Giá cả tiêu dùng ở Trung Quốc tiếp tục giảm

Giá tiêu dùng của Trung Quốc vẫn nằm trong vùng giảm phát tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 12, gây thêm áp lực cho các nhà hoạch định chính sách khi họ tìm cách khôi phục niềm tin vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Người dân mua sắm ở một khu chợ tại Bắc Kinh. Ảnh: Bloomberg

Theo số liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố hôm 12-1, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này giảm 0,3% trong tháng 12 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong những tháng gần đây, do giá giảm mạnh, thịt heo, mặt hàng lớn nhất trong giỏ hàng hóa tiêu dùng của chi số CPI, đã tác động mạnh đến chỉ số này.

CPI cơ bản, loại trừ giá cả năng lượng và thực phẩm, ở mức dương 0,6% trong tháng 12, không thay đổi so với tháng trước. Tuy nhiên, lạm phát dịch vụ tăng ổn định với chi phí du lịch và phòng khách sạn tăng lần lượt là 6,8% và 5,5%. Trong khi đó, chỉ số giá nhà sản xuất (PPI), đo lường giá bán sản phẩm từ cổng nhà máy, giảm 2,7%. Chỉ số PPI của Trung Quốc chịu áp lực do giá nguyên liệu thô và hàng hóa toàn cầu giảm đều đặn hàng tháng kể từ tháng 10 -2022.

Nền kinh tế Trung Quốc rơi vào tình trạng giảm phát trong tháng 7 và kể từ đó giá cả không thay đổi hoặc giảm trong các tháng, ngoại trừ tháng 8, với mức giảm 0,5% trong tháng 11, đánh dấu mức giảm mạnh nhất trong ba năm.

Với tình trạng suy thoái bất động sản kéo dài, thị trường việc làm yếu kém và những trở ngại khác như rủi ro nợ làm giảm triển vọng tăng trưởng, người tiêu dùng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã thắt chặt hầu bao.

Tình trạng giảm phát làm gia tăng các thách thức mà các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh cần phải vượt qua khi khi họ xoay xở vực dậy tăng trưởng. Họ đang tìm cách nới lỏng lãi suất để chống lại sự suy thoái kéo dài trong lĩnh vực bất động sản, thường chiếm hơn 25% hoạt động kinh tế.

Sự suy yếu kéo dài trong tăng trưởng giá tiêu dùng ở Trung Quốc phản ánh sự phục hồi không đầy đủ sau ba năm Bắc Kinh áp đặt chính sách chống đại dịch nghiêm ngặt. Dù chính sách này được dỡ bỏ một năm trước nhưng vẫn tiếp tục gây áp lực lên tâm lý mong manh của người tiêu dùng.

Trong cả năm 2023, CPI của Trung Quốc chỉ đạt 0,2%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính thức là 3%. Giới chức trách Trung Quốc dự kiến đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5% vào năm 2024, tương đương với mốc năm 2023, mức thấp nhất trong nhiều thập niên.

“CPI cơ bản của Trung Quốc ở mức thấp, có thể phản ánh nhu cầu trong nước suy giảm do sự suy thoái bất động sản đang diễn ra và thị trường lao động căng thẳng”, các nhà phân tích của Goldman Sachs bình luận.

Các nhà phân tích của Capital Economics cho rằng tăng trưởng toàn cầu yếu và chú trọng đầu tư hạ tầng quá mức ở Trung Quốc có nghĩa là rủi ro giảm phát sẽ tiếp tục đeo bám nền kinh tế nước này trong một thời gian.

Đầu tuần tới, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) dự kiến giảm lãi suất cho vay trung hạn lần đầu tiên kể từ tháng 8 năm ngoái. Động thái này cho phép bơm thanh khoản vào hệ thống tài chính. Trong cuộc thăm dò ý kiến do Bloomberg thực hiện, các nhà kinh tế dự đoán PBoC sẽ giảm lãi suất suất 0,1 điểm phần trăm, xuống còn 2,4%.

Đầu tuần này, truyền thông nhà nước dẫn lời Zou Lan, người đứng đầu bộ phận chính sách tiền tệ của PBocC, cho biết ngân hàng này sẽ sử dụng các công cụ chính sách bao gồm hạ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng.

Hồi tháng 10, Trung Quốc công bố kế hoạch phát hành 1.000 tỉ nhân dân tệ (139,39 tỉ đô la) trái phiếu chính phủ để tài trợ cho các dự án đầu tư, đồng thời cam kết thực hiện chính sách tài khóa chủ động vào năm 2024. Thông điệp này củng cố quan điểm của thị trường rằng chi tiêu tài chính có thể sẽ đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế.

Các nhà hoạch định chính sách cũng đã nới lỏng các hạn chế đối với việc mua nhà ở các thành phố lớn và nhanh chóng giải quyết mọi dấu hiệu rủi ro lan lây sau làn sóng vỡ nợ của các nhà phát triển bất động sản kể từ cuối năm 2021, bao gồm cả Country Garden, nhà phát triển tư nhân lớn nhất đất nước, vào năm ngoái.

Theo Financial Times, Reuters

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/gia-ca-tieu-dung-o-trung-quoc-tiep-tuc-giam/