Đuối nước là nguyên nhân đứng thứ hai của tử vong trẻ em: Đề xuất 50% trẻ em biết bơi

95% tai nạn thương tích ở trẻ em xảy ra ở các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình. Đuối nước là nguyên nhân đứng thứ hai của tử vong trẻ em. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất đến năm 2025 có 50% trẻ em cả nước biết bơi, 90% cha mẹ có kỹ năng phòng tai nạn cho trẻ.

Ngày 29/10, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với các đối tác tổ chức hội thảo góp ý Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030

Theo Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, 5 năm qua, tai nạn thương tích trẻ em đã giảm, song công tác phòng chống còn nhiều thách thức, kiến thức của cộng đồng và người chăm sóc trẻ còn hạn chế. Việc chuẩn bị cho chương trình tới là cơ hội tốt để rà soát công tác phòng chống, xác định nguyên nhân hàng đầu, học tập kinh nghiệm quốc tế.

Các đại biểu tham dự hội thảo

TS Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới ở Việt Nam, đánh giá tỷ lệ trẻ em Việt Nam tử vong do tai nạn thương tích giảm 30% trong 10 năm song vẫn còn cao, cần sự tham gia của nhiều ngành, giáo dục, văn hóa và sự cam kết của Chính phủ, sự đóng góp của địa phương để giảm tỷ lệ này.

"Tai nạn giao thông, đuối nước, ngã, bỏng, các ca tử vong đều có thể phòng chống. Chúng tôi kêu gọi toàn thế giới chung tay bảo vệ trẻ em"-TS Kidong Park nói.

Phát biểu tại Hội thảo bà Đoàn Thị Thu Huyền, Giám đốc quốc gia Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu tại Việt Nam (GHAI) cho biết theo báo cáo gánh nặng bệnh tật toàn cầu, mỗi năm trên toàn thế giới có 524.000 trường hợp tử vong trẻ em dưới 15 tuổi do tai nạn thương tích. Bên cạnh đó, hàng chục triệu trẻ em cần được chăm sóc tại bệnh viện. 95% tai nạn thương tích ở trẻ em xảy ra ở các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình. Đuối nước là nguyên nhân đứng thứ hai của tử vong trẻ em.

Cùng với sự cam kết chính trị mạnh mẽ và đầu tư của các quốc gia, các chương trình can thiệp phòng chống thương tích trẻ em được triển khai mạnh mẽ và toàn diện trong nhiều năm qua. Các chỉ tiêu về giảm thương tích trẻ em được lồng ghép trong mục tiêu của chương trình phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Kinh nghiệm thành công của nhiều quốc gia đã cho thấy cần thực hiện liên tục và đồng thời 5 giải pháp. Đó là hoàn thiện quy định pháp luật và xây dựng cơ chế đủ mạnh và toàn diện để thực thi và giám sát, bao gồm các việc thanh kiểm tra, xử phạt những hành vi vi phạm. Thiết kế và cung cấp các sản phẩm an toàn cho trẻ trong sinh hoạt, học tập và vui chơi nhằm giảm thiểu nguy cơ gây thương tích cho trẻ em. Đảm bảo môi trường sống an toàn cho trẻ. Nâng cao nhận thức và kĩ năng an toàn cho trẻ em, người chăm sóc trẻ. Bảm bảo các dịch vụ sơ cấp cứu, điều trị và phục hồi sau chấn thương để giảm nhẹ hậu quả của thương tích không tử vong.

Bà Đoàn Thị Thu Huyền, Giám đốc GHAI tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Với kinh nghiệm của GHAI trong việc giải quyết những thách thức về y tế công cộng trong nhiều thập kỷ qua tại hơn 60 quốc gia, từ năm 2018, GHAI đồng hành cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ ngành, 8 tỉnh thí điểm triển khai chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em. Với khoản hỗ trợ 2,4 triệu USD, chương trình đã đào tạo hơn 13.300 trẻ em học bơi, hơn 17.000 trẻ em học kĩ năng an toàn trong môi trường nước và nâng cao năng lực quản lý, điều phối chương trình và các chiến dịch truyền thông qui mô.

