Gần 1,4 triệu tỉ đồng tín dụng bị ảnh hưởng bởi COVID đã được cơ cấu

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, trong đó có nhiều con số đáng chú ý.

Ngân hàng Nhà nước đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ (CSTT) để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, kiểm soát lạm phát, đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng. Đến ngày 29.5.2020, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 3,4% so với cuối năm 2019; thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng thông suốt. Dưới tác động của dịch COVID-19, do cầu tín dụng tăng thấp; đến ngày 29.5.2020, tín dụng tăng 1,96% so với cuối năm 2019.

Trong điều hành lãi suất, từ đầu năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm 2 lần các mức lãi suất điều hành, với tổng mức giảm 1-1,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng.

Về điều hành tỉ giá, mặc dù thị trường quốc tế diễn biến phức tạp, nhưng tỉ giá và thị trường ngoại tệ trong nước ổn định, thanh khoản thông suốt, tổ chức tín dụng mua ròng từ khách hàng, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

Sau hơn 2 tháng triển khai quyết liệt các chương trình tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tất cả các tổ chức tín dụng, kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đều vào cuộc mạnh mẽ. Theo đó, đến 8.6.2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 249.108 khách hàng với dư nợ 172.365 tỉ đồng, miễn, giảm, hạ lãi suất cho 403.177 khách hàng với dư nợ 1.227.349 tỉ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ ngày 23.1 đến nay đạt 978.529 tỉ đồng cho 225.514 khách hàng lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5-2,5% so với trước dịch.

Riêng Ngân hàng Chính sách Xã hội đã gia hạn nợ 3.856,2 tỉ đồng cho 152.796 khách hàng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ 1.567,6 tỉ đồng cho 75.209 khách hàng, cho vay mới 826.473 khách hàng với dư nợ 31.149,2 tỉ đồng.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, cải cách hành chính, đẩy mạnh các giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đứng đầu các Bộ, ngành về chỉ số cải cách hành chính (Par index) năm 2019 của Ngân hàng Nhà nước đạt điểm cao nhất 95,4/100 điểm. Đây cũng là lần thứ 5 liên tiếp Ngân hàng Nhà nước xếp vị trí số 1 về cải cách hành chính trong các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Mục tiêu xuyên suốt của công tác cải cách hành chính của Ngân hàng Nhà nước là đẩy mạnh cải cách hành chính trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước gắn với đổi mới phương thức phục vụ của ngành ngân hàng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và phải tạo chuyển biến rõ nét về cải thiện môi trường kinh doanh trong hoạt động ngân hàng.

Ngoài ra, toàn hệ thống ngân hàng cũng đã tích cực trong việc miễn, giảm phí một số dịch vụ thanh toán để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do COVID-19. Ước tính tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 sau 2 đợt giảm phí là khoảng 1.004 tỉ đồng.

Nguồn Ngân hàng Nhà nước

Huy Võ

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/tai-chinh/gan-14-trieu-ti-dong-tin-dung-bi-anh-huong-boi-covid-da-duoc-co-cau-3335515/