Đức: Gánh nặng của trọng trách

Vai trò dẫn dắt và tầm ảnh hưởng của Berlin là đặc biệt cần thiết, trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt với nhiều thách thức nội khối và ngoại khối. Tuy nhiên, nhiệm kỳ chủ tịch này của nước Đức sẽ thế nào? Bình luận của báo Thế giới & Việt Nam.

Đức sẽ có nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên EU không hề dễ dàng. (Nguồn: EU)

Ngày 1/6, Đức sẽ chính thức đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên EU kéo dài sáu tháng. Nhiều người kỳ vọng rằng Berlin, với tiềm lực kinh tế và tầm ảnh hưởng lớn trong khối, sẽ dẫn dắt EU đương đầu với nhiều thách thức nội khối và ngoại khối, song liệu kỳ vọng này có quá lớn?

Trùng trùng thách thức

Vậy EU đang phải đối phó với những khó khăn như thế nào?

Thứ nhất, đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục là chủ đề nóng ở châu Âu nói riêng và thế giới nói chung. Tính đến ngày 27/5, số ca nhiễm tại đây đã đạt hơn 2 triệu ca, khiến 173.713 người thiệt mạng, với Anh, Italy và Tây Ban Nha dẫn đầu về tỷ lệ tử vong. Thêm vào đó, đại dịch Covid-19 sẽ tạo ra cú sốc kinh tế lớn nhất đối với toàn châu Âu kể từ năm 1930, với GDP 19 quốc gia sử dụng đồng Euro có thể tăng trưởng âm 7,75% trong năm 2020. Riêng đối với Italy, con số này là 9% khiến nguy cơ vỡ nợ 2.400 tỷ Euro của đất nước hình chiếc ủng hiện hữu hơn bao giờ hết.

Thứ hai, chuyển biến nhanh chóng trong quan hệ giữa các nước lớn khiến EU đứng trước nguy cơ phải chọn phe. Phát biểu trước các nhà ngoại giao Đức ngày 25/5, Cao ủy Liên hợp quốc về Đối ngoại Joseph Borrell cho rằng: “Từ lâu, các nhà phân tích đã nói về sự kết thúc của hệ thống do Mỹ dẫn dắt, mở đầu cho kỷ nguyên châu Á. Điều đó đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta.” Quan hệ với Nga cũng là một vấn đề đau đầu khác EU cần giải quyết, khi thách thức về mặt an ninh từ Nga là lớn, song lợi ích đến từ hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, là khó có thể làm ngơ.

Thứ ba, chia rẽ giữa các thành viên EU đang ngày một lớn, đặc biệt trong công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả dịch Covid-19. Ngày 27/5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen sẽ công bố đề xuất gói cứu trợ kỷ lục và kéo dài để đưa châu Âu ra khỏi cuộc khủng hoảng trước mắt. Từ lâu, Anh đã là quốc gia đóng góp ngân sách nhiều thứ hai đối với châu Âu; vắng London, huy động 1.000 tỷ USD cho gói hỗ trợ sẽ là công việc không đơn giản. Đó là chưa kể đến sự hoài nghi của các thành viên liên quan đến các khoản đóng góp, cống hiến của nước phát triển hơn hay chương trình có thể nhận được tài trợ.

Khi người Đức lên tiếng

Đối mặt với ba thách thức lớn nêu trên, Berlin sẽ có những giải pháp như thế nào?

Thứ nhất, phát biểu ngày 19/5, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết sẽ ủng hộ đề xuất phát hành trái phiếu EU, dự kiến thu về 500 tỷ Euro để giúp nền kinh tế khối vượt qua cơn sóng dữ Covid-19. Tuy nhiên, đề xuất này cần vượt qua sự phản đối mạnh mẽ đến từ “Bộ tứ Tiết kiệm”, đứng đầu là Thủ tướng Áo Sebastian Kurz. Đồng thời, Đức sẽ hướng tới cải thiện tính thống nhất về chính sách nội khối, dù điều này là không dễ dàng.

Thứ hai, nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên của Đức có thể chứng kiến một EU với chính sách đối ngoại độc lập, rõ nét hơn. Trước đây, EU thường bị cho là “tát nước theo mưa” khi ủng hộ cuộc đối đầu với Trung Quốc do Mỹ dẫn dắt, song chính sách của Trung Quốc trong vấn đề Hong Kong và mở cửa thị trường có thể khiến Brussels thôi “ngây thơ” và theo đuổi chính sách độc lập, gay gắt hơn. Gần đây, nhiều chính trị gia EU đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc gây chia rẽ EU.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là EU sẽ “tuyệt giao” với Trung Quốc, mà hợp tác chọn lọc hơn. Một loạt quốc gia châu Âu đang hợp tác với Huawei để phát triển mạng 5G, bất chấp đe dọa về chiến tranh thương mại mới từ phía Mỹ. Khi nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước nguy cơ suy thoái sâu sắc, các chính phủ châu Âu gọi và Bắc Kinh đã trả lời. Ví dụ, theo tờ Daily Mail (Anh), Huawei đã đầu tư 5 triệu Bảng vào một trung tâm công nghệ mới tại Đại học Hoàng gia London.

Trong quan hệ với Nga, Cao ủy Borrell cho rằng Đức cần tiếp tục ủng hộ Ukraine và thỏa thuận một cách chọn lọc với Nga, ẩn ý về Đường ống dẫn dầu Dòng chảy Phương Bắc 2, vốn sẽ được hoàn thành sớm thời gian tới. Trước đó ít lâu, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã chỉ trích Nga “tuân thủ chọn lọc” các điều khoản và kêu gọi quốc gia này sớm quay trở lại với Hiệp ước Bầu trời Mở, vì lợi ích chung của các bên.

Thứ ba, EU thời gian tới có thể đẩy mạnh hơn các chính sách về bảo vệ môi trường. Ngày 28/4, trong bài phát biểu tại Đối thoại Petersburg, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tái khẳng định sự ủng hộ với Thỏa thuận Xanh và đề xuất tăng mục tiêu giảm khí thải của EU năm 2030 từ 40 lên 50 hay 55%. Berlin cũng khẳng định sẽ đẩy mạnh các vấn đề về thuế, tăng cường các dự án năng lượng sạch. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng thay vì đưa ra các mục tiêu, Đức cần công bố kế hoạch khí hậu quốc gia, đồng thời vạch ra một lộ trình cụ thể hơn để dễ nắm bắt và thực hiện.

Đây không phải lần đầu, và chẳng là lần cuối Đức đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên EU. Tuy nhiên, nó chắc chắn là một trong những khoảng thời gian khó khăn nhất trong lịch sử khối kể từ khi thành lập năm 1993, và nước Đức được lựa chọn để dẫn dắt EU vượt qua cơn bĩ cực này.

Phan Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/duc-ganh-nang-cua-trong-trach-116412.html