Đường dây mua bán trái phép hóa đơn giá trị gần 4.000 tỷ đồng hoạt động như thế nào?
Thông qua các mối quan hệ xã hội, nhóm đối tượng tìm đến địa bàn có các khu, cụm công nghiệp để thành lập các công ty 'ma' sau đó, các đối tượng chào mời mua bán trái phép hóa đơn với giá trị thấp và hưởng lợi nhuận.
Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, đơn vị vừa bắt giữ 2 đối tượng là Trần Như Trung (SN 1980) và Hoàng Quốc Trung (SN 1979) trú tại thành phố Hải Phòng về hành vi “mua bán trái phép hóa đơn”.
Đây là 2 trong tổng số 6 đối tượng liên quan đến đường dây mua bán trái phép hóa đơn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Trước đó, cuối năm 2022, trong quá trình điều tra vụ án mua bán trái phép hóa đơn và trốn thuế xảy ra tại địa bàn tỉnh, Cơ quan An ninh điều tra phát hiện nhóm 4 đối tượng gồm Nguyễn Văn Đoàn (SN 1982), Nguyễn Thị Huyền (SN 1987), Ngô Văn Pha (SN 1983) cùng trú tại TP Hải Phòng và Nguyễn Văn Huy (SN 1975), trú tại huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương đã thành lập và mua bán hóa đơn của nhiều công ty.
Sau đó, Cơ quan An ninh điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố đối với 4 bị can gồm: Nguyễn Văn Đoàn, Nguyễn Thị Huyền, Ngô Văn Pha, Nguyễn Văn huy về hành vi mua bán trái phép hóa đơn.
Theo đó, thông qua các mối quan hệ xã hội, nhóm đối tượng trên đã tìm đến địa bàn có các khu, cụm công nghiệp hoặc địa bàn xa trung tâm để thành lập các công ty “ma”, dưới vỏ bọc đăng ký ngành nghề kinh doanh là các lĩnh vực có nhu cầu sử dụng hóa đơn như: vật liệu xây dựng, dịch vụ ăn uống…Sau đó, các đối tượng tìm cách liên hệ với kế toán, Giám đốc doanh nghiệp để chào mời mua hóa đơn với giá trị thấp từ 2%-8%, rồi xuất bán hóa đơn, hưởng lợi nhuận.
Đánh giá về phương thức, thủ đoạn của nhóm đối tượng, Công an tỉnh Bắc Giang cho biết: Chúng hoạt động vô cùng tinh vi và có sự tính toán kỹ càng. Để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, các đối tượng mua lại những công ty đã ngừng hoạt động, sau đó thay đổi tư cách pháp nhân bằng cách thuê người đứng tên giám đốc và thành lập công ty mới. Không những vậy, chúng còn đến các cửa hàng kinh doanh có điều kiện (hiệu cầm đồ, nhà nghỉ…) mua lại những CMND cũ, không có người nhận để “giả mạo” chữ ký sau đó làm hồ sơ đăng ký những người này làm giám đốc doanh nghiệp và thành lập hàng chục các công ty khác nhau. Những công ty “ma” này thường chỉ hoạt động trong thời gian nhất định từ vài tháng đến 1, 2 năm rồi lại tiếp tục thành lập các công ty khác.
Lực lượng Công an xác định, bằng thủ đoạn đó, chỉ trong thời gian ngắn, nhóm đối tượng này đã thành lập gần 30 công ty trên địa bàn các tỉnh, thành phố Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Nội…để xuất bán trên 3.000 hóa đơn, tổng giá trị tiền hàng hóa dịch vụ ghi trên hóa đơn gần 4.000 tỷ đồng và thu lợi bất chính nhiều tỷ đồng.
Hiện Công an tỉnh Bắc Giang vẫn đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án và xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.