Giá vàng vọt lên kỷ lục mới 74,6 triệu đồng/lượng, điều gì sắp xảy ra?

Giá vàng tăng vọt ngay đầu tuần, lên tới 74,6 triệu đồng/lượng, cao hơn kỷ lục cũ 74,5 triệu đồng/lượng vừa xác lập tuần trước. Thế giới đang thay đổi rất mạnh và hướng đi của dòng tiền khó đoán định.

Lập đỉnh cao mới

Ngay trong phiên giao dịch đầu tuần (4/12) trên thị trường châu Á, giá vàng thế giới giao ngay tăng vọt, vượt các ngưỡng kháng cự và đỉnh cao trước đó, thiết lập kỷ lục mới 2.148,99 USD/ounce.

Với mức giá này, vàng thế giới cao hơn khoảng 17,9% (326 USD/ounce) so với đầu năm 2023. Vàng thế giới giao ngay quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 64 triệu đồng/lượng (đã bao gồm thuế và phí), thấp hơn khoảng 10,5 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.

Giá vàng trong nước xác lập kỷ lục mới sáng nay, với mức bán ra ở một số đơn vị tăng thêm khoảng 1 triệu đồng/lượng, lên tới 74,6 triệu đồng/lượng, cao hơn kỷ lục cũ 74,5 triệu đồng/lượng xác lập trong tuần trước.

Gareth Soloway, chiến lược gia trưởng của InTheMoneyStocks chia sẻ trên Kitco rằng, giá vàng tăng nhờ động lực kết hợp mạnh mẽ giữa kỳ vọng Mỹ cắt giảm lãi suất và yếu tố hỗ trợ theo phân tích kỹ thuật.

Trước đó, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho biết sẽ giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài. Tuy nhiên, kỳ vọng hiện tại của thị trường là Fed sẽ cắt lãi suất sớm hơn, có thể ngay trong tháng 3/2024. Kỳ vọng in tiền trong tương lai kích hoạt cú vượt ngưỡng 2.100 USD/ounce của giá vàng.

Với xu hướng như hiện nay, Soloway cho rằng mục tiêu giá vàng năm 2024 là 2.534 USD/ounce (tương đương giá quy đổi 75,4 triệu đồng/lượng, nếu tính với tỷ giá USD/VND ở mức 24.460 đồng/USD). Như vậy, nếu tính thêm mức chênh với giá thế giới khoảng 12 triệu đồng/lượng như hiện tại, giá vàng trong nước có thể lên 87,4 triệu đồng/lượng.

Theo Soloway, mục tiêu giá vàng thế giới cao như vậy dựa theo sự hoàn thành mô hình vai đầu vai nghịch đảo như đang được xác lập theo phân tích kỹ thuật.

Hiện, vàng được giới đầu tư đặc biệt ưa chuộng như một cách để bảo vệ tài sản khỏi suy thoái kinh tế, lạm phát trong những năm qua và có thể sắp tới. Hơn thế, vàng được xem là một kênh giao dịch an toàn cổ điển.

Trên thực tế, các tín hiệu cho thấy, khả năng Fed giảm lãi suất trong quý I/2024 đã tăng vọt lên 50%. Trong khi gần như chắc chắn Fed sẽ không tăng lãi suất trong tháng 12.

Bên cạnh đó, vàng bứt phá qua ngưỡng 2.070-2.075 USD/ounce lần thứ 4 liên tiếp. Ba lần trước đó vào năm 2020, 2022 và đầu năm 2023. “Quá tam 3 bận”, nhiều khả năng lần này vàng lập kỷ lục mới một cách vững chắc, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức.

Giá vàng thế giới và trong nước lập đỉnh cao lịch sử vào sáng 4/12. (Ảnh: KC)

Thế giới bất ổn, môi trường lý tưởng cho vàng

Trong một cảnh báo trên Nikkei Asia, huyền thoại đầu tư Jim Rogers nhận định, nền kinh tế toàn cầu có thể sắp bước vào thời kỳ khó khăn. Thời kỳ tươi đẹp của kinh tế thế giới gần tới hồi kết thúc.

