Gắn kết bảo tàng với cộng đồng- hướng đi mới của Bảo tàng Đà Nẵng

GS Graeme Were với ngư dân khu nhà chồ tại triển lãm.

Không giống như các cuộc triển lãm đã từng xem trước đó, triển lãm "Câu chuyện bên bờ sông Hàn" do Bảo tàng Đà Nẵng phối hợp cùng GS Graeme Were- Trưởng khoa Nhân học, ĐH Bristol (Vương Quốc Anh) tổ chức chiều 27-11 đã mang đến cho công chúng thưởng lãm một cái nhìn thú vị, mới mẻ về cách trưng bày, triển lãm tại Bảo tàng. Đây có thể được xem là hướng đi khá mới cho việc tổ chức các trưng bày của Bảo tàng Đà Nẵng...

Triển lãm là một phần trong kết quả của dự án nghiên cứu "Di sản nghề chài và cuộc sống mưu sinh tại Đà Nẵng" do GS. Graeme Were làm chủ nhiệm đề tài và Bảo tàng Đà Nẵng là một trong 3 đối tác của dự án nghiên cứu này. Lấy bối cảnh về cuộc di dời các hộ dân sống trong khu nhà chồ ven bờ Đông sông Hàn từ năm 2000-2005 đến các khu dân cư mới tại P. Nại Hiên Đông (Q. Sơn Trà), triển lãm "Câu chuyện bên bờ sông Hàn" góp phần tái hiện khá sinh động về một giai đoạn quan trọng của Đà Nẵng trong quá trình phát triển KT-XH với tốc độ phát triển nhanh vượt bậc, tạo dấu ấn không chỉ ở trong nước mà cả quốc tế. Điều khác biệt của triển lãm nằm ở chỗ, thông qua việc sử dụng lời kể của chính nhân vật trong cuộc- những ngư dân từng sống ở khu nhà chồ năm xưa- cùng những hiện vật mà họ đã lựa chọn từ các bộ sưu tập của Bảo tàng để hình thành nội dung của triển lãm.

Đứng bên bức ảnh mà chính mình là nhân vật kể lại câu chuyện, bà Nguyễn Thị Liên, nay ở khu chung cư P. Nại Hiên Đông xúc động: "Đây là lần thứ 3 tôi được đến với Bảo tàng Đà Nẵng. Hai lần trước đến tham quan và được những người làm dự án cho chọn hiện vật liên quan đến khu nhà chồ đang trưng bày ở đây rồi chụp hình, kể lại câu chuyện dưới bức ảnh về hiện vật đã chọn. Tôi chọn cây đèn dầu. Sống trong thời đại văn minh rồi, ít ai dùng đèn dầu, nhưng với tôi cũng như nhiều ngư dân ở khu nhà chồ năm xưa, cây đèn dầu là vật không thể thiếu. Nó không chỉ gợi nhớ lại cuộc sống vất vả ngày trước, mà còn nhắc nhở đến hành trình nhọc nhằn tìm con chữ của những đứa trẻ xóm nhà chồ. Nó còn nhắc nhớ về thời kỳ xa xưa của ông cha mình, khi chưa có ánh sáng của đèn điện".

Tương tự bà Liên, ông Nguyễn Văn Minh không khỏi nhìn bùi ngùi khi ngắm nhìn bức ảnh của mình bên cây cào nghêu trước kia là vật kế sinh nhai của ông và gia đình. "Nhìn cây cào nghêu này tôi nhớ nghề mình lắm", ông Minh thật thà.

Khi được hỏi trong quá trình phát triển nhanh vượt bậc, Đà Nẵng có rất nhiều câu chuyện hay để kể, vì sao lại chọn cộng đồng dân cư ở khu nhà chồ, GS Graeme Were chia sẻ suy nghĩ: "Tôi đã làm việc với Bảo tàng Đà Nẵng từ năm 2015- 2016 khi đưa sinh viên đến làm việc tại đây. Tôi rất quan tâm đến trưng bày nghề chài và làng chài, đặc biệt là mô hình nhà chồ được dựng lại theo tỷ lệ thật tại Bảo tàng Đà Nẵng. Tuy nhiên, tôi cảm thấy nó còn thiếu một cái gì đó. Và cái thiếu đó chính là không có tiếng nói cộng đồng. Hay nói khác hơn, thiếu đi sự kết nối giữa bảo tàng với cộng đồng. Từ đó, tôi nảy sinh ý tưởng...".

