Được mùa phim kinh dị: Cần gì để đi đường dài?
Điện ảnh Việt những năm 1990 trở về trước từng chứng kiến các bom tấn kinh dị như: 'Lệ đá', 'Con ma nhà họ Hứa', 'Chiếc mặt nạ da người', 'Mười'… Từ đó đến năm 2023, dòng phim này bị nhấn chìm giữa một rừng phim kinh dị đến từ Hollywood, Thái Lan, Hàn Quốc…
Từ một dòng phim từng ghi nhận doanh thu bết bát, chất lượng đa số thuộc hàng “thảm hại”, 2 năm qua, phim kinh dị Việt có cú lội ngược dòng ngoạn mục. Ngày càng nhiều tác phẩm gia nhập “câu lạc bộ phim trăm tỷ”, thậm chí dòng phim này có vẻ như còn đang dần trở thành trụ cột doanh thu của điện ảnh Việt.
Phim kinh dị thuần Việt hơn
Trong chưa đầy 3 tháng đầu năm 2025, rạp Việt có 7 phim được trình làng. Trong đó, gần 1 nửa là phim kinh dị, gồm: “Đèn âm hồn” (105,9 tỷ đồng), “Nhà gia tiên” (237,9 tỷ đồng) và “Quỷ nhập tràng” (126,7 tỷ đồng) - đều vượt mốc doanh thu 100 tỷ đồng.
Dự kiến, từ nay đến cuối năm, khoảng 8 phim kinh dị khác đang xếp hàng ra rạp gồm: “Âm dương lộ”, “Tìm xác: Ma không đầu”, “Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu”, “Dưới đáy hồ”, “Làm giàu với ma” 2, “Heo năm móng”, “Code: Phản ước”, “Út Lan: Oán linh giữ của”. Tổng số phim nhiều gấp hơn 2,5 lần so với năm ngoái là 4 phim.

“Đèn âm hồn” vượt doanh thu 100 tỷ đồng dù vấp tranh cãi về kịch bản.
Đáng nói, dù gia tăng về số lượng nhưng phim kinh dị Việt trong thời gian qua không còn bắt chước những hình tượng ma quỷ phương Tây như ma cà rồng, xác sống mà đều dựa trên yếu tố cốt lõi là văn hóa, truyền thống - từ những câu chuyện dân gian đã “ăn sâu bám rễ” vào tâm lý người Việt. Mỗi nhà làm phim lại khai thác theo góc nhìn khác nhau, tạo nên một bức tranh phim kinh dị đa sắc. Nhờ đó, các phim phần nào khắc phục được khuyết điểm hù dọa đơn thuần, thay vào đó tập trung vào yếu tố tâm lý, giúp người xem cảm nhận nỗi sợ một cách sâu sắc hơn.
Đơn cử, “Đèn âm hồn” mang màu sắc tâm linh dân gian, “Quỷ nhập tràng” - yếu tố Kim tiếp nối phim “Ma da” - yếu tố Thủy trong vũ trụ linh dị ngũ hành, “Heo năm móng” dựa trên câu chuyện linh dị dân gian, “Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu” thuộc thể loại tâm linh - ly kỳ - phá án... Không gian, bối cảnh của mỗi phim đều mang hương vị khác biệt, đủ tạo dấu ấn riêng trên bàn tiệc.
Theo nhà sản xuất Hoàng Quân - người đứng sau loạt phim kinh dị “Cám” (96,3 tỷ đồng), “Tết ở làng địa ngục” (hơn 80 tỷ đồng), sự đa dạng trong cách khai thác chủ đề kinh dị giúp thể loại này có thể phủ sóng rộng hơn thay vì chỉ gói gọn trong các phim hù dọa truyền thống.
“Khán giả Việt ngày càng yêu thích thể loại này và sẵn sàng chi tiền để trải nghiệm những câu chuyện rùng rợn, ly kỳ trên màn ảnh rộng. Thành công phòng vé của một số phim kinh dị Việt gần đây đã khẳng định thể loại này không còn là “lựa chọn an toàn” mà đang dần trở thành trụ cột doanh thu của phim Việt”, nhà sản xuất Hoàng Quân nhận định.
