'Eighth Grade': Chân dung sinh động về thế hệ Z tại Mỹ

Do YouTuber nổi tiếng Bo Burnham thực hiện, 'Eighth Grade' là câu chuyện sẽ khiến cả những đứa trẻ chưa đến tuổi vị thành niên lẫn các bậc phụ huynh phải suy ngẫm.

Trailer bộ phim 'Eighth Grade' Bộ phim độc lập kể về những ngày cuối cùng năm lớp 8 của một cô bé 13 tuổi người Mỹ do Bo Burnham làm đạo diễn.

Thể loại: Tâm lý, hài hước
Đạo diễn: Bo Burnham
Diễn viên chính: Elsie Fisher, Josh Hamilton, Emily Robinson
Zing.vn đánh giá: 9/10

Eighth Grade là bộ phim độc lập nhận được vô số lời khen ngợi của báo chí quốc tế sau khi có màn ra mắt thành công tại LHP Sundance hồi đầu năm.

Tuổi dậy thì mộng mơ quả là lắm chuyện rắc rối. Làm sao để lên lớp? Làm thế nào để giải quyết đống mụn trứng cá trên mặt bằng các bộ lọc của Instagram và có một bức ảnh thật nhiều "like”? Và dĩ nhiên là phải làm gì để thu hút sự chú ý của cậu nhóc chơi bóng rổ “cool” nhất trường đây?

Là một cô bé đang chuẩn bị kết thúc lớp 8 để bước sang cấp III (theo chương trình của Mỹ), cô bé 13 tuổi Kayla Day (Elsie Fisher) vấp phải tất cả những rắc rối ấy.

Chưa kể, cô còn bị cả lớp bầu cho danh hiệu “Người im lặng nhất lớp” bởi bản tính nhút nhát. Cũng không thể bỏ qua chuyện cô bé hàng ngày bị ông bố “gà trống nuôi con” Mark Day (Josh Hamilton) quấy rầy bằng nhiều câu hỏi và trò đùa “vô duyên hết mức”.

Rốt cuộc, nơi trú ẩn duy nhất của Kayla là mạng xã hội. Đó là chỗ cô bé có thể bấm “thích” những bức ảnh lung linh của đám bạn cùng lớp. Nói là bạn, nhưng chúng thực ra chỉ là những người xa lạ mà cô bé chẳng bao giờ dám mở miệng làm quen ngoài đời thực.

Mạng xã hội cũng là nơi duy nhất cô bé có thể chia sẻ tài năng của bản thân thông qua hàng loạt đoạn phim về “kinh nghiệm sống”. “YouTuber” Kayla Day hiện lên trên màn hình một cách chững chạc, tự tin, với đủ loại lời khuyên đáng giá dành cho khán giả cùng trang lứa, dù rằng phần lớn các video ấy chỉ có “0 lượt xem”.

Kayla Day chỉ thực sự trở nên thoải mái hơn khi có cơ hội tiếp xúc với người bạn cấp III Olivia (Emily Robinson). Đó là người mới vẽ ra cho cô bé một tương lai “tươi đẹp” ở trường trung học thông qua hàng loạt câu chuyện và người bạn “cool” hết sức. Nhưng để bước tới ngưỡng cửa cấp III, Kayla Day nhút nhát trước tiên cần phải vượt qua những tuần cuối cùng của năm lớp 8.

Một bộ phim về “thế hệ Z” của “thế hệ Z”

Eighth Grade (Lớp 8) là một bộ phim của những người trẻ, và xoay quanh những người trẻ. Đạo diễn Bo Burnham của tác phẩm có lẽ là một trong những nhà làm phim đầu tiên có gốc gác là “YouTuber”.

Đó là các nghệ sĩ đi lên từ hàng loạt đoạn phim ngắn “tự biên, tự diễn” được công chúng yêu thích trên YouTube, để rồi từ đó vươn tới sân khấu ngoài đời thực, rồi cuối cùng là Hollywood.