Việc gắn kết bảo tàng với cộng đồng là một trong những xu hướng mới của Bảo tàng học thế giới. Tại Việt Nam, xu hướng này chưa được các bảo tàng địa phương thực hiện nhiều. Hiện có Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tại Hà Nội đang thực hiện khá thành công xu hướng này. Là một nhà nghiên cứu nhân học rất quan tâm đến hoạt động của các bảo tàng tại Việt Nam, theo GS Graeme Were, việc gắn kết bảo tàng với cộng đồng là xu hướng mà các bảo tàng Việt Nam cần quan tâm. "Có lẽ, việc đầu tiên các bảo tàng Việt Nam đó là phải nhận thấy được vai trò quan trọng của mình đối với đời sống với cộng đồng, với người dân địa phương nơi bảo tàng đang đứng chân. Và phải nghĩ đến một chiến lược, biến bảo tàng có một vai trò trung tâm trong đời sống cộng đồng địa phương đó. Từ định hướng này, các bảo tàng phải làm thế nào để kết nối với cộng đồng ở đó bằng việc đưa những câu chuyện của họ, đưa tiếng nói của họ vào bộ sưu tập của bảo tàng. Phải làm sao để họ cảm thấy họ trở thành một phần trong trưng bày đó và gần gũi với họ. Nói khác hơn, gắn kết bảo tàng đối với cộng đồng để giúp cộng đồng thấy được vai trò, tầm quan trọng của bảo tàng trong đời sống hiện nay...", GS Graeme Were chia sẻ thêm.

Một tháng làm việc với cộng đồng ngư dân khu nhà chồ năm xưa, GS Graeme Were cho rằng, điều quan trọng đầu tiên cũng là quan trọng nhất không chỉ riêng với công việc nghiên cứu mà trong tất cả công việc là cần phải xây dựng được niềm tin. Theo đó, quá trình làm dự án này được ông bắt đầu bằng việc xây dựng niềm tin của ông đối với cộng đồng ngư dân khu nhà chồ xưa. "Khi đã tin tưởng thì họ mới chia sẻ câu chuyện thực sự của họ cũng như những cảm xúc thực sự của họ. Việc xây dựng niềm tin sẽ giúp ta bắt đầu cho mọi câu chuyện, cho mọi thứ. Đồng thời, phải biết lắng nghe. Bạn nên hiểu rằng, việc lắng nghe vô cùng quan trọng. Người Việt Nam rất muốn được chia sẻ và có rất nhiều câu chuyện để kể. Nhưng đôi khi họ lại chưa được lắng nghe đủ. Ở Việt Nam có rất nhiều câu chuyện hay, thú vị nên được kể. Nhưng những câu chuyện đó lại ít khi được thấy ở bảo tàng. Theo tôi, trong công tác bảo tàng, tất cả các công việc nên cần lắng nghe từ cộng đồng", GS Graeme Were nói.

Lãnh đạo Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, ngoài những mục đích đã nêu trên, thông qua cuộc triển lãm này, Bảo tàng muốn mở rộng mối quan hệ, hợp tác cũng như để học hỏi kinh nghiệm từ GS Graeme Were trong việc xây dựng các chương trình, hoạt động giúp bảo tàng trở thành một thiết chế văn hóa quan trọng, trở nên gần gũi với cộng đồng địa phương. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội tốt để đội ngũ cán bộ Bảo tàng Đà Nẵng học hỏi, thực hành các lý thuyết về bảo tàng và cộng đồng; đẩy mạnh và mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế nhằm góp phần quảng bá, nâng cao chất lượng hoạt động cũng như thương hiệu của Bảo tàng ra thế giới. Trước mắt là với các lĩnh vực nghiên cứu liên quan của trường ĐH Bristol trong tương lai.

P.THỦY

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_216739_gan-ket-bao-tang-voi-cong-dong-huong-di-moi-cua-b.aspx