Theo Jim Rogers, thị trường chứng khoán Mỹ liên tục tăng từ những năm 2010 nhưng “chuỗi thành tích tích cực đó có thể sắp kết thúc”. Chứng khoán Mỹ được xem là một chỉ báo về kinh tế toàn cầu. Danh sách các cổ phiếu tăng giá ấn tượng ngày càng hiếm hoi. Việc tìm kiếm lợi nhuận trên TTCK Mỹ ngày càng khó. Điều này cũng sẽ xảy ra với các thị trường khác.

Ông Rogers dự đoán Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong năm 2024. Ông cũng cho rằng suy thoái đang đến gần hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc dòng tiền tìm đến kênh chứng khoán sẽ suy giảm.

Gần đây, thế giới chứng kiến hiện tượng tiền gửi vào ngân hàng gia tăng cho dù lãi suất tiền tiết kiệm quay đầu giảm. Vốn cho vay ra cũng tăng trưởng chậm. Khi dòng tiền không tìm được nơi sinh lợi hiệu quả thì an toàn là yếu tố được lựa chọn. Vàng, trái phiếu chính phủ các nước, USD và cả Bitcoin… là các kênh được nhiều người chú ý.

Theo Rogers, trong 1-2 năm tới, “chúng ta sẽ chứng kiến một vấn đề rất lớn, dài hạn trên các thị trường tài chính toàn cầu”. Nhà đầu tư này cũng đề cập tới Trung Quốc với những biến động xấu trong lĩnh vực bất động sản. Những bất ổn địa chính trị cũng góp phần kìm hãm nền kinh tế thế giới

Bên cạnh các kênh nói trên, một số loại hàng hóa được cho là cũng sẽ hút dòng tiền. Cũng như vàng, bạc là một kim loại có sức hấp dẫn trong thời gian tới. Đồng, niken, các kim loại quan trọng cho xe điện và năng lượng tái tạo cũng được cho là sẽ có cú bứt phá khi dòng tiền tìm đến.

Cũng trên Nikkei Asia, CEO Masan Danny Le cũng cho rằng kỷ nguyên tiền rẻ và các doanh nghiệp chịu lỗ để giành thị phần đã kết thúc. Trước đây, nhà đầu tư sẽ kiên nhẫn khi xem xét liệu công ty có thể tạo ra một mảng kinh doanh có lợi nhuận hay không. Nhưng những ngày tháng nhà đầu tư kiên nhẫn như thế đã chấm dứt.

Đây cũng là điều mà nhiều chuyên gia trên thế giới đề cập. Dòng tiền đầu tư mạo hiểm, đầu tư cho các startup cũng như cho các tập đoàn lớn trên thế giới bị co lại rất mạnh. Do đó nhiều cổ phiếu trụ cột hay những cổ phiếu chào sàn khó có cơ hội tăng mạnh.

Bên cạnh xu hướng tiền tìm đến các kênh đầu tư an toàn, trong đó có vàng, dòng tiền cũng chảy vào mảng công nghệ, nhưng bó khá hẹp ở mảng trí tuệ nhân tạo (AI) sau vụ thành công của ChatGPT của OpenAI trong năm qua.

Ở chiều ngược lại, một số chuyên gia cảnh báo khả năng giá vàng điều chỉnh sau đợt tăng nóng 2 tháng qua. Theo Matt Simpson đến từ CityIndex, các nhà đầu tư nên cẩn trọng khi thanh khoản của vàng gần đây thấp trong bối giá vàng lên cao.

Mạnh Hà

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/gia-vang-vot-len-ky-luc-moi-74-6-trieu-dong-luong-dieu-gi-sap-xay-ra-2222582.html