Facebook: Lợi và hại

LTS: Có khả năng kết nối toàn cầu và lan truyền thông tin mạnh mẽ, mạng xã hội Facebook đang trở nên phổ biến với lượng thành viên tăng trưởng không ngừng. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, không gian ảo này ẩn chứa những hiểm họa khôn lường với đời sống xã hội, đòi hỏi có thêm giải pháp quản lý, chấn chỉnh để giữ trong sạch môi trường mạng.

Xác định “ranh giới đỏ” Anh công bố tài liệu mật của Facebook: Hé lộ hoạt động mua bán dữ liệu

Facebook và các mạng khác đang tạo ra một “xã hội ảo” tồn tại song song với cuộc sống hằng ngày. Ảnh: Anh Tuấn

Bài đầu: Không gian ảo, hệ quả thật

Sập bẫy lừa tiền tỷ qua mạng xã hội; đâm chết người do mâu thuẫn trên Facebook; nhảy cầu, khỏa thân, tự thiêu… để “câu like”… Những câu chuyện tưởng chừng hoang đường đã và đang diễn ra thời gian qua cho thấy, tác động ghê gớm của thế giới ảo với những nguy cơ hiện diện rất rõ trong đời sống xã hội hiện nay.

Hỗn độn thế giới mạng

Theo kết quả khảo sát của Chương trình Nghiên cứu internet và xã hội của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), cả nước hiện có 35 triệu người dùng mạng xã hội, chiếm 37% dân số, trong đó, mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất là Facebook và Youtube. Với việc liên tục cập nhật những tiến bộ mới nhất trong nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, mạng xã hội đang ngày càng thông minh và mang lại nhiều tiện ích hơn cho người dùng.

Với số lượng người dùng tăng lên nhanh chóng, mạng xã hội đang thực sự tạo ra một “xã hội ảo” tồn tại song song với xã hội thực, tác động đáng kể tới tâm tư, tình cảm, tâm lý số đông người dùng. Trong khi, việc xây dựng cơ chế quản lý, giám sát cũng như củng cố nền tảng văn hóa, ý thức cho người dùng mạng xã hội lại chưa theo kịp với tốc độ phát triển của không gian ảo. Vì vậy, không gian ảo đã và đang nảy sinh nhiều hệ lụy.

GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Chủ tịch Chương trình Nghiên cứu internet và xã hội cho rằng, mạng xã hội đã tạo ra một sân chơi rộng lớn cho công dân toàn cầu tự do kết nối và chia sẻ. Tuy nhiên, hệ thống này vô tình trở thành công cụ cho bất cứ ai lạm dụng để trục lợi hay tấn công một cá nhân hoặc tập thể bằng những thông tin sai lệch, thiếu căn cứ, những phát ngôn truyền bá bạo lực, thù hận…

Năm 2013, một nữ sinh ở Đà Nẵng đã tự tử sau khi bị một trang Facebook đăng bài bịa chuyện nữ sinh này có thai khi còn đi học. Năm 2015, một nữ sinh khác ở Đồng Nai chọn cách uống thuốc diệt cỏ, vì bị bạn trai tung clip nhạy cảm lên mạng xã hội, bôi nhọ danh dự. Đầu năm 2018, dư luận thêm một lần rùng mình trước tin một nạn nhân của trò bêu riếu trên mạng, phải tự vẫn khi mới 17 tuổi. Tuy lý do khác nhau, song nguồn cơn dẫn đến hành động dại dột ấy đều đến từ mạng xã hội. Môi trường ảo nhưng hậu quả là thật và đặc biệt nghiêm trọng!

