Đừng đùa với S-400 của Nga!

S-400 là một trong những hệ thống tên lửa gây tranh cãi nhất thế giới hiện nay. Mỹ đã áp lệnh trừng phạt kinh tế đối với các nước mua hệ thống này, nhưng nhiều quốc gia vẫn quan tâm đến nó như Ấn Độ ký thỏa thuận mua S-400 hồi tháng 9/2018 và Trung Quốc tháng 4/2018... Nhưng điều gì khiến S-400 trở thành một mặt hàng vũ khí nóng bỏng trên thế giới ngày nay như thế?

Trong bài viết trên tờ National Interests, chuyên gia quốc phòng, nhà bình luận quân sự Charlie Gao đã cắt nghĩa lý do không nên đùa với hệ thống tên lửa S-400 của Nga cũng như tại sao không lực lượng không quân nào muốn đối đầu với nó, hay S-400 có điểm gì chung với S-300?...

Bắt đầu từ S-300

Tổ hợp tên lửa S-300 được phát triển vào những năm 1960 dựa theo khái niệm hệ thống tên lửa đất đối không (SAM). S-300 được dự kiến thay thế hệ thống tên lửa S-75 (SA-2) – vũ khí nổi tiếng từng bắn hạ máy bay trinh sát U-2 và được triển khai tại Cuba và Việt Nam. Hệ thống tên lửa này đã thử nghiệm thành công vào những năm 1970 và chính thức được đưa vào phục vụ quân đội từ năm 1978.

Cải tiến tốt nhất của S-300 so với tất cả các hệ thống trước đó là khả năng trinh sát và dẫn đạn đa kênh - sử dụng những chùm tia đa tần dẫn các tên lửa đến các mục tiêu khác nhau cùng một lúc. Hệ thống S-25 trước đây cũng có hệ thống dẫn đạn đa kênh, nhưng nó rất nặng và chỉ có thể triển khai được trên các giá phóng cố định. Hệ thống SAM-D của Mỹ (được phát triển thành MIM-104 Patriot) là hệ thống SAM đầu tiên của Mỹ sử dụng công nghệ đa kênh, được đưa vào hoạt động năm 1981, sau Liên Xô 3 năm.

Hệ thống phòng không S-400 Nga trên căn cứ không quân Khmeimim tại tỉnh Latakia, Syria. (Nguồn: Russian Gazeta)

Lực lượng phòng không Liên Xô (PVO) là đơn vị đầu tiên sử dụng S-300PT - phiên bản thứ nhất của S-300. Tất cả các tên lửa “P” đều có nghĩa là dành cho PVO. Còn “T” là TEL (Transporter, Erector, Launcher), có nghĩa là tổ hợp tên lửa cơ động có thể dễ dàng “Vận chuyển, Triển khai và Phóng”. Radar của S-300PT cũng được lắp đặt trên các xe tải hạng nặng để định vị dẫn đạn. Tổ hợp này cũng bao gồm một hệ thống điều khiển hỏa lực. Nói chung, S-300 có ưu thế hơn hẳn những tổ hợp phòng không cố định, nhưng chưa phải là một giải pháp phòng không lý tưởng.

Các nhà khoa học quân sự Liên Xô đã nghiên cứu quá trình sử dụng SAM ở Việt Nam và Trung Đông, qua đó nhận thấy rằng công tác dẫn đạn, triển khai hỏa lực nhanh sẽ tối đa hóa hiệu quả của SAM. S-300PT mất hơn một giờ cho quá trình chuẩn bị chiến đấu do phải kéo các bệ phóng và radar. Đây chính là nhược điểm cần khắc phục. S-300PT ban đầu được trang bị tên lửa 5V55 với tầm bắn khoảng 75km.