Đồng quan điểm, chuyên gia điện ảnh Nguyễn Phong Việt cho rằng, việc khai thác yếu tố văn hóa bản địa, yếu tố tâm linh, những câu chuyện kể dân gian liên quan đến ma quỷ được quan tâm, như một hướng đi mới, đầy tiềm năng. Thậm chí, đây là một trong những con đường chuẩn mực để tạo bản sắc và cho thế giới biết điện ảnh Việt Nam có gì.
“Phim kinh dị thời gian qua là câu chuyện bản sắc của Việt Nam, chúng ta không đi mượn câu chuyện của người khác. Nhìn sang Thái Lan, dấu ấn điện ảnh của họ vẫn là phim kinh dị và đạt doanh thu rất tốt. Chúng ta có kho tàng câu chuyện, truyền thuyết dân gian, chỉ cần đủ giỏi, đủ tâm huyết”, ông Việt cho hay.
Khâu sản xuất, quảng bá được đầu tư bài bản
Không chỉ tăng số lượng, tăng doanh thu, dòng phim này đã có sự cải thiện đáng kể về chất lượng sản xuất.
Nguyên nhân chính nằm ở việc nhà làm phim đã chịu đầu tư hơn, phim kinh dị không còn bị định kiến là dòng phim vốn ít, lời nhiều. Mặc dù không tiết lộ kinh phí, nhưng nhìn vào việc đầu tư cho kỹ thuật dựng phim, kỹ xảo, phục trang, bối cảnh của các phim kinh dị trong thời gian qua, kinh phí được dự đoán rơi vào khoảng 20-30 tỷ đồng/ phim.

“Nhà gia tiên” là phim kinh dị đạt doanh thu cao nhất đầu năm 2025.
Năm ngoái, nhà sản xuất phim “Linh miêu: Quỷ nhập tràng” được cho là đã chi hơn 30 tỷ đồng để thực hiện dự án này. Đây là con số khủng đối với dòng phim kinh dị tại Việt Nam từ trước tới nay. Trong đó, ê kíp “chơi lớn” khi phục dựng căn nhà 150 tuổi ở Huế để làm bối cảnh; đầu tư khoảng 600 cảnh quay dựng bằng công nghệ CGI (mô phỏng hình ảnh); hay huy động được dàn diễn viên đình đám, đặc biệt là những gương mặt dễ tạo xu hướng trên mạng xã hội như Hồng Đào, Thùy Tiên, Thiên An, NSND Hồng Vân, vợ chồng Việt Hương - Hoài Phương, Lâm Vỹ Dạ, Minh Tú, Hòa Minzy, Đức Phúc, Erik…
Không kém cạnh, ê kíp “Nhà gia tiên” cũng tất tay xây dựng bối cảnh ở căn nhà cổ hơn 100 tuổi ở Cần Thơ hay kết hợp với nhà sản xuất âm nhạc ở Pháp để tăng chất lượng phần nghe của phim.
Nhà nghiên cứu văn hóa đại chúng Nguyễn Anh Tuấn - Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam cho rằng, truyền thông cũng là yếu tố khiến phim kinh dị Việt hút khách trong thời gian qua.
“Bộ phim “Đèn âm hồn” vấp nhiều tranh cãi về chất lượng. Nhưng tôi được biết, nhà sản xuất đứng sau bộ phim từng được đào tạo bài bản về ngành marketing phim ở Mỹ. Vì vậy, họ đã áp dụng hiệu quả phương thức truyền thông trên nền tảng số, tạo hiệu ứng truyền miệng mạnh mẽ, góp phần không nhỏ vào việc tăng doanh thu phim”, ông Tuấn đánh giá.
Cùng chung quan điểm, nhà sản xuất Hoàng Quân bày tỏ: “Phim kinh dị thường có ưu thế lớn về mặt truyền thông và khả năng kích thích tò mò. Điều này giải thích lý do nhiều phim dù chưa hoàn hảo về kịch bản nhưng vẫn có thể đạt doanh thu tốt nhờ chiến lược quảng bá hiệu quả”.
Cần gì để đi đường dài?
Nhà nghiên cứu văn hóa đại chúng Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, sự thức thời của nhà sản xuất phim kinh dị trong thời gian qua gợi nhớ đến trào lưu phim hài nhảm, phim remake, phim hành động trong nhiều năm trước.

