Giá chung cư mới liên tục lập đỉnh, người dân TP.HCM tìm mua căn hộ cũ

Trong bối cảnh nguồn cung dự án chung cư mới khan hiếm và giá bán không ngừng tăng, để hiện thực hóa giấc mơ an cư, không ít người dân TP.HCM tìm đến phân khúc căn hộ cũ.

“Săn” chung cư cũ có sổ hồng

Sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, có thể nói tâm lý mua nhà của không ít người dân TP.HCM đã thay đổi. Thay vì cố tranh suất mua tại các dự án chung cư mới như trước đây, hiện nhiều người đã có xu hướng chọn mua căn hộ tại các chung cư cũ để hiện thực hóa giấc mơ an cư.

Thu nhập hàng tháng khoảng 12 triệu đồng, vợ chồng ông N.G.N (ngụ TP.Thủ Đức) vẫn đang chật vật tìm mua một căn hộ. Năm ngoái, khi tham khảo một chung cư tầm trung mới xây trên địa bàn TP.Thủ Đức, ông N. được biết giá bán đã 40 triệu đồng/m2. Một căn hộ chỉ 67m2 đã xấp xỉ 2,7 tỷ đồng, mức giá này vượt quá khả năng chi trả của gia đình ông.

Theo ông N, 2 năm qua, giá chung cư mới tại TP.Thủ Đức nói riêng và TP.HCM nói chung liên tục tăng cao. Thậm chí, giá chung cư mới ở Bình Dương, nhất là những khu vực giáp ranh TP.Thủ Đức, cũng đã vượt mức 40 triệu đồng/m2.

Người dân TP.HCM đang có xu hướng tìm mua chung cư cũ.

Người dân TP.HCM đang có xu hướng tìm mua chung cư cũ.

Với mức thu nhập trung bình như gia đình ông N, có thể nói để mua được căn hộ chung cư mới trên địa bàn TP.Thủ Đức vào thời điểm này thật không dễ. Phương án mua căn hộ chung cư cũ cũng đã được ông N. tính đến.

“Tầm 2 tỷ đồng, tôi có thể mua căn hộ 70m2 ở một chung cư cũ tại P.Linh Tây, TP.Thủ Đức. Chung cư này tuy cũ nhưng đã có sổ hồng. Vì khả năng tài chính có hạn nên tôi thấy đây là lựa chọn phù hợp trong thời buổi giá nhà leo thang như hiện nay”, ông N. nói.

Chấm dứt 5 năm ở trọ, vợ chồng ông P.V.T vừa ký hợp đồng mua một căn hộ 72m2 tại một chung cư cũ nằm trên trục đường Phạm Văn Đồng, TP.Thủ Đức với giá 2,1 tỷ đồng.

Theo ông T, chung cư này đã đưa vào sử dụng được 10 năm, chủ yếu phục vụ nhu cầu tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa. Lúc mới xây, các căn hộ tại đây chỉ có giá chỉ 800 triệu đồng. Sau khi đường Phạm Văn Đồng được mở, rồi một trung tâm thương mại lớn gần đó đi vào hoạt động, giá bán căn hộ tại chung cư này liên tục tăng.

“Tuy cũ nhưng chung cư này có vị trí khá thuận lợi, gần trung tâm và đã có sổ hồng. Sống trong các chung cư cũ thì phải chịu cảnh cơ sở vật chất xuống cấp, mọi thứ đều cũ kỹ nhưng với mức giá này thì hiện tại rất khó để mua được căn hộ mới ở cùng khu vực”, ông T. phân tích.

Có nhu cầu đổi sang nhà khác rộng rãi và gần trung tâm hơn, ông N.C cũng vừa bỏ ra 2,7 tỷ đồng để mua căn hộ 73m2 tại một chung cư cũ ở P.An Khánh, TP.Thủ Đức. Theo ông C, giá bán chung cư cũ này chỉ khoảng 38 triệu đồng/m2, chưa bằng 50% so với giá bán chung cư mới.

Giá căn hộ tại TP.HCM sẽ tiếp tục tăng?

Thống kê của một đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, trong quý 2/2022, nguồn cung căn hộ mới tại TP.HCM khoảng 9.300 căn. Trong đó, khu vực phía Đông Sài Gòn chiếm ưu thế với tỷ lệ 90%.

Sự khan hiếm nguồn cung nhà ở bình dân dẫn đến mức bán ra của phân khúc này đạt mức cao và nhanh nhất. Giá bán sơ cấp trung bình của phân khúc nhà ở bình dân ở mức gần 36 triệu đồng/m2, phân khúc trung cấp ở mức 62 triệu đồng/m2.

Trong khi đó, phân khúc căn hộ hạng sang và siêu sang cũng có xu hướng tăng, giá bán sơ cấp trung bình của hai phân khúc này lần lượt ở mức 179 triệu đồng/m2 và 345 triệu đồng/m2. So với quý đầu năm, giá bán căn hộ trong quý 2/2022 tăng mạnh, từ 1% - 3%.

Giá bán căn hộ mới tại TP.HCM đang có chiều hướng tăng. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo CBRE Việt Nam, phân khúc căn hộ cao cấp có giá bán từ 2.000 USD/m2 đến 4.000 USD/m2 đang chiếm ưu thế trên thị trường, đạt tỷ lệ 93% nguồn cung mới của quý. Nguồn cung mới của phân khúc căn hộ trung cấp rất hạn chế và phân khúc bình dân gần như “biến mất”.

Tuy vậy, phân khúc căn hộ trung cấp đáp ứng đa số nhu cầu của người mua để ở, là sản phẩm phổ biến nhất tại TP.HCM với thị phần lên đến 41% trong tổng nguồn cung tích lũy toàn thị trường.

Giá sơ cấp trung bình toàn thị trường đạt 2.455 USD/m2, tăng 2,7% theo quý và 8,6% theo năm. Phân khúc căn hộ trung cấp được hưởng lợi từ việc tăng giá ở khu vực ngoài trung tâm với mức tăng 1,9% theo quý và 7% theo năm, trong khi phân khúc cao cấp giảm đến 3,8%.

CBRE Việt Nam nhận định, trong năm nay, thị trường nhà ở TP.HCM có khoảng 22.000 căn hộ, phân khúc cao cấp và hạng sang sẽ dẫn dắt thị trường. Giá bán sơ cấp trung bình tại TP.HCM dự kiến tăng trưởng chậm do giá các nguồn cung mới đều nằm ở mức đầu của hai phân khúc này.

Từ những chỉ dấu như trên, đại diện của một đơn vị chuyên nghiên cứu thị trường cho rằng, thị trường căn hộ TP.HCM và vùng phụ cận đang trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch. So với cùng kỳ năm trước, nhu cầu tìm mua bất động sản đã có dấu hiệu khởi sắc hơn.

Trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm và giá bán căn hộ mới bị đẩy lên cao, theo vị này, không quá khó hiểu khi người dân có xu hướng tìm mua căn hộ chung cư cũ đã có sổ hồng hoặc chung cư vừa bàn giao.

“Dòng tiền đổ vào phân khúc căn hộ cũng đang có sự dịch chuyển. Không chỉ người có nhu cầu mua ở thực, giới đầu tư cũng quan tâm đến loại hình căn hộ chung cư cũ vì lợi nhuận cho thuê đã dần ổn định trở lại. Bên cạnh đó, pháp lý rõ ràng cũng là một lợi điểm của phân khúc này”, vị này đánh giá.

Anh Phương

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/gia-chung-cu-moi-lien-tuc-lap-dinh-nguoi-dan-tp-hcm-tim-mua-can-ho-cu-2044393.html