Theo Tiến sĩ tâm lý Trần Thành Nam (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), 78% người dùng mạng xã hội trở thành nạn nhân của những phát ngôn thù ghét, xuyên tạc trên mạng. Với sự hỗ trợ lan truyền nhanh chóng của mạng xã hội, không ai đủ sức để thanh minh, cải chính tin đồn thất thiệt. Chưa kể, những thông tin, hình ảnh được đăng tải trên mạng xã hội, khi vào tay kẻ xấu có thể gây tan cửa, nát nhà, dồn người ta vào bế tắc…

Trục lợi từ không gian ảo

Một cuộc tọa đàm trực tuyến về phòng chống tội phạm trên mạng internet.

Có một thực tế được Tiến sĩ tâm lý Trần Thành Nam chỉ ra, đó là người dùng mạng xã hội Facebook đang có dấu hiệu lệ thuộc vào thế giới ảo, khát khao thể hiện bản thân, thu hút sự chú ý bằng mọi giá. Đã có không ít người sẵn sàng đăng đàn “câu like” bằng cách lột đồ, nhảy cầu, cắt tay, tẩm xăng tự thiêu… bất chấp hậu quả nghiêm trọng với bản thân. Nhiều người khác “dựng” lên những câu chuyện hư cấu, gây sốc, chỉ mong nhận được nhiều lượt chia sẻ, bình luận… gây nhiễu loạn thông tin, hoang mang trong xã hội.

Đáng báo động hơn là thực trạng lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo, trục lợi, đã và đang diễn ra với không ít vụ việc gây thiệt hại lên tới hàng tỷ đồng. Mới đây, Công an thị xã Sơn Tây (TP Hà Nội) đã khởi tố, bắt tạm giam đối tượng chiếm đoạt tài sản từ việc kết thân trên mạng xã hội. Trước đó, cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Đà Nẵng tiếp nhận đơn trình báo của các bị hại sau vụ mạo danh công an, hù dọa, chiếm đoạt tiền tỷ. Một vụ án khác với tính chất tương tự diễn ra tại tỉnh Yên Bái cách đây chưa lâu, khi nạn nhân và bị cáo đều xây dựng quan hệ từ mạng xã hội…

Thượng tá Hà Thị Hằng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP Hà Nội) cho biết, từ năm 2015 đến nay, đơn vị tiếp nhận, xử lý nhiều vụ việc liên quan đến hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng viễn thông, mạng xã hội với hình thức phổ biến là lên mạng làm quen, hứa hẹn tặng quà, rồi đóng giả nhân viên bưu điện gọi điện yêu cầu chuyển phí nhận hàng.

Không ít trường hợp lợi dụng mạng xã hội, trục lợi kinh tế, nhưng chưa được chấn chỉnh, xử lý. Phổ biến là tình trạng tùy tiện quảng cáo, bán hàng chất lượng kém, không thực hiện nghĩa vụ thuế cũng như không có trách nhiệm với người tiêu dùng. Đáng chú ý, nhiều cá nhân, tổ chức, lợi dụng kẽ hở về quản lý nội dung của mạng xã hội, “mua” chỗ trên mạng hoặc thiết lập tài khoản giả nhằm bôi xấu chế độ, kích động thù hận cá nhân, gây hoang mang dư luận...

PGS.TS Nguyễn Thị Hương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, để tận dụng mặt tích cực, ngăn chặn hiểm họa khó lường từ mặt trái của mạng xã hội, trước tiên phải từ vai trò, ý thức trách nhiệm của mỗi thành viên cộng đồng mạng. Cùng với đó là việc thúc đẩy tuyên truyền, nâng cao văn hóa của người sử dụng mạng xã hội, sự phối hợp trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng với các tổ chức đoàn thể.

Việc Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng là cơ sở pháp lý quan trọng giúp kiểm soát hành vi của người dùng internet, ngăn chặn hiệu quả tình trạng lợi dụng không gian ảo để làm việc trái pháp luật, từng bước xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn, đóng góp tích cực cho sự phát triển của xã hội.

(Còn nữa)

Facebook: Lợi và hại

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Cong-nghe/921010/facebook-loi-va-hai