Giải pháp dinh dưỡng cho những vấn đề tiêu hóa của người cao tuổi

Càng lớn tuổi thì chức năng tiêu hóa càng kém đi, khiến người cao tuổi thường gặp phải các vấn đề về tiêu hóa như táo bón, đầy hơi, tiêu chảy, viêm dạ dày, ăn uống không ngon miệng… Tình trạng này kéo dài, không được cải thiện sẽ ảnh hưởng đến dinh dưỡng cho cơ thể và chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.

Nguyên nhân của các vấn đề tiêu hóa ở người cao tuổi

Theo PGS.TS.BS Trần Đình Toán - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng lâm sàng, khi tuổi càng cao, cơ thể sẽ gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe chủ yếu là việc suy giảm hoạt động của các cơ quan do quá trình lão hóa cơ thể. Vì thế, nguyên nhân chính gây ra các tình trạng “trục trặc” ở hệ tiêu hóa cũng là do việc lão hóa chức năng ở cơ quan này. Ví dụ như vị giác hoạt động kém hơn, khả năng nhai, nghiền thức ăn của 2 hàm răng yếu đi, các loại dịch tiết từ các tuyến tiêu hóa giảm cả về số và chất lượng (tuyến nước bọt hoạt động kém khiến việc ăn uống kém ngon miệng. Dạ dày có xu hướng co bóp kém hơn, khả năng tiết dịch vị và các enzyme tiêu hóa ở ruột cũng kém hơn…) khiến cho việc hấp thu dinh dưỡng chậm, dẫn tới việc ăn khó tiêu, đầy bụng. Hoạt động co bóp của đại tràng kém dẫn tới tình trạng táo bón cũng rất hay gặp ở người lớn tuổi.

PGS.TS.BS Trần Đình Toán - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng lâm sàng

Ngoài ra, các hoạt động chuyển hóa dinh dưỡng trong cơ thể cũng giảm dần nên các bệnh lý về rối loạn chuyển hóa (như tiểu đường, tăng cholesterol máu, tăng huyết áp…) cũng là những vấn đề có liên quan đến dinh dưỡng ở người cao tuổi và đều làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tình trạng dinh dưỡng, chất lượng cuộc sống của họ.

Nguyên nhân lớn thứ 2 chính là do chế độ dinh dưỡng chưa phù hợp. Khi cao tuổi, nhu cầu dinh dưỡng sẽ có nhiều sự khác biệt với nhu cầu dinh dưỡng của những giai đoạn tuổi khác, cho nên người cao tuổi cần phải có sự điều chỉnh chế độ ăn để phù hợp với nhu cầu cơ thể. Cụ thể, nhu cầu năng lượng ở người cao tuổi giảm đi nên cần điều chỉnh giảm lượng ăn vào. Nhu cầu chất bột đường, chất béo, đặc biệt là cholesterol giảm nên cần điều chỉnh hạn chế tỷ lệ các chất này trong chế độ ăn. Riêng đối với chất đạm, do cơ thể giảm khả năng tổng hợp chất đạm, nên cần duy trì tỷ lệ và hàm lượng đạm đầy đủ trong chế độ ăn như các lứa tuổi khác, nhưng cần chú ý thay đổi tỷ lệ nguồn cung cấp đạm cho cơ thể. Cụ thể, nếu ở trẻ nhỏ, nguồn đạm cần ưu tiên trên 70% đạm từ động vật, thì ở người cao tuổi, lượng đạm từ động vật lại cần hạn chế; thịt đỏ, thịt mỡ cần giảm trong chế độ ăn; thay vào đó, cần tăng cường các loại thịt trắng (tôm, cá..); Đặc biệt cần tăng cường sử dụng nguồn đạm thực vật. Theo khuyến cáo người cao tuổi nên duy trì 25-30% tỷ lệ đạm từ nguồn động vật và 70-75% đạm từ thực vật.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, thực tế ít người cao tuổi hiểu và thực hiện đúng được theo các hướng dẫn này. Nhiều người cao tuổi duy trì thói quen ăn uống chưa thật sự lành mạnh, hoặc do ăn chung cùng với các thành viên khác trong gia đình được chuẩn bị theo khẩu phần hoặc sở thích của của con cái là thanh niên, người trẻ nên bữa ăn thường nhiều thịt, nhiều các món chiên xào với dầu mỡ, ít bổ sung nguồn đạm từ thực vật... hay đơn giản là thức ăn cho người cao tuổi không được chú ý nấu nhừ, mềm hơn mà thường xuyên phải ăn chung các món …“chỉ chín tới” như các thành viên khác trong gia đình. Việc duy trì các thực đơn không phù hợp lâu dần sẽ dẫn đến tình trạng cơ thể bị mất cân bằng về dinh dưỡng, là nguy cơ của các bệnh mạn tính, bệnh chuyển hóa, và kéo theo nhiều vấn đề sức khỏe nói chung và trục trặc tại đường tiêu hóa nói riêng.