Theo báo Mỹ National Interest, cuộc tập trận Vostok-2018 gần đây có lẽ là để chứng minh cho NATO thấy, không phận Nga là một “bãi mìn thực sự” đối với kẻ thù. Tờ báo này nhận định, không quân Mỹ có nhiều kinh nghiệm trong việc chống lại hệ thống phòng không của đối phương, nhưng họ vẫn chưa từng phải đối phó với một hệ thống như của Nga. Tính di động cao của phòng không Nga sẽ gây khó khăn cho việc trấn áp phòng không từ phía Mỹ. Ngoài ra, những máy bay ném bom tàng hình như B-2 có thể dễ dàng bộc lộ điểm yếu trước các hệ thống radar mới của Nga cũng như chiến đấu cơ như F-22 và F-35 dù thực tế rất đắt tiền, song vũ khí Nga vẫn nguy hiểm hơn.

Kết quả của những nghiên cứu này là toàn bộ tổ hợp S-300 được lắp đặt trên các xe tải siêu trọng MAZ-7910 (mặc dù các phiên bản sau này được lắp đặt trên các xe tải cũng như các rơ-moóc mới hơn). Hệ thống vận chuyển, triển khai, phóng đạn TEL, hệ thống radar và hệ thống điều khiển hỏa lực đều được lắp đặt trên các xe vận tải này. Thiết bị hỗ trợ, chẳng hạn như thiết bị khắc phục sự khác biệt giữa radar và tầm cao tên lửa phóng được lắp đặt trên các xe vận tải có tải trọng nhẹ hơn. Hệ thống hoàn chỉnh mới này được gọi là S-300PS và biên chế cho quân đội vào năm 1982. Phiên bản được sửa đổi một chút dành cho xuất khẩu là S-300PMU. Tổ hợp “PS” sử dụng tên lửa 5V55R dài hơn với tầm hoạt động đến 90km.

Trong khi S-300P được phát triển theo hai hướng, thì S-300F chỉ dành riêng cho hải quân và S-300V cho quân đội. Ngoài các mối đe dọa trên không là các máy bay chiến đấu, hệ thống S-300V còn được cải tiến đặc biệt để đánh chặn các tên lửa đạn đạo chiến thuật như Lance và Pershing.

Tính năng nổi bật của S-300V là có hai phiên bản xe phóng đạn TEL, một TEL mang bốn tên lửa 9M83 tầm ngắn hơn (75km) và một TEL có hai tên lửa 9M82 tầm xa hơn (100km). Tổ hợp TEL, radar, đài chỉ huy điều hành tác chiến S-300V được lắp đặt trên thân xe tải siêu trọng (giống như phần pháo 2S7) tạo khả năng cơ động trên địa hình tốt hơn so với S-300PS. S-300V được biên chế cho quân đội năm 1985.

Các nhà khoa học quân sự tiếp tục phát triển cả hai biến thể V và P của tổ hợp S-300. Các phiên bản tên lửa S-300PM được sinh ra từ mong muốn tích hợp chức năng đánh chặn của các tên lửa đạn đạo của S-300V vào tên lửa phòng không thông thường S-300P. Các phiên bản xuất khẩu của tổ hợp S-300PM được gọi là S-300PMU. Từ những cải tiến thành công của S-300, hệ thống tên lửa S-400 được hình thành.

Đến S-400 vượt trội

Thực vậy, các tổ hợp tên lửa S-400 ban đầu được gọi là S-300PMU-3, được xác định là giai đoạn hiện đại hóa lần thứ 3 của tổ hợp tên lửa phòng không S-300. Khi hệ thống này được giới thiệu lần đầu tiên tại triển lãm MAKS 2007, người ta có thể nhận thấy hầu hết các xe khí tài có bề ngoài tương tự như hệ thống S-300PMU-2.

Tuy nhiên, những tiến bộ trong công nghệ phát triển tên lửa và radar đã khiến cho hệ thống tên lửa S-400 nâng cấp vượt trội hơn gấp đôi so với các hệ thống tên lửa S-400 khởi đầu. Radar thế hệ mới được trang bị cho S-400 có khả năng phát hiện hầu hết các phương tiện bay trên không.