Từ kinh nghiệm của tổ chức và kết quả chương trình trên, GHAI đưa ra 9 khuyến nghị cho chương trình phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021- 2030. Đó là lồng ghép mục tiêu "giảm tai nạn thương tích ở trẻ em" theo hướng tiếp cận đa ngành, toàn diện trong việc thực hiện quyền trẻ em. Kiện toàn và hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật về phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, tăng cường giám sát, thực thi pháp luật. Thực hiện các chương trình hành động cụ thể để ngăn ngừa các loại hình tai nạn thương tích đặc thù của trẻ em. Theo đó, ưu tiên giải quyết tai nạn giao thông, tai nạn đuối nước, bỏng, ngã và ngộ độc. Tăng cường và cải thiện hệ thống y tế (sơ cấp cứu, chăm sóc chấn thương trước viện, điều trị và phục hồi sau chấn thương) để phòng tránh tử vong và tàn tật do tai nạn thương tích trẻ em.

Nâng cao chất lượng giám sát, xây dựng cơ sở dữ liệu về tình hình tai nạn thương tích trẻ em. Đặc biệt là sử dụng hiệu quả dữ liệu làm bằng chứng cho việc đánh giá, lập kế hoạch và triển khai chương trình can thiệp. Xây dựng kế hoạch chiến lược về nghiên cứu để phục vụ hiệu quả cho việc đánh giá, đề xuất và vận động chính sách.

Đổi mới và nâng cao hiệu quả truyền thông một cách thực chất, toàn diện, hướng trọng tâm là trẻ em. Phát huy truyền thông đa phương tiện, đặc biệt là internet trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Đầu tư nguồn lực tài chính bền vững là điều thiết yếu. Trong đó phân bổ ngân sách từ trung ương đến địa phương. Xem xét và xây dựng cơ chế huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, tư nhân.

Đồng thời, mở rộng mạng lưới hợp tác. Phát huy sự tham gia chủ động của các tổ chức chính trị - xã hội, khối doanh nghiệp, tư nhân và cộng đồng để đảm bảo tính toàn diện và bền vững của chương trình.

GHAI đồng hành cùng Bộ LĐ-TB&XH thí điểm triển khai chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em tại tỉnh Sóc Trăng.

"Nhằm tiếp nối những thành quả ban đầu và góp phần thiết thực cho mục tiêu "giảm 10% số trẻ em bị tử vong do đuối nước đến năm 2025", thay mặt cho Quỹ từ thiện Bloomberg và Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu, Hoa Kỳ, GHAI khẳng định hỗ trợ bổ sung 1,6 triệu USD dành riêng cho chương trình phòng chống đuối nước trong 2 năm tới (chiếm 28% kinh phí đề xuất cho chương trình tai nạn thương tích chung của trẻ em giai đoạn 10 năm).

Đồng thời, mở rộng phạm vi thực hiện chương trình tại 12 tỉnh. Mục tiêu của chúng tôi là dạy bơi an toàn cho ít nhất 20.000 trẻ em từ 6 đến 15 tuổi, dạy kĩ năng an toàn trong môi trường nước cho hơn 48.000 trẻ em và đào tạo kĩ năng an toàn cho hơn 35.000 phụ huynh, giáo viên"- bà Huyền thông tin.

Dự thảo chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 đề ra mục tiêu đến năm 2025 là 90% trẻ em trong cả nước biết kiến thức, kỹ năng phòng chống tai nạn, an toàn giao thông; 50% trẻ em biết bơi; 90% cha mẹ có kỹ năng phòng chống tai nạn. Toàn bộ tỉnh, thành có kế hoạch và tổ chức thí điểm dạy bơi cho học sinh. Đến năm 2030, các chỉ số này tăng thêm 5-10%.

Ngoài ra, tỷ suất trẻ bị tai nạn, thương tích giảm xuống 550/100.000; 7 triệu gia đình đạt tiêu chí ngôi nhà an toàn, 12.000 trường học an toàn.

Nhiều kế hoạch được đặt ra nhằm nâng cao kiến thức giao thông đường bộ cho học sinh, như: tập tuấn đào tạo kỹ năng lái xe an toàn; sơ cứu, cấp cứu tai nạn giao thông cho học sinh; tổ chức các hoạt động nhằm giảm thiểu nguy cơ tai nạn; xây dựng tài liệu và hướng dẫn trẻ em đi xe đạp đúng quy định.

Cùng với đó là chương trình dạy bơi cho trẻ em, kiện toàn đội ngũ hướng dẫn viên dạy bơi, nâng cao kiến thức phòng chống đuối nước cho cha mẹ.

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/duoi-nuoc-la-nguyen-nhan-dung-thu-hai-cua-tu-vong-tre-em-de-xuat-50-tre-em-biet-boi-n182127.html