EVFTA đang được khai thác hiệu quả

Việc thực thi EVFTA đã giúp xuất khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam sang EU đạt được sự bứt phá ấn tượng trong bối cảnh thị trường này vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh. Các DN đang tiếp tục triển khai nhiều hoạt động nhằm khai thác mạnh mẽ hơn nữa những ưu đãi của hiệp định, giúp đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu sang EU.

Chế biến thủy sản xuất khẩu. Ảnh: T.H

Nhiều mặt hàng chuyển biến tích cực

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tính đến ngày 12/10, các tổ chức được ủy quyền đã cấp khoảng 23.800 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch khoảng 963 triệu USD đi 28 nước EU. Ngoài ra, các DN xuất khẩu hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho trên 660 lô hàng với trị giá khoảng 2 triệu USD. Như vậy, so với các FTA khác của Việt Nam mới thực thi trong thời gian gần đây như Hiệp định CPTPP, FTA giữa ASEAN và Hong Kong, Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Cuba…, số lượng C/O mẫu EUR.1 theo Hiệp định EVFTA lớn hơn rất nhiều. Tỷ lệ sử dụng C/O mẫu EUR.1 trong tổng kim ngạch xuất khẩu trong tháng 8 năm 2020 đạt 8,64% và tăng lên 14,65% vào cuối tháng 9 năm 2020.

Một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực sau hai tháng Hiệp định EVFTA được thực thi. Trong đó, số liệu xuất khẩu cho thấy thủy sản là mặt hàng tận dụng được ưu đãi ngay từ những ngày đầu tiên Hiệp định có hiệu lực. Tính từ đầu tháng 8 đến hết tháng 9, xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU và Anh đạt khoảng 263 triệu USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ 2 tháng năm trước. Trong đó, trị giá xin cấp C/O của hàng thủy sản đạt trên 183 triệu USD, chiếm khoảng 70% tổng trị giá xuất khẩu thủy sản sang EU và Anh. Nhiều mặt hàng khác cũng có trị giá xin cấp C.O EUR.1 cao như giày dép đạt khoảng 391 triệu USD, nhựa và sản phẩm nhựa đạt 49 triệu USD, hàng dệt may đạt khoảng hơn 27 triệu USD.

Đối với mặt hàng gạo, nhờ tận dụng hạn ngạch thuế quan theo EVFTA, kim ngạch xuất khẩu tháng 9 đạt 1,74 triệu USD, tăng 168% so với tháng trước. Xuất khẩu giày dép cũng ghi nhận tăng trưởng 3,5% trong tháng 9, đạt 307 triệu USD do vẫn đang chịu tác động lớn của việc sụt giảm nhu cầu do đại dịch Covid-19.

Tiếp tục khai thác tốt các ưu đãi

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, hiện mới chỉ có một số mặt hàng thủy sản được giảm thuế về 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực, còn một số mặt hàng như thủy sản chế biến sẽ thực hiện giảm theo lộ trình. Do đó, VASEP đang phối hợp chặt chẽ với các DN để phát triển các sản phẩm chế biến, đồng thời xây dựng các mối quan hệ để khi hết lộ trình giảm thuế, thủy sản chế biến của Việt Nam có thể lập tức tạo sự bứt phá tại thị trường EU.

Trong khi đó, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Da- Giày- Túi xách Việt Nam cho hay, yêu cầu về xuất xứ đối với nhóm hàng da giày trong EVFTA không quá ngặt nghèo, hơn nữa trước đây các DN cũng đã thực hiện theo GSP nên đã có kinh nghiệm và khả năng đáp ứng. Điều này đã giúp da giày nhanh chóng tận dụng được ưu đãi từ hiệp định. “Từ quý 3, tình hình sản xuất xuất khẩu đã khởi sắc, đơn hàng đã trở lại và nhiều nhà máy đã bắt đầu tuyển dụng trở lại” – bà Xuân cho biết.

Tuy nhiên, bà Xuân cũng cho hay, những ưu đãi trong các FTA mà Việt Nam đã tham gia ký kết, trong đó có EVFTA chỉ là yếu tố xúc tác chứ không phải yếu tố mang tính quyết định cho sự tăng trưởng của ngành da giày thời gian tới. Theo đó, các DN cần quan tâm tới các vấn đề phát triển bền vững, minh bạch chuỗi cung ứng, đáp ứng các yêu cầu về lao động, môi trường... của các nhãn hàng

Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cũng lưu ý các DN về việc quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA yêu cầu sự tham gia lớn của nguồn nguyên liệu trong khu vực FTA. Do đó các DN cần nâng cao năng lực sản xuất, chế biến sâu, tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong khu vực hoặc phát triển các nguồn nguyên liệu từ trong nước. Đồng thời, DN cần chủ động tìm hiểu, tham gia các hoạt động tập huấn chuyên sâu để có thể hiểu rõ, hiểu đúng các quy định về quy tắc xuất xứ, tự tin áp dụng.

Bên cạnh đó, quy tắc xuất xứ bên cạnh vai trò là công cụ giúp hàng hóa xuất khẩu Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh thì cũng là điểm dễ bị lợi dụng nếu sản phẩm của nước ngoài chỉ gia công đơn giản tại Việt Nam nhằm mượn xuất xứ. Việc này sẽ dẫn đến một số tác động tiêu cực khi nước nhập khẩu có thể áp dụng các biện pháp chống gian lận xuất xứ như tạm dừng ưu đãi thuế quan đối với cả ngành hàng xuất khẩu từ Việt Nam, hoặc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại... Do đó, DN cần có hệ thống lưu trữ chứng từ đầy đủ để chứng minh được xuất xứ hàng hóa khi có yêu cầu hậu kiểm, đảm bảo hiệu quả công tác xác minh xuất xứ, giúp C/O được hải quan EU chấp nhận và hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan EVFTA.

Về phía Bộ Công Thương, bà Trang cho biết, thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục tập huấn chuyên sâu về quy tắc xuất xứ, nghiên cứu, hiện đại hóa công tác cấp C/O, áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, hoàn thiện pháp luật, thể chế, đồng thời phối hợp chặt chẽ với EU để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực thi Hiệp định. Bộ Công Thương cũng sẽ tăng cường các biện pháp chống gian lận xuất xứ để bảo vệ các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam trước rủi ro của những vụ kiện chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và tăng cường công tác hậu kiểm tại tổ chức cấp C/O và các DN đề nghị cấp C/O. Đồng thời chủ động phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu trong trường hợp có yêu cầu xác minh xuất xứ nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mượn xuất xứ Việt Nam để tránh việc giả mạo xuất xứ ảnh hưởng đến uy tín của hàng hóa Việt Nam, uy tín của DN Việt Nam làm ăn chân chính và uy tín của tổ chức cấp C/O Việt Nam.

Nguyễn Hiền

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/evfta-dang-duoc-khai-thac-hieu-qua-135362.html