu: Vừa làm, vừa gỡ

Là 'huyết mạch' dẫn vốn cho nền kinh tế, ngành ngân hàng sẽ phải làm sao để thực hiện cho trọn lời hứa trước Chính phủ và Quốc hội - đó là giải quyết nợ xấu.

Ảnh minh họa

Theo thống kê ban đầu khi ban hành Nghị quyết 42/2017/QH14 bao gồm nợ xấu nội, ngoại bảng, nợ bán VAMC, lúc đó có khoảng 565 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Như vậy, con số 138,29 nghìn tỷ đồng nợ xấu được xử lý (tính đến 30/6/2018) chiếm hơn 20% tổng số nợ xấu.

Một năm sau ngày Nghị quyết 42 đi vào thực tiễn, cùng với những kết quả đạt được, nhiều vướng mắc nảy sinh đòi hỏi việc xử lý nợ xấu cần tiếp tục được nghiên cứu, điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Quá trình triển khai đã phát sinh những vướng mắc như: Quyền thu giữ tài sản đảm bảo, chưa có sự phối hợp của chính quyền địa phương, khó thu giữ với những tài sản đảm bảo chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế…
Để xử lý nợ xấu, các bên có liên quan, đặc biệt là ngân hàng thương mại và các khách hàng, phải thực hiện quyết liệt và đồng bộ tháo gỡ cơ chế chính sách mới có thể kịp tiến độ. Bên cạnh đó, cơ quan Nhà nước phải có chế tài để giám sát các tổ chức tín dụng trong việc kiểm soát nợ xấu. Theo thống kê, có 20% dư nợ là của các công ty Nhà nước, cho vay cá nhân thế chấp bằng tài sản cũng thấp, chỉ khoảng 10% tổng dư nợ của toàn nền kinh tế, còn lại khoảng 70% là của các tập đoàn tư nhân, dự án rất lớn. Như Chủ tịch Agribank chia sẻ, có những vụ khách hàng với dư nợ gần 3.000 tỷ đồng, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có chỉ đạo nhiều lần, khách hàng không những không giao tài sản mà còn có dấu hiệu tẩu tán tài sản thế chấp làm tăng nguy cơ thất thoát nhưng chưa được các cơ quan hữu quan giải quyết.
Thứ nhất, để xử lý nợ xấu phải có nguồn lực. Hiện những nguồn để xử lý là ngân sách Nhà nước với trị giá khoảng 2.000 tỷ đồng và nguồn phát hành trái phiếu. Thứ hai “mỡ nó rán nó”, nợ xấu mua về để quay vòng vốn. Thứ ba là dùng phương pháp tận thu, bán tài sản đảm bảo, tái cơ cấu và thu lãi, xử lý khoản nợ còn lại. Trong cả 3 nguồn thì ngân sách có hạn. Thị trường mua nợ nợ xấu của Việt Nam chỉ có rất ít đơn vị tham gia, bao gồm VAMC, DATC và 28 AMC của các TCTD – vốn có nguồn lực rất mỏng. Thực tế, hiện nay thị trường vẫn còn rất thiếu các cơ quan định giá và định mức tín nhiệm một cách khách quan, chuyên nghiệp.
Việt Nam cần phải xây dựng một thị trường mua bán nợ thực sự. Để tận dụng mọi nguồn lực, nên khuyến khích nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư nước ngoài tham gia nhiều hơn nữa vào quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu. Đồng thời xây dựng và thực hiện kế hoạch bán cổ phần cho các nhà đầu tư tài chính, cổ đông chiến lược, minh bạch hóa hoạt động theo thông lệ.
Trong 8 nhiệm vụ mà Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, ngành, địa phương và hệ thống các tổ chức tín dụng triển khai trong thời gian tới có những nội dung quan trọng như phải tập trung nguồn lực xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, nâng cao chất lượng quản trị DN, giảm sở hữu chéo... Để tái cơ cấu ngân hàng thực sự thành công, còn nhiều việc phải làm, đòi hỏi nỗ lực, phối kết hợp của cả hệ thống. Bởi kinh nghiệm cho thấy, tái cơ cấu các TCTD khó thành công nếu tái cơ cấu các lĩnh vực khác chậm, không đồng bộ…

Nguyên Anh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/giai-quyet-no-xau-vua-lam-vua-go-324030.html