EVFTA: DN Pháp muốn Việt Nam thành trung tâm để phát triển thị trường ASEAN

Các doanh nghiệp Pháp đánh giá, Việt Nam là thị trường vô cùng tiềm năng và đặc biệt có thể trở thành trung tâm để các doanh nghiệp mở rộng thị trường sang ASEAN.

Hội thảo trực truyến về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu

Ngày 8/7, Bộ Công Thương Việt Nam và trụ sở Bộ Châu Âu và Ngoại giao Pháp đã tổ chức Hội thảo trực truyến về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), với chủ đề “Cơ hội nào dành cho các doanh nghiệp Pháp?”

Phát biểu tại buổi hội thảo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh mong muốn Việt Nam tiếp tục phát triển hợp tác với các đối tác của EU nói chung và Pháp nói riêng trong những ngành vốn là thế mạnh truyền thống của Pháp như năng lượng (đặc biệt là năng lượng sạch, năng lượng tái tạo), công nghệ cao, nông nghiệp, chế biến, chế tạo…

Đồng thời, Bộ trưởng cho biết Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất về môi trường đầu tư, kinh doanh, cơ sở hạ tầng, các khu công nghiệp để khuyến khích các doanh nghiệp Pháp đến Việt Nam hợp tác, đầu tư trong tận dụng lợi thế do EVFTA mang lại, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt là ngành công nghiệp phụ trợ (cho dệt may, da giày, ô tô...), công nghiệp chế biến thực phẩm...

Đánh giá về thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp Pháp đều đồng tình Việt Nam là thị trường vô cùng tiềm năng song các doanh nghiệp này cũng bày tỏ lo ngại về một số vấn đề còn tồn tại ở môi trường kinh doanh của Việt Nam và mong muốn Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh và các dự án của doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam.

Cần minh bạch hơn nữa

Ông Mathieu Bonnet, Giám đốc điều hành khu vực Châu Á, Tập đoàn Artelia - một trong những tập đoàn xây dựng lớn của Pháp cho biết, Việt Nam hiện đang có nhu cầu rất lớn trong các nhiều lĩnh vực như công nghệ chế biến, thiết bị y tế, hay hạ tầng và giao thông đô thị.

Tại khu vực Đông Nam Á và Châu Á, Việt Nam đang là quốc gia có tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc, kể cả khi dịch Covid-19 khiến tốc độ tăng trưởng của Việt Nam chậm lại thì đây vẫn là mức cao so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

"Đặc biệt, vị thế của Việt Nam trong khu vực ASEAN ngày càng được nâng lên, vì vậy với văn phòng tại Việt Nam, chúng tôi có thể mở rộng hoạt động sang toàn thị trường Đông Nam Á", ông Mathieu Bonnet nói.

Tuy nhiên, ông Mathieu Bonnet cũng nhấn mạnh rằng, trên thực tế các doanh nghiệp Pháp mong muốn lĩnh vực đầu tư mua sắm công phải làm sao để thật minh bạch, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Pháp tham gia đấu thầu.

Trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như mua sắm trang thiết bị phục vụ khu vực công, Việt Nam có tiềm năng rất lớn, trong khi đó các doanh nghiệp Pháp cũng có lợi thế lớn về công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại.

Tuy nhiên, cần minh bạch hơn nữa quy trình, thủ tục để đánh giá hồ sơ dự thầu, để các doanh nghiệp Pháp tham gia. Đây không chỉ là mối quan tâm của doanh nghiệp Pháp mà còn là mối quan tâm của các doanh nghiệp EU nói chung, ông Mathieu Bonnet nhìn nhận.

Mặc dù vậy, các doanh nghiệp Pháp cũng có lợi thế rất lớn nhờ những tương đồng về mặt văn hóa cũng như hành chính, thủ tục đối với Việt Nam. Nhất là khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, chắc chắn quan hệ đầu tư, thương mại 2 chiều Việt Nam - Pháp sẽ được nâng lên.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, giá trị thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Pháp đã tăng hơn 3 lần từ khoảng 1,6 tỷ USD vào năm 2009 lên 5,3 tỷ USD vào năm 2019 (đứng thứ 3 tại châu Âu chỉ sau Đức và Hà Lan). Về đầu tư trực tiếp, lũy kế đến hết tháng 5 năm 2020, Pháp đang có 588 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt 3,56 tỷ USD, đứng thứ hai trong số các nhà đầu tư châu Âu tại Việt Nam (sau Hà Lan).

5 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của Covid-19, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Pháp đạt 1,77 tỷ USD, giảm 18,66% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu đạt 1,20 tỷ USD, và nhập khẩu đạt 572,37 triệu USD. Bộ Công thương dự báo thương mại song phương sẽ chỉ tăng trưởng trở lại vào những tháng cuối năm sau khi Pháp tái khởi động nền kinh tế và nền kinh tế dần dần phục hồi.

HẠ AN

Nguồn BizLIVE: https://bizlive.vn//kinh-te-dau-tu/evfta-dn-phap-muon-viet-nam-thanh-trung-tam-de-phat-trien-thi-truong-asean-3547918.html