Đức đặt cược vào năng lượng xanh ở Trung Á: Làn gió mới mát lành hay chỉ là 'giấc mộng đêm hè'?

Chuyến công du đầu tiên sau 14 năm tới Trung Á của một Thủ tướng Đức đã để lại nhiều lời hứa, nhưng còn cần một chặng đường dài phía trước để những lời hứa này đơm hoa kết trái.

Từ trái sang: Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev và Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev. (Nguồn: Orda)

Từ trái sang: Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev và Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev. (Nguồn: Orda)

Chuyến thăm tới Kazakhstan và Uzbekistan của Thủ tướng Đức Olaf Scholz từ ngày 15-17/9 đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều trên phạm vi toàn cầu.

Một mặt, việc người đứng đầu chính phủ Đức lần đầu tiên thăm các nước này trong 14 năm qua tạo nên sự thay đổi lịch sử trong quan hệ giữa Berlin và các nước Trung Á, đồng thời dẫn đến sự thay đổi trong quan hệ chung giữa Liên minh châu Âu (EU) và khu vực.

Mặt khác, những bình luận của Tổng thống Kazakhstan Tokayev về việc quân đội Nga được coi là "bất khả chiến bại" có thể chỉ ra sự thiếu quan tâm của Astana đến việc tiếp tục hợp tác với Đức và EU.

Bất chấp sự mơ hồ về kết quả chung của các cuộc họp giữa Thủ tướng Scholz với những nhà lãnh đạo các nước Trung Á, điều có thể nói chắc chắn là năng lượng tái tạo đã trở thành chủ đề đứng đầu chương trình nghị sự trong chuyến thăm này.

Thảo luận về nguyên liệu thô quan trọng và hydro xanh chiếm ưu thế trong các cuộc gặp ở Astana và Samarkand, ám chỉ đến quan niệm rằng Trung Á là một trong những đối tác chính cho quá trình chuyển đổi năng lượng ở Đức nói riêng và châu Âu nói chung.

Tuy nhiên, điều quan trọng là phải xem xét mức độ thực tế của những tham vọng này, mối quan hệ đối tác nào được mong đợi và những thách thức nào có thể xảy ra trong quá trình hợp tác.

Cơ hội để quan hệ đối tác Z5+1 phát triển mạnh mẽ

Lâu nay, Berlin không phải là đối tác xa lạ với các lĩnh vực liên quan đến năng lượng xanh của Trung Á. Đức là một trong những quốc gia đầu tiên thiết lập phương pháp tiếp cận C5+1 (hay Z5+1 trong tiếng Đức) ở Trung Á, tập hợp 5 nước trong khu vực (gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan) để đối thoại. Quốc gia Tây Âu này đã xây dựng hợp tác với Trung Á dựa trên phương pháp tiếp cận của EU, bắt đầu vào tháng 11/2022, khi liên minh 27 quốc gia thành viên và Kazakhstan ký kết quan hệ đối tác chiến lược về hydro xanh và nguyên liệu thô quan trọng.

Tiếp theo, vào tháng 7/2023, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier và Thủ tướng Kazakhstan Alikhan Smailov đã triển khai các quy trình khoan thử nghiệm đầu tiên tại một nhà máy sản xuất hydro xanh lớn ở quận Karakiya thuộc vùng Mangystau.

Các dự án hydro xanh đã được thỏa thuận với các công ty Đức, chẳng hạn như Svevind (công ty ký thỏa thuận đầu tư với Kazakhstan cho sáng kiến hydro xanh trị giá hơn 50 tỷ USD vào tháng 10/2022), là một phần của dự án Hyrasia One do Svevind khởi xướng.

Trong khi đó, Uzbekistan thực hiện quy trình hơi khác một chút khi họ tìm kiếm đối tác tại Đức có thể cung cấp hỗ trợ đầu tư cho các dự án quy mô nhỏ. Cụ thể, vào tháng 5/2024, Tổ chức đầu tư Đức đã cam kết hỗ trợ tập đoàn năng lượng ACWA Power phát triển một nhà máy điện hydro xanh tại tỉnh Bukhara của Uzbekistan, với khoản vay 25 triệu USD.

