Dùng nước thử tải cầu bộ hành ở An Giang thay phương án huy động 400 người

Phương án dùng nước thử tải cầu Nguyễn Thái Học được Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía Nam lựa chọn để thay phương án huy động 400 người.

Sáng 5/4, theo ghi nhận tại phía bờ thuộc phường Mỹ Bình, TP Long Xuyên, An Giang, có hàng chục công nhân, kỹ sư đang thực hiện lắp ráp giàn giáo để thay đổi phương án giám định cầu bộ hành.

Ông Phạm Văn Hùng, Phó Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía Nam cho biết đã huy động 20 người tham gia việc lắp đặt thiết bị giàn giáo chuẩn bị cho việc đo tải tĩnh, không còn thử tải động như phương án ban đầu.

"Đơn vị đã chọn phương án sử dụng nước để đo tải, thay thế phương án huy động 400 người như trước", ông Hùng cho biết.

Việc huy động 400 người ở TP Long Xuyên để thử tải cầu bộ hành thuộc công trình cầu Nguyễn Thái Học trước đó khiến dư luận quan tâm. Nhiều người thắc mắc: Vì sao phải thực hiện việc này sau gần 2 năm khánh thành đưa vào sử dụng? Vì sao phải thử tải bằng con người?...

Cầu bộ hành thuộc công trình cầu Nguyễn Thái Học

Có dấu hiệu vi phạm

Theo hồ sơ, công trình cầu Nguyễn Thái Học có chiều dài 120m, rộng 16m, có cầu bộ hành hành cho người đi bộ mỗi bên rộng 1m.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh An Giang (nay là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Giao thông và Nông nghiệp tỉnh) làm chủ đầu tư. Cầu khởi công tháng 5/2019, nghiệm thu đưa vào sử dụng từ tháng 7/2021.

Các đơn vị thi công dự án cầu Nguyễn Thái Học gồm Liên danh Công ty CP Cầu 12 và Công ty CP Vật tư thiết bị và Xây dựng Công trình 624.

Ngoài ra còn có nhà thầu phụ, đặc biệt là Liên danh Công ty CP Cơ khí 4 và Xây dựng Thăng Long - Đồng Nai và Công ty CP Thương mại tư vấn và xây dựng Vĩnh Hưng (thay thế cho nhà thầu phụ đặc biệt ban đầu là Công ty CP Cơ khí xây dựng 41 Thǎng Long).

Tuy nhiên, khoảng 6 tháng sau, công trình bắt đầu xuất hiện tình trạng hư hỏng, có vết nứt, rỉ sét ở một số hạng mục... Sau khi các cơ quan chức năng vào kiểm tra, vụ việc được chuyển đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh.

Qua thời gian xác minh, điều tra và từ kết quả làm việc với các cá nhân liên quan, Công an tỉnh này nhận thấy trong quá trình thi công, chủ đầu tư có dấu hiệu điều chỉnh thiết kế trái với Luật Xây dựng.

Bên cạnh đó, có dấu hiệu nghiệm thu công trình không đúng quy định; làm sai lệch hồ sơ điều chỉnh thiết kế và chủ đầu tư đã chấp thuận giám sát trực tiếp không đủ năng lực.

Đáng quan tâm, trong quá trình làm việc bước đầu với công an, chủ đầu tư, nhà thầu thi công, giám sát đều thừa nhận đã nghiệm thu, thanh toán khống khối lượng đinh tán là 9,5 tấn, có giá trị theo hợp đồng là 101,6 triệu đồng cho 2 nhà thầu.

Từ đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang ra quyết định trưng cầu giám định 4 nội dung. Đó là đánh giá chất lượng công trình theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt; xác định giá trị thiệt hại do việc thi công sai thiết kế; giám định phần kết cấu nhịp của cầu bộ hành và kiểm tra lại sự sai, khác nhau về hình thức, nội dung.

