Dự luật bảo vệ Liên Xô trước châu Âu:Điện Kremlin nói gì?

Các nước phương Tây quan ngại về dự luật của Nga cấm công khai đồng nhất vai trò của Liên xô và Đức quốc xã trong chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Hôm 17/5, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov đã trả lời truyền thông về dự luật mới ở nước này cấm việc công khai đồng nhất vai trò của Liên xô và Đức quốc xã trong chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Hiệp ước Molotov-Ribbentrop. được ký kết ngày 23/8/1939 .

"Không được phép phát biểu trước công chúng, trong một tác phẩm được trưng bày công khai, trên các phương tiện truyền thông hoặc sử dụng mạng thông tin và viễn thông, bao gồm cả Internet, việc đồng nhất các mục tiêu, quyết định và hành động của lãnh đạo Liên Xô, bộ chỉ huy, quân nhân Liên Xô với các mục tiêu, quyết định và hành động của giới lãnh đạo Đức Quốc xã, chỉ huy, quân nhân của Đức Quốc xã và các nước thuộc khối Đức quốc xã, cũng như phủ nhận vai trò quyết định của nhân dân Liên Xô trong việc đánh bại Phát xít Đức và sứ mệnh nhân đạo của Liên Xô trong quá trình giải phóng các nước châu Âu” - tài liệu nêu rõ.

Dự luật này đã được đệ trình lên Duma Quốc gia Nga, tức Hạ viện Nga. Văn kiện cũng đề xuất cấm phủ nhận vai trò quyết định của nhân dân Liên Xô trong việc đánh bại phát xít Đức và sứ mệnh nhân đạo của Liên Xô trong quá trình giải phóng các nước châu Âu.

Theo ông Peskov, Điện Kremlin coi việc so sánh giữa Liên Xô và Đức Quốc xã có vai trò thế nào trong Thế chiến 2 là một hành động "tàn bạo", theo TASS.

Ông nhấn mạnh rằng, việc đưa ra các quan ngại về dự luật ở Nga là "trống rỗng" bởi thực tế hiện nay cho thấy đang có những hành động viết lại lịch sử Thế chiến và gạt bỏ mọi hy sinh của Liên Xô cũng như những người lính Hồng quân đã đổ xuống cho hòa bình châu Âu.

Một nội dung đáng chú ý trong phát biểu của ông Peskov là Hiệp ước bí mật bất tương xâm - Hiệp ước Molotov-Ribbentrop.

Theo người phát ngôn, vấn đề quan hệ Xô-Đức giai đoạn 1939-1941 không thể bị đánh đồng với việc đưa ra kết luận về vai trò của Liên Xô và Đức Quốc xã trong Thế chiến 2. "Đây là những phạm trù lịch sử hoàn toàn khác nhau" - ông Peskov nói.

"Các bạn đã biết về các tài liệu được ký kết là Hiệp ước Molotov-Ribbentrop cùng giao thức bổ sung cho hiệp ước là bí mật. Đó là lịch sử và chúng ta không thể phủ nhận chúng" - người phát ngôn Điện Kremlin nhấn mạnh.

Nga quyết bảo vệ danh dự Liên Xô trong Thế chiến 2.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng đích thân giải thích về các tranh cãi lịch sử này. Ông Putin cho biết, không chỉ có Liên Xô ký một hiệp ước bất tương xâm với Đức Quốc xã mà Anh, Pháp đã có những hiệp ước không xâm lược lẫn nhau và các hiệp ước này đã biến châu Âu trở thành một trận địa đẫm máu.

Ông nói, có những tài liệu "được ký bởi Hitler và Thủ tướng Anh, Hitler và Thủ tướng Pháp, và cả bởi Hitler và nhà lãnh đạo Ba Lan" trước khi Đức Quốc xã ký kết với Liên Xô một hiệp ước không xâm lược. Một số nhà lãnh đạo châu Âu gồm Anh, Pháp, Ý cũng đã có thỏa thuận với Adolf Hitler thông qua Hiệp ước Munich.

