Gia tăng ca bệnh phong khó chẩn đoán, bác sĩ chỉ rõ dấu hiệu phát hiện sớm

Các chuyên gia nhấn mạnh, việc tiếp tục duy trì Chương trình Chống phong Quốc gia là vô cùng cấp thiết. Điều này giúp kết nối hệ thống da liễu trong cả nước, góp phần phát hiện bệnh nhân sớm và điều trị kịp thời, giảm tối đa tình trạng tàn tật cho người bệnh.

Ngày 26/3, tại BV Da liễu Trung ương đã diễn ra Lễ trao tặng thuốc phòng chống bệnh phong của Tổ chức Y tế thế giới cho Chương trình phòng chống phong của Việt Nam. Trong đợt trao tặng này, WHO trao gần 3.000 vỉ thuốc phong; 20.000 viên Lampren (thuốc điều trị cơn phản ứng cho người có cơn phản ứng phong).

"Việc hỗ trợ thuốc đa hóa trị liệu MDT cho bệnh nhân phong là một việc làm hết sức quan trọng bởi vì điều trị kịp thời sẽ làm giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm và tình trạng tàn tật của bệnh nhân. Điều này làm giảm gánh nặng cho gia đình bệnh nhân và xã hội. Đây là mấu chốt quan trọng làm nên sự thành công của chương trình phòng chống phong quốc gia" - PGS.TS Nguyễn Văn Thường - Giám đốc BV Da liễu Trung ương nhấn mạnh như vậy tại lễ trao tặng.

Trong bối cảnh có xu hướng gia tăng bệnh nhân phong ở nước ta như hiện nay, chúng tôi cũng đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Văn Thường để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

- Thưa Phó Giáo sư, vì sao bệnh phong lại có xu hướng quay trở lại trong khi các tỉnh thành của chúng ta đã được công nhận loại trừ căn bệnh này từ năm 2015?

PGS.TS Nguyễn Văn Thường: Số lượng bệnh nhân phong gần đây bắt đầu có xu hướng gia tăng, các ca nhiễm mới được phát hiện tại BV Da liễu Trung ương từ năm 2018 trở lại đây lên đến gần 20 ca và đều là các ca khó chẩn đoán, triệu chứng lâm sàng không điển hình.

Mặc dù đến cuối năm 2015, toàn bộ 63 tỉnh/thành trong cả nước đã được công nhận loại trừ bệnh phong theo tiêu chuẩn Việt Nam. Sở dĩ như vậy vì trực khuẩn phong ủ bệnh dài, triệu chứng cơ năng lúc mới biểu hiện bệnh khá mờ nhạt.

Hiện nay, số lượng bệnh nhân phong mới khoảng 100-200 ca/năm. Cả nước có 21 khu điều trị và 15 làng phong. Số bệnh nhân phong đang quản lý là 10.000 ca; số bệnh nhân tàn tật độ 2 là 18.000 ca.

BS Kidong Park - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam trao tặng thuốc phòng chống bệnh phong cho Chương trình phòng chống phong của Việt Nam.

- Từ ca mắc phong thể nhiều vi khuẩn giống lupus ban đỏ mới đây, có ý kiến cho rằng vẫn cần quan tâm và đặc biệt không mất cảnh giác với bệnh nhân phong? Quan điểm của PGS về vấn đề này thế nào?

PGS.TS Nguyễn Văn Thường: Như tôi đã nói ở trên, từ năm 2018 đến nay, bệnh viện đã khám và phát hiện gần 20 bệnh nhân phong mới, các trường hợp này đều là những trường hợp triệu
chứng không điển hình và khó chẩn đoán nếu không có đội ngũ những bác sĩ giàu kinh nghiệm và các xét nghiệm chẩn đoán chuyên sâu.

Vì vậy công tác đào tạo, đào tạo lại và cập nhật các kiến thức về bệnh phong cho các cán bộ y tế thường xuyên đóng vai trò rất quan trọng, ngay cả cho những bác sĩ tuyến trung ương.

- Ngoài ra còn có ca bệnh phong với những dấu hiệu không điển hình, vậy người dân có thể dựa vào dấu hiệu nào để phát hiện sớm bệnh này?

PGS.TS Nguyễn Văn Thường: Dấu hiệu phát hiện bệnh phong sớm gồm:

- Tổn thương da thay đổi màu sắc (trắng, thẫm, hồng...) hoặc các mảng đỏ, u da kèm theo có rối loạn/giảm mất/cảm giác (nóng, lạnh, đau, xúc giác), bề mặt tổn thương thường khô, bóng.

- Dáy tai dày, bóng, rụng lông mày.

- Tê bì, mất cảm giác tay, chân.

Đây là những dấu hiệu sớm gợi ý người dân cần tới khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

- Theo ông, bệnh nhân phong có đang bị xã hội lãng quên? Cần có thêm những chính sách nào khác để đảm bảo cuộc sống, việc điều trị cho bệnh nhân phong tốt hơn?

PGS.TS Nguyễn Văn Thường: Bệnh phong là một bệnh bị lãng quên trong các bệnh bị lãng quên, thời gian ủ bệnh kéo dài có thể lên đến 20 năm nên để tiến tới thanh toán được bệnh phong chúng ta cần phải có khoảng thời gian rất dài và cần các hoạt động tích cực như đào tạo,
truyền thông... Để đạt được mục tiêu này thì vai trò của Chương trình Chống phong quốc gia chiếm vai trò chủ đạo.

Việc tiếp tục duy trì Chương trình Chống phong Quốc gia là vô cùng cấp thiết và quan trọng. Điều này giúp kết nối hệ thống da liễu trong cả nước, góp phần phát hiện bệnh nhân sớm và điều trị kịp thời, giảm tối đa tình trạng tàn tật cho người bệnh.

Người bệnh phong điều trị tại BV Da liễu Bắc Ninh.

Có một thực tế hiện nay là phần lớn bệnh nhân phong đang sống trong các khu điều trị đều không có gia đình. Thực chất họ là những người tàn tật do bệnh phong. Mặc dù được chính quyền và ngành y tế hết sức quan tâm nhưng những mặc cảm bệnh tật và kỳ thị từ xa xưa vẫn là nỗi ám ảnh của họ.

Vì vậy, định hướng của hoạt động phòng chống phong trong gia đoạn tới sẽ chủ yếu là hướng tới
giảm kỳ thị và phục hồi chức năng cho bệnh nhân phong, đồng thời công tác tuyên truyền giáo dục y tế để người dân tự phát hiện sớm bệnh cũng là ưu tiên hàng đầu.

Một vấn đề nữa, các bệnh nhân tàn tật do phong đang sống ở các khu điều trị đều được nhà nước cấp kinh phí mặc dù không nhiều, tuy nhiên những năm gần đây sự tài trợ của các tổ chức phi Chính phủ giảm di rất nhiều. Hội chống phong Hà Lan sau nhiều năm hỗ trợ Chương trình Chống phong quốc gia và các nước sông Mê kông đã ngừng tài trợ cho hoạt động này để chuyển sang lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, chương trình chống phong quốc gia có được sự hỗ trợ rất nhiều năm từ Tổ chức Y tế thế giới, đặc biệt là thuốc điều trị cho bệnh nhân phong được WHO cấp hoàn toàn miễn phí. Đây là hoạt động vô cùng quan trọng góp phần vào sự thành công của chương trình.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Dương Hải

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/gia-tang-cac-ca-benh-phong-kho-chan-doan-trieu-chung-khong-dien-hinh-n188885.html