Đưa pháp luật vào cuộc sống bằng nhiều mô hình, cách làm sáng tạo

Thực hiện đề án 'Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021', Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Sóc Trăng đã triển khai nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, qua đó góp phần nâng cao kiến thức, hiểu biết pháp luật của người dân, nhất là ở khu vực biên giới biển...

Là một xã ven biển của huyện Trần Đề, trước đây, tình hình an ninh trật tự ở xã Trung Bình diễn biến phức tạp, trong đó ấp Nhà Thờ là “điểm nóng” về tội phạm và tệ nạn xã hội. Tình trạng cờ bạc, trộm cắp, ma túy, mất an ninh trật tự... thường xuyên xảy ra làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của bà con. Trước thực trạng trên, Đồn biên phòng Cửa khẩu (BPCK) Trung Bình đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) “Nông dân với pháp luật” và “Phụ nữ Công giáo với pháp luật tại ấp Nhà Thờ”. Theo đó, cứ vào ngày thứ 5 tuần cuối của tháng, các thành viên trong Tổ tuyên truyền pháp luật của Đồn BPCK Trung Bình sẽ đến tham gia sinh hoạt cùng với bà con trong các CLB pháp luật. Với đặc thù địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, nên các thành viên Tổ tuyên truyền pháp luật của đồn và xã đã biên soạn những nội dung ngắn gọn, trọng tâm, dễ hiểu… để họp dân tuyên truyền các văn bản pháp luật mới ban hành.

Là một trong những thành viên CLB “Phụ nữ Công giáo với pháp luật tại ấp Nhà Thờ”, chị Đinh Thị Hôn, chia sẻ: “Nhờ sự nỗ lực của lực lượng biên phòng và chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, chúng tôi hiểu được vị trí và tầm quan trọng của việc bảo vệ trật tự địa bàn cũng như chủ quyền, an ninh biên giới. Chị em ý thức được tinh thần trách nhiệm của mình trong việc tham gia giữ gìn an ninh trật tự khóm, ấp và khu vực biên giới, tích cực tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn”.

Bên cạnh vấn đề tệ nạn xã hội, huyện Trần Đề, mà nhất là xã Trung Bình có biên giới biển với gần 550 phương tiện khai thác đánh bắt thủy sản, vì thế Đồn BPCK Trung Bình cũng đặc biệt chú trọng tuyên truyền Nghị định số 71/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Để từng bước đưa pháp luật vào đời sống của ngư dân, đơn vị phối hợp với địa phương và các cơ quan chức năng “đến từng ngõ, gõ từng nhà”, vận động các chủ phương tiện, các thuyền trưởng cam kết không xâm phạm chủ quyền vùng biển các nước khai thác hải sản đồng thời thành lập mô hình “Tổ hợp tác đánh bắt thủy sản và bến bãi an toàn”. Định kỳ hằng tháng, lực lượng biên phòng và chính quyền địa phương xuống sinh hoạt cùng Tổ hợp tác đánh bắt thủy sản và bến bãi an toàn. Qua đó, lồng ghép việc tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật cho ngư dân…

Ông Nguyễn Thành Tâm, Chủ tịch UBND xã Trung Bình, nhận định: “Trung Bình là xã vùng biển có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Thời gian qua, nhờ có lực lượng BĐBP chung tay cùng chính quyền địa phương tổ chức nhiều buổi tuyên truyền PBGDPL đã góp phần giúp địa phương giữ gìn ổn định ANTT. Thông qua các mô hình, CLB, “Ngày Pháp luật”, “Tủ sách pháp luật”…tình hình khai thác thủy sản đảm bảo đúng quy định, ý thức chấp hành pháp luật được nâng lên rõ rệt”.

Không riêng Đồn BPCK Trung Bình, với phương châm: “Mỗi cán bộ, chiến sĩ là một tuyên truyền viên tích cực”, hàng năm, các đồn, trạm biên phòng trên địa bàn Sóc Trăng đều tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ cơ quan và các đơn vị những kiến thức cơ bản về pháp luật; thường xuyên phân công cán bộ bám địa bàn, gần dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Thực hiện tuyên truyền nội dung pháp luật cụ thể, gần gũi với đời sống hàng ngày, giúp người dân “dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện”…

Đại tá Nguyễn Trìu Mến, Chính ủy BCH BĐBP Sóc Trăng, cho biết: "Để mang lại hiệu quả cho đề án, BĐBP tỉnh tổ chức tuyên truyền sát với thực tiễn và tập trung theo từng nhóm đối tượng cụ thể, như Luật An toàn giao thông thì tập trung vào đối tượng thanh niên; Luật Hôn nhân và gia đình thì chủ yếu mời các nam-nữ độ tuổi từ thanh niên đến trung niên… Hình thức tập hợp quần chúng để tổ chức tuyên truyền luôn linh hoạt, lồng ghép bằng nhiều cách, từ tuyên truyền tập trung đến tuyên truyền rộng rãi, nhỏ lẻ, đồng thời phát huy vai trò của những người có uy tín, người cao tuổi tại các địa phương để lan tỏa ý thức tự giác chấp hành pháp luật trong cộng đồng. Kết quả cho thấy cách làm này rất hiệu quả. Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình, cách làm hay để từng bước đưa pháp luật đi vào cuộc sống của nhân dân”.

Với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, đến nay công tác tuyên truyền, PBGDPL của BĐBP Sóc Trăng đã thu được nhiều kết quả tích cực. Điều dễ nhận thấy là kiến thức, hiểu biết về pháp luật của nhân dân được nâng lên rõ rệt, tình trạng vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định về đánh bắt hải sản, vi phạm quy chế biên giới biển của bà con đã giảm đáng kể...

NGỌC THẢO

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/dua-phap-luat-vao-cuoc-song-bang-nhieu-mo-hinh-cach-lam-sang-tao-604287