Khi bước qua tuổi 50, nhiều người thường có các bệnh mạn tính. Kèm theo khả năng làm việc của gan kém khiến cơ thể bị ứ trệ, nóng trong, và biểu hiện ra bên ngoài với nhiều triệu chứng khó chịu liên quan đến tiêu hóa.

Một số trường hợp đặc biệt do cơ thể không dung nạp một số thành phần trong thức ăn nhưng không được phát hiện cũng dẫn đến rối loạn tiêu hóa ở người cao tuổi. Điển hình như tình trạng không dung nạp lactose trong sữa. Sữa là thực phẩm rất tốt với sức khỏe người cao tuổi, giàu đạm, giàu vitamin và khoáng chất, đặc biệt là nguồn cung cấp canxi rất tốt với cơ thể. Tuy nhiên nhiều người lớn tuổi lại không có khả năng dung nạp thành phần đường lactose trong sữa, nên cứ uống sữa hoặc các sản phẩm làm từ sữa thì sẽ có hiện tượng sôi bụng hoặc đi ngoài. Trong trường hợp này, cần điều chỉnh việc lựa chọn sản phẩm sữa không chứa đường lactose hoặc các sản phẩm thay thế khác.

Tiêu hóa kém ảnh hưởng đến sức khỏe thế nào?

Tiêu hóa kém, đầu tiên sẽ gây khó chịu cho người cao tuổi, với các triệu chứng như ăn uống không ngon miệng, đau lâm râm bụng, tiêu hóa kém, táo bón, đầy hơi, tiêu chảy, viêm dạ dày,... Các triệu chứng này làm người cao tuổi thấy mệt mỏi, khó chịu, căng thẳng và làm ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của họ khá nhiều.

Khi các vấn đề tiêu hóa ở người cao tuổi kéo dài, không được cải thiện sẽ khiến cơ thể hấp thu dinh dưỡng kém, mất cân bằng dinh dưỡng, cơ thể thiếu hụt một số chất dinh dưỡng quan trọng dẫn tới thể trạng yếu, miễn dịch kém, tăng nguy cơ mắc một số bệnh như tim mạch, huyết áp, xương khớp… và làm nặng thêm các bệnh nền mạn tính như huyết áp, đái tháo đường, suy thận, viêm gan… Thể trạng kém đồng thời lại kéo theo các vấn đề khác về tinh thần không thoải mái, mất ngủ, sây sẩm, khó chịu, suy nhược cơ thể,…

Giải pháp dinh dưỡng tối ưu cho người cao tuổi

Bước qua tuổi 50, dinh dưỡng tốt là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao thể chất, kiểm soát những vấn đề về sức khỏe nói chung và hệ tiêu hóa nói riêng. Để có một chế độ dinh dưỡng tốt, người cao tuổi nên bổ sung sữa trong thực đơn dinh dưỡng mỗi ngày. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp người cao tuổi thường gặp phải là tình trạng không dung nạp lactose, dẫn đến đầy bụng, tiêu chảy,... khi uống sữa. Vì vậy, việc bổ sung dinh dưỡng từ sữa trở nên khó khăn hơn và nhiều người vẫn chưa tìm kiếm được giải pháp tối ưu.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc bổ sung sữa có nguồn gốc thực vật là một giải pháp phù hợp với tất cả các hoàn cảnh trên và có nhiều ưu điểm đối với người cao tuổi để giúp cung cấp nguồn dưỡng chất đầy đủ và cân đối theo đúng nhu cầu của cơ thể. Sản phẩm sữa dành riêng cho người lớn, người cao tuổi, có thành phần chính từ nguồn đạm thực vật tinh chế và hệ dưỡng chất bổ sung thiết yếu còn giúp hỗ trợ tốt cho sức khỏe tiêu hóa, sức khỏe tim mạch, và củng cố sức khỏe xương khớp.

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/giai-phap-dinh-duong-cho-nhung-van-de-tieu-hoa-cua-nguoi-cao-tuoi-n181732.html