Ngoài ra, cơ quan công an còn yêu cầu làm rõ quá trình nghiệm thu, quản lý xây dựng; việc điều chỉnh thiết kế có đúng trình tự, đúng thẩm quyền chủ đầu tư hay không? Đồng thời, phân định trách nhiệm đúng sai của từng cá nhân cụ thể, tổ chức liên quan.

Có thể sử dụng nhiều phương pháp khác

Lý giải về việc huy động 400 người để thực hiện việc thử tải, giám định chất lượng của cầu bộ hành này theo đề nghị của Công an tỉnh An Giang trước đó, ông Phạm Văn Hùng, Phó Phân viện Khoa học Công nghệ GTVT phía Nam (người trực tiếp chỉ huy thử tải), cho biết: “Đây là cây cầu phục vụ cho con người và con người là tài sản vô giá.

Bản chất, cây cầu Nguyễn Thái Học này đã khai thác gần 2 năm nay rồi, những ngày lễ hội cầu đã khai thác với số lượng lớn hơn rất nhiều. Đây không phải là lần thử tải đầu tiên”.

Theo ông Hùng, cầu bộ hành ở tỉnh An Giang có chiều dài 129m, rộng khoảng 6,5m, như vậy 1m2 có thể chịu sức nặng khoảng 410kg, tương đương có thể chứa hơn 4.600 người, tức nghĩa gấp 10 lần số người thử tải.

“Thông tin về thử tải cầu bằng người có rất nhiều ý kiến đa chiều, vấn đề ở đây là phương án có nhiều nhưng mình chọn phương án phù hợp.

Đây là cây cầu bộ hành rất đặc biệt, có 3 đặc thù, cầu cong 3 phía, có dây văng cáp, dầm chịu lực ở giữa như đòn cân, bên nào nặng thì lắc.

Do đó việc đơn vị chọn phương án để thử tải cầu trong điều kiện thời gian, kinh phí ít nhưng phải đảm bảo an toàn và tuân thủ quy định về quy trình giám định”, ông Hùng giải thích thêm.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Thuấn, Giảng viên Cao cấp Trường Đại học GTVT, việc thử tải cho cầu bộ hành thường sử dụng con người. Bởi lẽ, đây là cầu chuyên thiết kế tải trọng cho người đi bộ nên việc thử tải như vậy là bình thường.

"Tuy nhiên, không nhất thiết phải thử tải bằng người. Khi còn nghi ngờ về chất lượng cầu thì có thể sử dụng các máy móc, thiết bị hoặc các vật liệu khác có trọng lượng tương ứng để kiểm tra.

Do đó, giải pháp thông thường là sử dụng những vật liệu thay thế, như bao cát, bao xi măng... có tải trọng tương đương với tải trọng người để thử tải.

Theo quy trình kiểm định cầu bộ hành có nói rất rõ hoặc tùy theo phương án mình muốn đo là gì, có thể đo độ chuyển động, kích thích dao động hoặc chuyển động tĩnh.

Trong quá trình kiểm định, hoặc nghi ngờ về chất lượng cần tính toán sơ bộ trước khi chất tải để kiểm tra”, PGS.TS Nguyễn Hữu Thuấn gợi ý.

Sau khi được Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía Nam tham vấn, Công an tỉnh An Giang đã đề nghị chính quyền TP Long Xuyên huy động 400 người để thử tải, dự kiến vào ngày 5/4.

Theo phương án, từng nhóm từ ít đến nhiều đi qua cầu để thiết bị đo hướng suất, biến dạng, dao động, ghi nhận các thông số làm cơ sở phục vụ điều tra. Chiều 4/4, kỹ sư lắp đặt các thiết bị phục vụ việc thử tải cầu như tính toán trước đó.

Tuy nhiên sau phản biện của nhiều chuyên gia và làm việc với đơn vị liên quan, chiều 4/4, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình chỉ đạo ngừng huy động người phục vụ thử tải.

Đỗ Loan - Lê An

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/cau-da-hoan-thanh-2-nam-vi-sao-con-huy-dong-400-nguoi-thu-tai-d586965.html