Một điểm quan trọng nữa của S-400 là khả năng phóng tới 4 loại tên lửa có trọng lượng và tính năng khác nhau, cho phép hệ thống tự hình thành một lưới phòng không đa lớp đặc biệt mà không có tổ hợp phòng không nào từng có, từ các mục tiêu tầm gần đến tầm xa, từ tên lửa đạn đạo đến máy bay chiến đấu các loại. Điều này làm cho S-400 trở thành một hệ thống linh hoạt hơn, có thể sử dụng hầu hết các loại tên lửa của những phiên bản S-300 trước đó.

Các tên lửa mới cho S-400 được dự đoán sẽ mở rộng tầm bắn lên đến 240km đối với các mục tiêu trên không, trong khi S-300PMU-1 chỉ có tầm bắn hiệu quả đến 150km và S-300PMU-2 có tầm bắn hiệu quả đến 200km. Những tên lửa mới hơn như 40N6 của S-400 thậm chí còn có thể nâng tầm bắn lên tới 400km.

Vậy tổ hợp tên lửa S-400 là gì? Về bản chất, nó vẫn là một hệ thống phòng không di động, được phát triển dành cho các lực lượng phòng không. Nhưng S-400 là một bước phát triển nhảy vọt trong lĩnh vực phòng không (đặc biệt là nếu so với các hệ thống S-300PT/PS thế hệ đầu tiên) và linh hoạt hơn nhiều so với các phiên bản trước đó của S-300.

Mặt khác, những phiên bản khác nhau của tổ hợp S-300 tích hợp thành hệ thống có khả năng tác chiến linh hoạt hơn, nằm trong một phiên bản khác là S-300PMU. Quân đội Nga tiếp tục phát triển S-300V thành S-300V4 và S-300VM (Antey 2500 đa tên lửa để xuất khẩu). Các nhà khoa học quân sự Nga cũng tích hợp các tên lửa mới và công nghệ radar hiện đại nhằm tăng phạm vi phòng thủ hiệu quả đến 200km đối với S-300PMU. Ngoài ra, mỗi xe TEL mới được trang bị thêm radar nhỏ dẫn đạn tên lửa, giảm thiểu số lượng xe trong một tổ hợp phòng không.

Trong khi các tính năng vượt trội của S-400 có thể được xem là một bước nhảy vọt đáng kể, thì các nhà khoa học quân sự Nga thực tế đã đạt được thành công đó thông qua quá trình phát triển chậm và lâu dài của tổ hợp tên lửa S-300 trước đó. Nhiều tính năng tiên tiến như khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo, hoán đổi và thay thế các loại tên lửa mô-đun và dẫn bắn đa kênh đã hiện diện trong hệ thống S-300 một thời gian dài và S-400 chỉ là sản phẩm được tích hợp các ưu thế của S-300 để làm cho nó trở thành một vũ khí thực sự nguy hiểm hơn.

Theo hãng tin Nga RIA Novosti, trong cuộc tập trận Vostok-2018, với bài tập thực hành đẩy lùi “cuộc tấn công đường không quy mô lớn của đối phương”, một loạt hệ thống phòng không của Nga như S-300 và S-400... đã được sử dụng để thiết lập “mạng lưới phòng thủ đa lớp” như các chuyên gia quân sự Nga thường đề cập.

Đại tá Sergey Tikhonov, Chỉ huy Sư đoàn Phòng không 76, cho biết phòng không Nga mất chưa đầy 10 giây để phát hiện, phân loại và tiêu diệt các mục tiêu đơn lẻ. Trong bài thực hành bắn, các trung đoàn của Sư đoàn Samara đã bị tấn công giả định bởi tên lửa hành trình và đạn đạo.

Đại tá Tikhonov nhấn mạnh: “Hôm nay là cuộc thử nghiệm quan trọng, bởi rất khó để chiến đấu chống lại nhiều mục tiêu bay trong khoảng thời gian tối thiểu. Tuy nhiên, các phương thức tính toán mà chúng ta đã được đào tạo, cũng như các thiết bị được chuẩn bị sẵn đã giúp chúng ta hoàn thành nhiệm vụ này. Tất cả các mục tiêu đề ra đều đã được thực hiện”.

Hoàng Minh

(Theo National Interests)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/dung-dua-voi-s-400-cua-nga-81170.html