Tất nhiên, không phải ai trong “thế hệ YouTube” cũng có sự nghiệp mang nhiều đột phá như Burnham. Chàng thanh niên mới 28 tuổi, nhưng đã có tới 12 năm được công chúng biết tới qua nhiều vai trò như ca sĩ, nhạc sĩ, nhà thơ, nghệ sĩ hài độc thoại, diễn viên, và giờ là đạo diễn phim điện ảnh.

Từ thành công trên thế giới ảo, Bo Burnham nay bắt tay làm phim điện ảnh và lập tức khiến cả Hollywood phải chú ý.

Nhưng chuỗi thành công liên tiếp từ thế giới ảo cho đến thế giới thực chưa bao giờ khiến Bo Burnham quên rằng anh còn là thành viên của “thế hệ Z” - thế hệ của những đứa trẻ 9X, 10X lớn lên cùng với Internet, chia sẻ vui buồn với xã hội ảo trên Instagram, trên Facebook, trên Snapchat, nhiều hơn là dành thời gian cho cha mẹ, cho những cuộc trò chuyện mặt đối mặt, cho những sân chơi lấm lem bùn đất ngoài đời.

Khả năng kết nối vô tận của Internet, cùng quyền được lựa chọn danh tính ảo trên mạng xã hội, đã giúp những đứa trẻ của “thế hệ Z” trở thành hình mẫu mà các em luôn mơ ước, được phô diễn khả năng riêng biệt của bản thân cho muôn vàn “khán giả ảo” mà không sợ họ biết rằng đằng sau lớp vỏ “YouTuber”, “Instagrammer” hào nhoáng cũng chỉ là những đứa trẻ còn rất đỗi ẩm ương.

Nhưng lợi thế ấy của Internet và mạng xã hội đồng thời tiềm ẩn vô số rủi ro cho những đứa trẻ còn đang phải trải qua giai đoạn định hình tính cách.

Bởi trong nhiều trường hợp, nơi thể hiện cá tính, chỗ trú ẩn tinh thần trên thế giới ảo lại xâm chiếm hết cuộc sống của các em, biến các em trở thành “con nghiện” mạng xã hội, cố gắng xa lánh cuộc sống thực, lảng tránh việc tương tác với những con người thực sự yêu quý mình.

Bo Burnham từng có trải nghiệm như thế, và đó chính là lý do anh viết ra kịch bản Eighth Grade, giới thiệu tới khán giả cô bé Kayla Day - nhân vật đại diện cho cảm giác bất an tuổi đầu đời trước hàng loạt thay đổi cả về thể chất lẫn tinh thần của những đứa trẻ “thế hệ Z” như Burnham.

Sự liều lĩnh của Bo Burnham

Dòng phim về tuổi mới lớn không phải là đề tài quá xa lạ ở Hollywood với rất nhiều tác phẩm được công chúng mến mộ kể từ thập niên 1970 tới nay như American Graffiti (1973), The Breakfast Club (1985), Almost Famous (2000), Juno (2008), hay mới đây là bộ đôi phim xuất sắc về những rung động đầu đời của các cô bé, cậu bé vị thành niên là Lady BirdCall Me by Your Name(2017).

Có một điểm chung dễ nhận thấy trong các bộ phim về tuổi mới lớn là bối cảnh câu chuyện thường là mái trường cấp III của những đứa trẻ nổi loạn ở tuổi 17, 18. Bởi đây là mảnh đất màu mỡ cho xung đột về nội tâm, dẫn tới nhiều đề tài dễ lôi cuốn như rắc rối về gia đình, tình cảm, thậm chí là tình dục của giới trẻ.

Bo Burnham như bó hẹp khả năng khi chọn nhân vật chính là một cô bé cấp II. Tuy nhiên, anh đã khéo léo tạo nên một câu chuyện đầy tính suy ngẫm.

Chọn cho mình bối cảnh mái trường cấp II với nhân vật là những cô bé, cậu bé mới 12-13 tuổi, Bo Burnham rõ ràng gặp nhiều trở ngại hơn trong việc biến kịch bản của mình trở thành một bộ phim thu hút người xem.