Diễn viên Quang Tuấn và Vân Dung trong phim “Quỷ nhập tràng”.
Nhà sản xuất Hoàng Quân cho rằng, nếu phim kinh dị chỉ chạy theo số lượng mà không có sự đổi mới trong nội dung, cách kể chuyện, khả năng khán giả “bội thực” là rất cao. “Thay vì sản xuất ồ ạt theo phong trào, các nhà làm phim nên hướng đến sự đa dạng hóa trong cách tiếp cận những khía cạnh khác của thể loại kinh dị: như tâm lý, giật gân, trinh thám, kỳ bí… hay tạo ra những thương hiệu phim có chiều sâu có thể phát triển lâu dài”, ông Quân bày tỏ.
Đạo diễn Võ Thanh Hòa cũng cho rằng, khi thị trường phim kinh dị trở nên sôi động hơn, mỗi đạo diễn phải tự tìm cho mình một màu sắc riêng để giữ chân khán giả. “Như chuỗi 14 phim trong Vũ trụ linh vật dân gian của tôi, kịch bản, đạo diễn mỗi phim sẽ do ê kíp khác nhau thực hiện. Điều đó để tránh sự trùng lặp, mang đến màu sắc riêng cho từng tác phẩm”, đạo diễn Võ Thanh Hòa cho hay.
Thực tế cho thấy, dù phim kinh dị Việt đã có sự khởi sắc cả về số lượng, doanh thu và chất lượng. Song, tỉ lệ tăng trưởng trên chưa thật sự đồng đều. Nhiều phim vẫn mắc lỗi kịch bản, “đầu voi đuôi chuột”. Cụ thể, “Đèn âm hồn” bị chê kịch bản ôm đồm nhiều tuyến truyện rối rắm cùng những mảng miếng hù dọa cũ kỹ; “Nhà gia tiên” gây chia rẽ bởi các ý kiến chỉ ra kịch bản nhiều lỗ hổng, chất lượng xứng đáng với webdrama hơn phim điện ảnh; “Quỷ nhập tràng” cũng chưa được đánh giá cao vì kịch bản khiên cưỡng, nhiều tình tiết rời rạc…
“Thông thường biên kịch Việt Nam làm việc theo nhóm, mỗi người một công đoạn và không được đánh giá cao như đội ngũ biên kịch Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ. Phim kinh dị của họ thường được phát triển từ tác phẩm văn học, truyện tranh. Đội ngũ biên kịch vì thế cũng được trau dồi và có được sự kết nối liền mạch từ văn học, truyện tranh đến điện ảnh.

Nhà sản xuất Hoàng Quân ở hậu trường phim “Cám”.
Phim kinh dị Thái Lan cũng được phát triển từ các câu chuyện tâm linh, dân gian, nhưng đội ngũ làm phim bản địa được cọ xát, học hỏi rất nhiều từ nước ngoài. Nguyên nhân vì từ những năm 1970, Cục Điện ảnh nước này đã có những chính sách rất hấp dẫn để mà mời chào các nhà làm phim của nước ngoài đến. Thái Lan đã trở thành một nơi chuyên “gia công” cho Hollywood”, ông Tuấn phân tích.
Thực tế, trong những năm gần đây, Hội đồng Duyệt phim quốc gia đã có sự cởi mở nhất định trong khâu kiểm duyệt. Những chi tiết rùng rợn, máu me, hù dọa không còn bị cắt xén thô bạo, giữ được sự toàn vẹn của tác phẩm khi ra rạp.
“Cục Điện ảnh cần có sự hỗ trợ mang tính kiến tạo, thúc đẩy nhiều hơn là việc chỉ quản lý như hiện nay. Không chỉ với dòng phim kinh dị mà với bất kỳ dòng phim hành động, tình cảm… đều cần những nhà làm chính sách cởi mở, có tầm nhìn ở tâm thế hỗ trợ.
Ngoài ra, ngân sách đổ vào phim cũng cần nhiều hơn. Ngân sách dành cho một bộ phim ở Việt Nam hiện nay khoảng 20 tỷ đồng. Tất nhiên, không phải cứ nhiều tiền là làm được phim hay, nhưng có thực mới vực được đạo”, ông Tuấn nói.