Nguyên liệu thô quan trọng cũng là lĩnh vực Đức đã theo đuổi ở Trung Á trong những năm trước. Tháng 9/2023, công ty khai thác HMS Bergenbau của Đức đã công bố kế hoạch trị giá 700 triệu USD nhằm khai thác lithium ở Đông Kazakhstan. Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn chưa thành công và tới nay không đưa ra đề xuất phát triển nào khác.

Trong khi đó, đối với các quốc gia Trung Á còn lại, không thấy bất kỳ sự quan tâm nào từ phía Berlin về năng lượng, mặc dù họ rất giàu nguyên liệu thô quan trọng.

Cách tiếp cận của Đức ở Trung Á chắc chắn là đầy hứa hẹn và kịp thời, trong bối cảnh quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ đòi hỏi rất nhiều nguyên liệu thô quan trọng, cũng như nguồn cung cấp hydro xanh. Berlin đang háo hức phục hồi ngành công nghiệp, và việc này sẽ cần các nguyên liệu đã nói ở trên, cũng như hydro xanh.

Tầm quan trọng của hydro có thể được củng cố bởi thực tế là nó được sử dụng làm nguyên liệu trong ngành công nghiệp hóa chất, phân bón, và cả hai lĩnh vực này đều có tầm quan trọng tối cao đối với Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan, và ở mức độ ít quan trọng hơn đối với Kyrgyzstan và Tajikistan.

Trở ngại và thách thức

Mặc dù những điều đã đề cập ở trên ủng hộ tuyên bố rằng chuyến thăm của Thủ tướng Scholz là kịp thời cho quá trình chuyển đổi năng lượng và phát triển kinh tế xanh ở châu Âu và Trung Á, nhưng đồng thời, kế hoạch vẫn phải đối mặt với những thách thức đáng kể.

Năng lượng tái tạo, hydro xanh trở thành chủ đề đứng đầu chương trình nghị sự trong chuyến thăm của Thủ tướng Đức Olaf Scholz tới Trung Á, tháng 9/2024. (Nguồn: Getty Images)

Năng lượng tái tạo, hydro xanh trở thành chủ đề đứng đầu chương trình nghị sự trong chuyến thăm của Thủ tướng Đức Olaf Scholz tới Trung Á, tháng 9/2024. (Nguồn: Getty Images)

Thách thức đầu tiên và quan trọng nhất là thiếu đầu tư. Dự án năng lượng xanh Hyrasia One cần nguồn tài chính 50 tỷ USD và hiện tại không có nhà đầu tư nào tỏ ra quan tâm. Trong khi đó, theo kế hoạch, các nhà phát triển dự án sẽ điều chỉnh số tiền đầu tư cần thiết vào năm 2026, làm nổi bật bản chất không chắc chắn của nỗ lực này.

Tương tự, đối với Uzbekistan, tham vọng đặt ra quá cao khi hướng tới một nhà máy hydro xanh công suất 27GW, trong khi tổng số tiền các nhà đầu tư Đức có thể cam kết chỉ đủ cho một dự án quy mô nhỏ khoảng 30MW. Hiện vẫn chưa rõ nguồn tài chính sẽ lấy từ đâu và cần có sự cam kết từ các tổ chức tài chính châu Âu nếu muốn đạt được bất kỳ tiến triển nào.

Xét đến xu hướng toàn cầu, trong khi chỉ có 5% dự án hydro xanh có thể nhận được khoản đầu tư toàn diện cho phát triển, thì mức độ tin tưởng vào việc hoàn thiện các sáng kiến nói trên là khá thấp. Điều này cũng được nhấn mạnh bởi thực tế là, trong số tất cả các thỏa thuận trị giá 6,3 tỷ USD đã được ký kết giữa Kazakhstan và Đức, chỉ có một Biên bản ghi nhớ về hợp tác khoa học về hydro xanh là có liên quan.

Thách thức thứ hai sẽ xuất hiện từ các khuôn khổ của EU nhằm vào thẩm định doanh nghiệp, trách nhiệm xã hội và môi trường, chẳng hạn như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và Chỉ thị thẩm định tính bền vững của doanh nghiệp (CSDDD). Các công ty hoạt động tại châu Phi đã báo cáo rằng, những khuôn khổ của EU dự kiến sẽ dẫn đến khoản lỗ 25 tỷ USD ở lục địa này.