Một phần bởi cái tuổi ẩm ương mới dậy thì vẫn còn đậm chất ngây thơ của cô bé Kayla Day không phải là điều kiện thuận lợi để Burnham “cấy” những xung đột nội tâm vốn đòi hỏi sự định hình nhất định về mặt tính cách.

Một phần nữa là chuyện khán giả sẽ cảm thấy đặc biệt nhạy cảm khi chứng kiến nội dung gây nhiều tranh cãi như tình yêu, tình dục lại được nhắc tới trong một bộ phim nói về lứa tuổi mộng mơ như Eighth Grade.

Nhưng Bo Burnham không lùi bước. Anh lôi cuốn khán giả đến với Eighth Grade bằng cách kể chuyện nhẹ nhàng, thủ thỉ, nhưng vẫn chứa đựng đủ mọi cung bậc cảm xúc. Kayla Day có lúc ngây thơ, ngơ ngác khi phải đối mặt với những người bạn “già trước tuổi”, nhưng cũng có lúc thẳng thắn, chân thành như khi trở thành “YouTuber”.

Và Burnham cũng chẳng e ngại việc Eighth Grade bị Hiệp hội Điện ảnh Mỹ gắn mác R (không dành cho khán giả dưới 17 tuổi mà không có người giám hộ đi cùng), vì anh muốn đề cập đến cuộc sống thực sự của “thế hệ Z” vốn bị “phơi nhiễm” với các đề tài tình yêu, tình dục từ rất sớm bởi môi trường Internet và điện thoại di động.

Eighth Grade không hề ngại ngùng động chạm tới những vấn đề nhạy cảm, dù nhân vật chính còn chưa tới tuổi vị thành niên.

Có lẽ khi miêu tả những chi tiết hết sức nhạy cảm như việc đám trẻ mới còn chưa đủ tuổi vị thành niên đã trao đổi tin nhắn có nội dung tình dục (sexting), hay một “ông chọi” cấp III đi “gạ tình” cô bé còn mới đang học lớp 8, Bo Burnham tin rằng khán giả người lớn khi theo dõi bộ phim sẽ hiểu hơn về cuộc sống, về suy nghĩ, về khiếm khuyết đến mức gây sốc mà con em của họ có thể mắc phải.

Đó là điều đáng giá hơn rất nhiều so với chuyện tạo ra một bộ phim hiền lành, nghiêm cẩn như kiểu clip của “YouTuber” Kayla Day. Nhiều bà mẹ, ông bố như Mark Day hẳn luôn coi con cái là cục vàng bé bỏng, ngây thơ, không chút tì vết, luôn coi mái trường cấp II là chốn mộng mơ nơi con em mình chỉ phải đau đầu với những bài văn, phép toán.

Dám đề cập đến nội dung gây sốc như câu chuyện giới tính của trẻ chưa đến tuổi vị thành niên đã là việc khó, Bo Burnham còn chứng tỏ tài năng biên kịch và đạo diễn trong việc lồng nhiều chi tiết gây sốc một cách tự nhiên vào nội dung.

Chúng trở thành phần tất yếu trong cuộc sống của những đứa trẻ như Kayla Day mà không khiến khán giả cảm thấy gượng gạo, nhưng đồng thời mang tính cảnh báo dành cho các vị phụ huynh về con em mình.

Những đứa trẻ và phụ huynh sẽ thấy gì?

Khen Eighth Grade trong việc miêu tả cuộc sống, suy nghĩ của những đứa trẻ lớp 8, cũng có nghĩa là công chúng cần phải dành lời khen ngợi cho Elsie Fisher - nữ diễn viên nhí được Bo Burnham phát hiện ra nhờ chính nhiều đoạn phim mà cô bé tự đăng tải lên YouTube.