Anh và Pháp thông báo với nhân dân trong nước và dư luận thế giới rằng, đây như là "một cố gắng để gìn giữ hòa bình" giữa Đức và phần còn lại của châu Âu. Thực tế, sự yếu đuối của chính quyền Anh, Pháp những năm 1938, 1939 trước Đức là biện hộ cho Hiệp ước Munich giữ gìn hòa bình cho châu Âu và thay vào đó, đẩy Đức chĩa mũi dùi vào Liên Xô.

Khi chính quyền Hitler chiếm toàn bộ Tiệp Khắc, chia quốc gia này thành 2 nước Chekh và Slovakia đặt dưới quyền bảo hộ của Đức. Anh và Pháp, Ý chẳng những không lên án, mà còn nhanh chóng công nhận hành động của Hitler.

Khi thông qua kế hoạch "Màu trắng" tấn công Ba Lan mở đầu Thế chiến 2, Hitler từng nói với cấp dưới về khả năng phản ứng của các nước phương Tây: "Anh và Pháp đều có cam kết, nhưng chẳng nước nào muốn thực hiện những cam kết đó... Ở Munich, tôi đã nhìn thấy khuynh hướng này ở Chamberlain (Thủ tướng Anh) và Daladier (Thủ tướng Pháp). Hitler sau đó đã không giấu những tham vọng thâu tóm lãnh thổ châu Âu.

Rõ ràng, chính sách đầu hàng thỏa hiệp của Anh, Pháp đã khuyến khích phát xít Đức đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở châu Âu. Hiệp ước Munich đã không củng cố được hòa bình, không cứu được Tiệp Khắc. Ngay Anh, Pháp cũng không thoát được chiến tranh. Hitler không những chiếm đóng Tiệp Khắc, Ba Lan, phần lớn các nước châu Âu, tấn công Liên Xô mà còn tuyên chiến với các nước này.

Hitler và đại diện các nước Anh, Pháp tại lễ ký Hiệp định Munich 1938

Tổng thống Nga cũng cho hay, lãnh đạo Liên Xô lúc ký Hiệp ước Molotov-Ribbentrop không tiếp xúc trực tiếp với Adolf Hitler và cũng không "xun xoe" như các nước châu Âu đã ký cam kết với lãnh đạo Đức Quốc xã. Tuy nhiên, đến nay, người ta đã không biết về thái độ của các lãnh đạo một số nước châu Âu thời bấy giờ khi ký hiệp ước cũng như khi Hitler đã phá bỏ hiệp ước Munich thế nào.

"Những lãnh đạo châu Âu đã làm việc với Hitler, tổ chức nhiều cuộc họp với ông ta", "phản bội Tiệp Khắc" - ông Putin đề cập đến thỏa thuận Pháp-Anh 1938 khét tiếng còn được gọi là "Cuộc phản bội ở Munich". Hitler đã sáp nhập nước láng giềng Áo và chiếm giữ vùng Sudetenland có chủ yếu là người Đức của đất nước Tiệp Khắc.

Trong khi đó, đối với Liên Xô, nghị định thư bí mật của Hiệp ước năm 1939 với Đức phần lớn là một thỏa thuận chiến thuật, cho phép Liên Xô có thêm một vài năm hòa bình để chuẩn bị cho cuộc chiến toàn diện với Đức Quốc xã.

Nga đã lên án Hiệp ước bí mật này trong khi các nước châu Âu không nhớ về Hiệp ước Munich đáng xấu hổ của họ mà đổ lỗi cho Liên Xô và người kế thừa là Nga đã gây nên chiến tranh thế giới thứ hai.

Hồi tháng 9/2019, Nghị viện châu Âu thông qua nghị quyết liên quan tới những nguyên nhân dẫn tới Chiến tranh Thế giới thứ Hai, trong đó nêu rõ, Hiệp ước Molotov-Ribbentrop là một thỏa thuận bí mật của Đức Quốc xã và Liên Xô, mở đường cho cuộc đổ máu ở Ba Lan. Do đó, Liên Xô có cùng lỗi với Đức Quốc xã vì đã gây ra Chiến tranh Thế giới Thứ hai.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/du-luat-bao-ve-lien-xo-truoc-chau-audien-kremlin-noi-gi-3432347/