Và nếu liên minh mở rộng sự hiện diện đầu tư tại Trung Á, đồng thời áp dụng các khuôn khổ trên, thì dự kiến khoản lỗ cũng sẽ tương tự. Thậm chí có thể gây nên sự bất mãn đối với gánh nặng hành chính mà các quy định này gây ra.

Cuối cùng, một thách thức lớn đã được chứng minh là tính bao trùm và sự tham gia của tất cả các quốc gia Trung Á. Ví dụ, Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon đã đề xuất sự tham gia của các thực thể Đức vào những dự án thủy điện tại Tajikistan.

Mặt khác, Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các dự án năng lượng và giảm tình trạng thiếu năng lượng trong khu vực, trong khi Tổng thống Turkmenistan là đại biểu ít tham gia nhất trong các cuộc thảo luận này, với sự hợp tác của Ashgabat với các bên liên quan ở châu Âu vẫn ở các dự án quy mô nhỏ.

Cách tiếp cận phân mảnh của Berlin ở Trung Á có thể dẫn đến sự phân mảnh về quan điểm của các quốc gia Trung Á đối với EU và sẽ khiến chiến lược tổng thể phải chịu sự hỗn loạn về địa chính trị.

Hơn nữa, các quốc gia Trung Á nằm trong số những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng như nhà máy thủy điện, điện hạt nhân, phương tiện di chuyển thông minh/xanh sẽ giúp họ giảm thiểu tác động của môi trường và có khả năng xuất khẩu năng lượng xanh. Đức có thể là đối tác mạnh mẽ cung cấp chuyên môn kỹ thuật trong lĩnh vực này.

Nhìn chung, chuyến thăm Kazakhstan và Uzbekistan của Thủ tướng Scholz chắc chắn đã làm dấy lên kỳ vọng về quá trình chuyển đổi năng lượng, cho cả Trung Á và châu Âu. Các dự án đầy tham vọng có thể định hình lại ngành năng lượng ở Astana và Tashkent, đồng thời đưa 2 quốc gia Trung Á này thành các nước xuất khẩu chiến lược các nguyên liệu thô quan trọng và hydro xanh.

Tuy nhiên, để những tham vọng này trở thành hiện thực, vẫn còn nhiều thách thức cần phải vượt qua. Khoảng cách đầu tư hiện tại quá lớn và có một số cách để khắc phục điều này.

Là một phần của quá trình chuyển đổi sang thế giới đa cực, Đức phải tìm kiếm các mối quan hệ đối tác. Những mối quan hệ này có thể đến thông qua một quỹ đầu tư của EU cho Trung Á hoặc, trong bối cảnh kinh tế trì trệ ở châu Âu, Berlin có thể hợp tác với các bên đang hoạt động trong khu vực, chẳng hạn như Nhật Bản và Hàn Quốc - những đối tác chia sẻ lợi ích về hydro xanh và nguyên liệu thô quan trọng, để thành lập các liên doanh đầu tư chung.

Một vấn đề khác nảy sinh là gánh nặng do CBAM và CSDDD gây ra cho nền kinh tế. Berlin nên khởi xướng cuộc đối thoại tại Ủy ban châu Âu và Nghị viện châu Âu về các bản sửa đổi giúp duy trì lợi ích bảo vệ môi trường và tầm quan trọng của thẩm định doanh nghiệp, đồng thời giảm thiểu các trở ngại về mặt pháp lý và gánh nặng hành chính.

Cuối cùng, chuyến công du của Thủ tướng Scholz được cho là thiếu cách tiếp cận bao trùm đối với tất cả các quốc gia Trung Á. Trong khi đó, các quốc gia nhỏ hơn, như Tajikistan và Kyrgyzstan, về cơ bản cần có chuyên môn, khoa học và kỹ thuật để giảm tác động tiêu cực của môi trường. Để hạn chế nguy cơ phân mảnh trong quan hệ Z5+1, cần có một chương trình nghị sự toàn diện và bao trùm hơn.

Tóm lại, chuyến thăm đầu tiên sau 14 năm tới Trung Á của một Thủ tướng Đức đã để lại nhiều lời hứa, nhưng sẽ còn một chặng đường dài phía trước để những lời hứa này đơm hoa kết trái.

(theo DARYO)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/duc-dat-cuoc-vao-nang-luong-xanh-o-trung-a-lan-gio-moi-mat-lanh-hay-chi-la-giac-mong-dem-he-288519.html