Burnham cho biết anh lựa chọn Fisher bởi đằng sau vẻ tự tin đến từ một “YouTuber” của cô bé là tính cách nhút nhát, mỏng manh không hề “diễn” mà nhà làm phim rất muốn gửi gắm cho hình tượng Kayla Day.

Bo Burnham quả thực may mắn khi phát hiện ra cô bé Elsie Fisher chính nhờ YouTube.

Không phụ lòng tin tưởng của “người đàn anh” trên YouTube, cô bé mặt đầy mụn trứng cá Kayla Day qua sự thể hiện của Elsie Fisher thực sự chinh phục khán giả bằng lối diễn xuất tự nhiên, truyền cảm, đặc biệt là trong các phân đoạn diễn cùng ông bố “gà trống nuôi con” Mark Day.

Chứng kiến sự tương tác giữa Elsie Fisher và Josh Hamilton, hẳn không ít ông bố sẽ cảm thấy xúc động vì cái cách Kayla tỏ vẻ “lờ” đi người cha đã vụng về còn kém “sành điệu”, cố theo đuôi con gái khi cô gặp đám bạn mới hơn tuổi.

Nhưng sau tất cả, chính ông bố suốt ngày “bám đuôi” con gái ấy mới chính là người yêu thương cô bé nhất, người có vòng tay luôn giang rộng để cô bé tựa vào lúc buồn bã, mệt mỏi trên con đường trở thành “người lớn”.

Còn với ai chưa từng làm cha mẹ, hãy nhìn Elsie Fisher hóa thân vào vai Kayla Day để thấy những đứa con trong tương lai của họ sẽ vấp phải khó khăn lớn đến nhường nào trên bước đường trưởng thành, kể cả khi được bao bọc bởi tình thương của cha mẹ.

Vai ông bố Mark Day của Josh Hamilton thực sự là một điểm nhấn sáng giá của bộ phim.

Và với những cô nhóc, cậu nhóc tuổi mới lớn, hãy xem Josh Hamilton vào vai Mark Day để hiểu hơn việc cha mẹ mình vẫn luôn cố gắng hiểu con cái bằng nỗ lực, thử nghiệm xuất phát từ trái tim, từ tình mẫu tử, phụ tử vô tận, dù biết không phải lúc nào họ cũng thành công.

Chuyến hành trình khám phá bản thân, khám phá người xung quanh của cô bé Kayla Day trong Eighth Grade không hề dễ dàng với rất nhiều nỗi buồn, không ít thất vọng, và tràn đầy dư vị bối rối, nhút nhát của một cô bé vẫn còn hơi “phục phịch” và mặt thì đầy trứng cá giữa đám bạn già hơn tuổi.

Tốt nghiệp lớp 8, Kayla Day chuẩn bị bước vào những năm tháng cấp III hứa hẹn còn nhiều băn khoăn, bão tố hơn rất nhiều. Và sau cấp III là đại học, là những tháng ngày phải làm “người lớn” thực sự.

Có lẽ cũng như ông Mark, khán giả sau khi được chia sẻ hơn một tiếng rưỡi thời lượng của Eighth Grade với Kayla đáng yêu sẽ mong rằng cô bé có thể bỏ lại sau lưng sự rụt rè, nhút nhát quá mức để chứng tỏ vẻ tự tin mà cô từng thể hiện trong tư cách là một “YouTuber”, đồng thời chúc cho cô luôn mang trong mình tình yêu với cuộc sống, với bạn bè, và với ông bố “gà trống nuôi con” của cô.

Bởi, ngay cả khi những đoạn phim Kayla Day tải lên YouTube chỉ có “1 lượt xem”, thì cô bé vẫn có thể chắc chắn rằng nó đến từ ông Mark - người luôn coi cô là cô bé đáng yêu nhất, thông minh nhất, tài năng nhất, trong toàn thể những cô bé lớp 8 trên Trái đất này.

Việt Phương
Ảnh: A24

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/eighth-grade-chan-dung-sinh-dong-ve-the-he-z-tai-my-post884249.html