Giải mã sự bứt tốc mạnh mẽ của Ấn Độ

Ấn Độ sở hữu nhiều lợi thế về tăng trưởng, dân số và thị trường để trở thành điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp muốn đặt dây chuyền sản xuất ở đây.

Căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung cùng các lệnh phong tỏa liên tục đang đẩy nhanh xu hướng các công ty, tập đoàn quốc tế chuyển dịch dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc (TQ).

Khi các yếu tố này càng kéo dài, xu hướng nói trên càng diễn ra nhanh chóng và quyết liệt hơn. Quốc gia thường được nhắc đến như một lựa chọn thay thế là Ấn Độ và chính quyền New Delhi dường như đang tận dụng thời cơ này.

Tăng trưởng tiềm năng của Ấn Độ

Tờ Financial Times dẫn báo cáo hồi tháng 7 của Liên Hợp Quốc dự đoán vào năm 2023, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, vượt qua cả TQ.

Về tổng sản phẩm quốc nội (GDP), số liệu từ Ngân hàng đầu tư Mỹ Morgan Stanley nhận định Ấn Độ sẽ vượt qua Nhật và Đức vào năm 2027 và trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và TQ.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế Ấn Độ sẽ đạt tăng trưởng 6,8% trong năm 2022, cao gấp đôi so với mức dự đoán tăng trưởng kinh tế thế giới.

Theo hãng tin Bloomberg, tổng tài sản của 100 người giàu nhất Ấn Độ đã chạm mốc 800 tỉ USD trong năm nay. Trong số này, người tăng mạnh nhất là tỉ phú Gautam Adani. Sau khi tăng gần ba lần vào năm 2021, khối tài sản ròng của ông Adani trong năm 2022 tiếp tục tăng gấp đôi lên 150 tỉ USD và đưa ông lên vị trí số 1 Ấn Độ.

Nhìn rộng ra, trong 10 năm trở lại đây, Ấn Độ đã đạt được tốc độ tăng trưởng vào hàng nhanh nhất thế giới với mức trung bình hằng năm là 5,5%. Theo Morgan Stanley, GDP của Ấn Độ thậm chí có thể tăng hơn gấp đôi, từ 3.500 tỉ USD hiện nay lên 7.500 tỉ USD vào năm 2031.

Thị phần xuất khẩu của Ấn Độ trên thế giới cũng có thể tăng gấp đôi trong giai đoạn này với sàn giao dịch chứng khoán Bombay - sàn giao dịch lớn nhất Ấn Độ - có thể đạt mức tăng trưởng hằng năm là 11% và đạt mức vốn hóa thị trường là 10.000 tỉ USD trong 10 năm tới.

Hiện quốc gia Nam Á đang hưởng lợi rất nhiều từ các công ty “chia tay” với TQ và tập trung nhiều hơn vào việc phát triển thị trường trong nước hơn là chịu chi phối của các doanh nghiệp TQ. Năm 2020, tỉ trọng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Ấn Độ chiếm 2,4% GDP so với 1,7% GDP ở TQ, trong khi tỉ lệ của 10 năm trước lần lượt là 1,6% GDP và 4% GDP.

Mặc dù vậy, Ấn Độ cũng phải đối mặt với nhiều thách thức và một trong số đó chính là tốc độ phát triển đô thị hóa quá nhanh giữa lúc nước này vẫn mới chỉ là một nền kinh tế mới nổi.

Trong một báo cáo khác, WB ước tính Ấn Độ cần chi khoảng 840 tỉ USD để hiện đại hóa đất nước trong 15 năm tới. 40% dân số của quốc gia này, tương đương khoảng 600 triệu người, sẽ sống tập trung ở các siêu đô thị vào năm 2027. Điều này chắc chắn sẽ tạo áp lực cho cơ sở hạ tầng và dịch vụ đô thị vốn đã quá tải của các TP.

