Đường 250 tỷ nứt toác: Ai trả tiền làm lại từ đầu?

Với dự án này phải tiến hành khảo sát lại địa chất, thiết kế lại từ đầu, không thể làm chắp vá.

Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê (Gia Lai) có tổng đầu tư 250 tỷ chưa nghiệm thu đã sụt lún, hư hỏng. Nguyên nhân được xác định do khảo sát địa chất. Đơn vị thi công và chủ đầu tư đang tìm phương án và chi phí cụ thể để khắc phục sự cố trên...

Các góc chụp về đoạn đường 250 tỷ vừa làm xong đã sụt lún. Ảnh: Trithuc.vn

Nêu quan điểm về việc này, PGS.TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) khẳng định: "Dự án không thể sửa chữa, khắc phục theo kiểu chắp vá. Muốn xử lý sự cố phải làm lại từ đầu".

PGS Trần Chủng phân tích, dự án giao thông đường bộ được xây dựng trên quãng đường dài và đi qua nhiều khu vực địa chất khác nhau. Đối với khu vực đồng bằng luôn có nền địa chất yếu, tuy nhiên, đối với khu vực miền núi nền địa chất lại có đặc điểm khác nhau.

Ví dụ, những đoạn đường qua khu vực thung lũng sẽ có nền địa chất khác với khu vực đi qua núi.

Vấn đề này phải được thực hiện khảo sát, đánh giá rất kỹ ngay từ khâu đầu thực hiện dự án.

Trong các văn bản quy phạm pháp luật đã có quy định rất rõ trách nhiệm của nhà thầu, đơn vị tư vấn phải là những cơ quan, đơn vị thực hiện, đánh giá được tình trạng địa chất của từng khu vực để có khảo sát bổ sung hoặc có giải pháp xử lý tương ứng.

Như vậy, với nguyên nhân sự cố được cơ quan chức năng xác định chủ yếu là do 2 lớp đất yếu, xuất hiện nước ngầm nhưng lại không được phát hiện từ đầu là lỗi của đơn vị khảo sát. Tuy nhiên, đơn vị thi công cũng phải đánh giá, kiểm tra để có chỉ đạo kịp thời trong quá trình đi tuyến.

"Về nguyên tắc, việc thực hiện khảo sát được tiến hành tới 3 lần. Lần thứ nhất là đơn vị khảo sát sẽ thực hiện bước thăm dò, khảo sát cơ bản, theo đó cứ 500m sẽ lấy mẫu để khảo sát và có đánh giá bước đầu.

Tiếp đến là đơn vị thiết kế sẽ tiến hành khảo sát và có đánh giá lại để thiết kế, điều chỉnh chi tiết về mặt kỹ thuật.

Cuối cùng, đến khi thiết kế bản vẽ thi công là phía nhà thầu tư vấn sẽ phải xem xét, đánh giá lại, kể cả phải khảo sát lại để đánh giá bổ sung.

Ở đây có tình trạng thực hiện khảo sát một cách máy móc, chưa linh hoạt, chưa chủ động. Chính vì quy định 500m lấy mẫu bổ sung mà nhiều đơn vị đã không phát hiện được cấu tạo khác nhau của các nền địa chất.

Đây là tình trạng rất đáng phải quan tâm.

Bên cạnh đó, còn có tâm lý ỉ lại, xuê xoa, đơn vị này dựa vào kết quả của đơn vị khác mà nhiều khi có những đánh giá chủ quan, dẫn tới hậu quả nghiêm trọng trong quá trình thi công", PGS Trần Chủng nhận định.

Từ những phân tích trên, vị chuyên gia nói rõ, đối với những dự án giao thông đi qua các khu vực có địa hình miền núi phức tạp như dự án nói trên thì không thể xử lý theo kiểu chắp vá mà phải làm rốt ráo, triệt để.

"Với dự án này phải tiến hành khảo sát lại địa chất, thiết kế lại từ đầu, sau đó sẽ có điều chỉnh trong thiết kế kỹ thuật, phương án thi công nền móng cho thích hợp.

Ở đây có thể phải đào bóc lớp đất yếu hoặc cũng có thể phải thay đổi thiết kế từ làm cầu sang làm hầm.... Phải khảo sát, đánh giá lại từ đầu mới có thể có phương án xử lý phù hợp", vị chuyên gia nói.

Đường 250 tỉ đồng chưa nghiệm thu đã hỏng: Khó hiểu

Về chi phí thực hiện, PGS Trần Chủng cho hay, trước hết là phải xác định rõ lỗi của bên nào thì bên đó sẽ phải chịu trách nhiệm.

Ở dự án này, PGS Trần Chủng cho rằng, có phần lỗi của đơn vị nhà thầu thiết kế và cả lỗi của đơn vị nhà thầu thi công. Ngay ở khâu thiết kế đã phải khảo sát, đánh giá bổ sung để đưa ra phương án thiết kế, điều chỉnh kỹ thuật cho phù hợp nhưng việc này đã không được làm tốt.

Với nhà thầu thi công cũng vậy, đối với một nhà thầu có kinh nghiệm trong quá trình thi công nếu phát hiện có vấn đề thì phải yêu cầu dừng dự án, buộc khảo sát bổ sung.

"Cả hai khâu thiết kế kỹ thuật và thi công nếu làm tốt thì sự cố đã không xảy ra.

Vì thế, khi xác định rõ được lỗi thuộc về ai thì sẽ xác định được đơn vị phải chịu trách nhiệm chính và phải bỏ chi phí để sửa chữa, khắc phục.

Luật đã có quy định rất rõ ràng rồi, ai sai phải chịu trách nhiệm bồi thường, không thể trông chờ vào nhà nước", PGS Trần Chủng thẳng thắn.

Lam Nguyễn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/duong-250-ty-nut-toac-ai-tra-tien-lam-lai-tu-dau-3390032/