Gắn kết chèo với làng nghề

Sau khi thôi vị trí quản lý Nhà hát Chèo Hà Nội, NSND Thúy Mùi đảm nhận vai trò mới là Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nghệ thuật sân khấu, trực thuộc Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.

Một trích đoạn chèo cổ.

Lý giải điều này, NSND Thúy Mùi cho rằng: Ở tuổi hưu nhưng tình yêu với sân khấu, đặc biệt là sân khấu truyền thống trong tôi vẫn tràn đầy như ngày thanh xuân.

Tôi còn sức cống hiến, lại có kinh nghiệm thì không ngại ngần đóng góp cho sân khấu truyền thống phát triển hơn. Đúng là đảm nhận cương vị này khá khó khăn. Trung tâm không được bao cấp kinh phí, cả nhân viên và lãnh đạo đều phải tự “bơi”. Nhưng chính vì thế mà chúng tôi không chịu nhiều áp lực. Với bản thân tôi, đó còn là động lực để mình tự do thực hiện những ý tưởng, chương trình biểu diễn nhằm kéo khán giả đến với sân khấu. Bởi với tôi tình yêu dành cho sân khấu rất lớn. Đam mê của mình được gia đình ủng hộ. Mình luôn mong muốn làm sao tốt cho sân khấu dù biết rằng làm không đơn giản, dễ dàng, sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước. Nếu không có người hỗ trợ thì sẽ gặp những trở ngại như thế nào, tôi đã hiểu và biết rõ. Mình gắn bó với sân khấu rất nhiều năm, muốn sân khấu mở mang hơn nhưng sẽ không cố thỏa mãn đam mê bằng mọi giá.

PV: Với sự tự tin đó, trước mắt bà đang có rất nhiều dự định?

NSND Thúy Mùi: Hiện nay, Trung tâm đang triển khai hai dự án. Đầu tiên là phối hợp với Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch Hà Nội và các đơn vị lữ hành tổ chức biểu diễn, giới thiệu các loại hình nghệ thuật truyền thống tại làng nghề và di tích trên địa bàn Hà Nội. Chúng tôi đã thí điểm biểu diễn các loại hình diễn xướng như cải lương, chèo, chầu văn, ca trù… miễn phí tại làng lụa Vạn Phúc và làng gốm sứ Bát Tràng vào thứ bảy, chủ nhật hằng tuần. Các buổi diễn được người dân và du khách quan tâm. Đại diện các làng nghề cũng ủng hộ hoạt động này. Dự án thứ hai là số hóa tư liệu, chân dung các nghệ sĩ sân khấu tiêu biểu. Bảo tồn sân khấu không chỉ liên quan tới các tác phẩm mà còn phải trân trọng những tài năng đã, đang đóng góp cho sân khấu. Việc làm này cũng giúp cho các nghệ sĩ trẻ dễ dàng tiếp cận với thế hệ đi trước để học hỏi, tạo động lực phấn đấu.

Hiện Trung tâm đã tập hợp được khối lượng băng đĩa, hình ảnh khá lớn do các nghệ sĩ, lãnh đạo tiền nhiệm để lại. Kho tư liệu này còn được sử dụng để hỗ trợ cho các dự án của Trung tâm như chương trình tôn vinh nghệ sĩ sân khấu tiêu biểu, rồi trưng bày giới thiệu với người dân và du khách… Bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn xây dựng một trung tâm dành cho các nghệ sĩ sân khấu cao tuổi, không nơi nương tựa tại Hà Nội; mở rộng giới thiệu các loại hình sân khấu ở ba miền... Tuy nhiên, những công việc này phải triển khai dần dần.

Bên cạnh 2 dự án này, Trung tâm cũng đã phối hợp với các đơn vị nghệ thuật truyền thống của trung ương và Hà Nội để tổ chức biểu diễn thật chuyên nghiệp. Các nghệ sĩ đã nghỉ hưu còn tâm huyết với nghề và còn sức lực cống hiến được mời đồng hành trong những chương trình này. Ngoài ra, chúng tôi tạo điều kiện cho sinh viên những năm cuối của Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội tham gia biểu diễn cùng những nghệ sĩ thành danh, để các em học hỏi, tích lũy kinh nghiệm.

Một trong những hướng đi cho sân khấu truyền thống đó dựa vào các nguồn xã hội hóa. Thế nhưng nhờ nguồn hỗ trợ này mà nhiều tác phẩm bị chi phối, chất lượng giảm sút. Bà nghĩ sao về nghịch lý này?

- Đúng là hiện nay khi hoạt động trong cơ chế thị trường rất nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn chỉ quan tâm tới lợi nhuận mà không quan tâm tới đầu tư chất lượng cho các chương trình. Với Trung tâm thì khác, chất lượng là yếu tố quan trọng đầu tiên. Muốn gây dựng thương hiệu, đơn vị nghệ thuật ấy phải biết lấy yếu tố giải trí làm trọng và cân bằng với yếu tố nghệ thuật. Nếu một trong hai yếu tố ấy quá nặng, các chương trình sẽ có vấn đề. Tôi và các nghệ sĩ tham gia Trung tâm nói không với các chương trình nhảm nhí, dễ dãi.

NSND Thúy Mùi.

Nhiều năm làm nghề tôi thấy rằng, sân khấu truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, chầu văn, ca trù, múa rối… thực sự có sức hấp dẫn không chỉ với du khách quốc tế mà với mỗi người dân Việt Nam. Vấn đề là chúng ta làm thế nào để tạo được sợi dây kết nối khán giả với sân khấu. Nếu ca nhạc là nghe nhiều thì sân khấu là nhìn nhiều. Sân khấu truyền thống đậm nét tinh túy và có tính đặc thù nhất định, càng gần gũi, càng tiếp cận trực diện thì càng dễ yêu mến. Các chương trình mà chúng tôi thực hiện và muốn tìm khán giả đều diễn ra ở không gian vừa vặn, ấm cúng.

Vậy phải chăng bà đang rất tự tin về những nguồn lực đang có cho những dự án trong tương lai?

- Trước đây có hỗ trợ của Nhà nước rồi thì nhà tài trợ không quan tâm, cho là bỏ tiền vào không để làm gì. Khi tôi đặt vấn đề là mình đang phải “tay không bắt giặc” thì họ nói làm đi, nếu làm việc gì thiết thực cho sân khấu thì sẽ hỗ trợ, nhưng không phải như cách mà Nhà nước nuôi các đơn vị sân khấu xưa nay. Tôi cho là khả năng nằm trong tầm tay mình.

Ví dụ chương trình mừng Giỗ tổ sân khấu 2018, hiện chúng tôi đã lo xong về mặt kinh phí. Thực tế tôi thấy có nhiều nhà hảo tâm rất yêu sân khấu, các nghệ sĩ nổi tiếng của sân khấu truyền thống. Họ đã từng ngồi hát cho Thúy Mùi nghe cả chèo, cả cải lương, say mê hát cùng với nghệ sĩ. Tất nhiên là tôi không lạm dụng lòng tốt của họ mà vì giữa tôi với họ có chung một đam mê là sân khấu. Họ tài trợ cho tôi làm chương trình thì tôi hỗ trợ ngược lại bằng hình thức gửi giấy mời, vé đi xem biểu diễn. Đây cũng là cách đánh thức tình yêu với sân khấu, để khán giả thỏa mãn tình yêu với các nghệ sĩ ngôi sao họ yêu mến.

Trân trọng cảm ơn bà!

Minh Sơn (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/gan-ket-cheo-voi-lang-nghe-tintuc410590