Một dây chuyền sản xuất ô tô của một doanh nghiệp ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ hồi tháng 6. Ảnh: REUTERS

Một dây chuyền sản xuất ô tô của một doanh nghiệp ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ hồi tháng 6. Ảnh: REUTERS

Ấn Độ dần trở thành "công xưởng thế giới"

Theo tờ Mint, nhiều chuyên gia cho rằng về dài hạn, Ấn Độ rất tiềm năng trở thành đối thủ, tiến tới thay thế vai trò “công xưởng thế giới” của TQ.

“TQ có khả năng sản xuất ở quy mô lớn với chi phí thấp. Quốc gia duy nhất ngoài TQ có khả năng sản xuất ở quy mô như vậy với mức giá tương tự đó là Ấn Độ. Trên thực tế, chúng ta vẫn đang là một trung tâm sản xuất có chi phí thấp quy mô lớn” - GS Biswajit Dhar thuộc ĐH Jawaharlal Nehru (Ấn Độ) cho hay.

Ông Ridham Desai, chiến lược gia thị trường chứng khoán tại Ngân hàng Morgan Stanley - Chi nhánh châu Á, nhận định rằng trong môi trường hậu COVID-19, các lãnh đạo doanh nghiệp có xu hướng chấp nhận nhân viên làm việc từ xa, từ nhà hoặc thuê nhân viên từ Ấn Độ hơn.

Nhờ vậy trong thập niên tới, số người được tuyển dụng ở Ấn Độ để lấp đầy các vị trí làm việc bên ngoài đất nước dự kiến sẽ tăng gấp đôi, lên hơn 11 triệu người. Chi tiêu cho gia công phần mềm toàn cầu sẽ tăng từ 180 tỉ USD lên khoảng 500 tỉ USD mỗi năm từ nay đến năm 2030.

Ấn Độ cũng đang ở vị trí sẵn sàng trở thành công xưởng của thế giới khi các chính sách cắt giảm thuế doanh nghiệp, khuyến khích đầu tư và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng cho phép thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư vốn vào sản xuất. Tỉ trọng của lĩnh vực sản xuất trong GDP có thể tăng từ 15,6% hiện nay lên 21% vào năm 2031, nhờ việc tăng gấp đôi thị phần xuất khẩu của Ấn Độ.

Theo đánh giá của Công ty kiểm toán Ernst & Young Global (EY), tuy thị trường Mỹ và TQ lớn hơn nhưng tương đối bão hòa với mức tăng trưởng tương đối thấp hơn. Ấn Độ trong trường hợp này mang đến cơ hội chuyển tiếp tăng trưởng cho các công ty đa quốc gia trong thập niên tới. Chỉ riêng trong lĩnh vực kinh tế số, thị trường nước này cũng đạt giá trị 800 tỉ USD vào năm 2030, tức là tăng gấp 10 lần so với năm 2020.

“Thập niên tới của Ấn Độ có thể giống với quỹ đạo của TQ từ năm 2007 đến 2012. Điều này sẽ biến Ấn Độ thành đầu tàu mới của kinh tế thế giới” - chuyên gia Chetan Ahya thuộc Ngân hàng Morgan Stanley - Chi nhánh châu Á dự đoán.•

Châu Á sẽ “gánh” tăng trưởng toàn cầu vào năm sau

Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 sẽ “phụ thuộc nhiều” vào các nền kinh tế lớn ở châu Á - nhóm sẽ chiếm gần 3/4 tăng trưởng GDP toàn cầu trong khi cả kinh tế Mỹ và châu Âu cùng giảm tốc mạnh. Ấn Độ được dự báo sẽ là nền kinh tế tăng trưởng mạnh thứ nhì thế giới trong năm nay và năm tới với mức tăng trưởng đạt tương ứng 6,6% và 5,7%. Saudi Arabia được OECD dự báo sẽ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong cả năm 2022 và 2023. Kinh tế TQ được dự báo tăng 3,3% vào năm nay và tăng 4,6% trong năm tới.

Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương lớn đặt mục tiêu lạm phát 2% và đã tăng lãi suất liên tục trong năm nay nhằm hạn chế lạm phát. Tuy nhiên, chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ này cũng làm gia tăng rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu vì làm gia tăng gánh nặng nợ đối với các hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ.

VĨ CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/giai-ma-su-but-toc-manh-me-cua-an-do-post709707.html