Dữ liệu không ngủ 5.0

Vào năm 2016 mỗi phút có khoảng 3,5 triệu tin nhắn được gửi trên mạng, năm 2017 đã là 15 triệu. Cứ mỗi phút, hãng Uber nhận khoảng 50.000 chuyến xe qua tin nhắn, Google ghi nhận 3,6 triệu tìm kiếm trong khi Internet ghi nhận 100 triệu spam e-mail.

Cứ mỗi phút, hãng Uber nhận khoảng 50.000 chuyến xe qua tin nhắn. Ảnh: THÀNH HOA

3,7 tỉ người dùng Internet đang sinh ra 2,5 triệu giga byte dữ liệu mỗi phút cho thế giới và con số tăng lên ở cấp số nhân.

Người ta gọi đó là phiên bản “Data Never Sleeps 5.0 - Dữ liệu không ngủ 5.0”. Dữ liệu không ngủ bởi có sự chia sẻ dữ liệu ở tầm toàn cầu.

Mấy tuần trước Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khai trương “Trục liên thông văn bản quốc gia”, một bước tiến trong chương trình lớn Chính phủ điện tử (e-Gov). Trước kia công văn chuyển bằng bưu điện mất cả tuần mới đến, giờ trong vài giây. Tiện dụng khỏi phải nói, nhất là giữa các cơ quan chính phủ, tỉnh, địa phương, chưa nói đến công dân và doanh nghiệp được hưởng lợi lớn như thế nào.

Tưởng tượng năm năm tới số lượng giấy tờ của Chính phủ “chất đầy” trên server nếu thêm việc quét hay copy toàn bộ công văn rải rác khắp nước có từ trước thời điểm “Trục liên thông...” ra đời.

Dữ liệu sẽ chết, chẳng có giá trị gì, nếu không mang ra dùng, chia sẻ cho mục đích phát triển, sẽ giống như Gơ-răng-đê, một nhân vật trong “Lão hà tiện”, có vàng cất đi, thỉnh thoảng mang ra ngắm.

Kiến trúc, nền tảng công nghệ là việc khá dễ, khuôn khổ pháp lý khó hơn, nhưng cách vận hành và thay đổi não trạng mới thật khó.

Trong thế giới công nghiệp 4.0, dữ liệu phải được coi là tài sản. Đã là tài sản thì phải mua, bán, chia sẻ, có tài sản công, có tài sản riêng, có tài sản vừa riêng và công, có thể bảo mật có thể không. Kho dữ liệu trên “Trục liên thông...” cũng vậy.

Sau đó, Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan Phát triển quốc tế Úc (Ausaid) tổ chức liên tục hai hội thảo mang tính cốt lõi cho hệ sinh thái số của e-Gov Việt Nam, là chia sẻ dữ liệu và định danh điện tử nhằm khuyến nghị Chính phủ xây dựng khung pháp lý. Kiến trúc, nền tảng công nghệ là việc khá dễ, khuôn khổ pháp lý khó hơn, nhưng cách vận hành và thay đổi não trạng mới thật khó.

Các diễn giả trong nước cũng như quốc tế đều nói về chia sẻ cái gì, chia sẻ như thế nào, cái nào cần bảo mật và “ai là ai - who is who” khi truy nhập kho dữ liệu từ công cộng đến tối mật cần một chính sách rõ ràng.

Tại Việt Nam có nhiều kho dữ liệu được coi là của riêng. Bảo hiểm Việt Nam đang sở hữu hơn 80 triệu bản ghi về thông tin cá nhân của người tham gia bảo hiểm. Một số lượng tương tự đang có trên một server khác thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, một con số ít hơn ở Bộ Công an. Bộ Giao thông Vận tải đang kiểm soát toàn bộ lý lịch trích ngang của tất cả các lái xe.

Chỉ có điều thông tin về một người không nhất quán ở các cơ sở dữ liệu trên do mỗi bộ, mỗi ngành có kiểu thu thập thông tin cá nhân khác nhau vì mục đích quản lý khác nhau.

Hôm trước tôi đi đóng thuế trước bạ cho cái xe bên sở thuế, mang cái giấy về 86 Lý Thường Kiệt nơi cho đăng ký xe, thì nhân viên lại gõ thông tin từ đầu, chút nữa thôi thì thông tin số khung bị sai.

Tôi cứ ước rằng khi bên thuế thu tiền thì thông tin cái xe đã có trên mạng, bên đăng ký xe chỉ cần quét cái mã QR vào là biết chủ xe có đủ tên tuổi, có thông tin xe và đã đóng thuế chưa. Nhưng e-Gov Việt Nam mới điện tử hóa được một nửa vì thông tin giữa bên thuế và bên đăng ký xe không được chia sẻ.

Nếu hệ thống thông tin được chia sẻ hay dùng chung ở một số “bộ phận không nhỏ” như họ tên, ngày sinh, địa chỉ... thì giao dịch điện tử mới thật là điện tử, còn như hiện nay là e-Gov nửa vời. e-Gov ở bộ này nhưng sang bộ khác lại gõ từ đầu cho e-Gov bên bộ đó. Gõ lại bằng tay sao chính xác.

Tháng trước, trong một cuộc họp về an toàn giao thông, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể được báo giới dẫn lời: “Chúng tôi đề xuất phương án là những người nào mất bằng lái xe thì phải thi lại toàn bộ để tránh tình trạng lợi dụng nhằm có thêm bằng lái thứ hai, thứ ba để hoạt động kinh doanh”.

Lập tức báo và mạng xã hội tranh cãi nảy lửa đúng sai về phát ngôn này. Hiện trạng một người có vài ba bằng là có thật, vì bên cảnh sát giao thông bắt giữ xe vi phạm, nặng thì thu bằng lái xe nên người ta tìm cách lách luật.

Lý do đơn giản, ông phạt và ông cấp bằng không có kho dữ liệu chung. Cánh lái xe biết thừa nên “thu cứ thu đi, tôi thi lại nhé”, tới bên cấp bằng khai “em mất bằng hôm qua do rơi ví” hay hàng trăm lý do khác nhau. Ông Thể muốn chặn chuyện này nhưng nói không rõ thành ra “tin nóng”.

Luật pháp không nghiêm, mọi thứ rối tung, rối mù là do quyền lực chồng chéo và thời đại muốn lên 4.0 nhưng dữ liệu vẫn thích dùng làm của riêng như Gơ-răng-đê.

Câu chuyện chia sẻ dữ liệu giữa cảnh sát giao thông và bên cấp bằng là một nút thắt nhỏ cần tháo gỡ để giúp cho Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chống gian lận khi thi bằng lái xe.

Ở tầm quốc gia, cần một chính sách, một hành lang pháp lý cho chia sẻ dữ liệu đi theo định danh điện tử. Đó sẽ là giải pháp cho phát triển nếu không muốn mỗi ngành ngự trị một kho báu kiểu Gơ-răng-đê trong tiểu thuyết “Lão hà tiện” và cuối cùng chết trong đống của vô dụng bởi thời đại Internet thì “Data Never Sleeps 5.0”.

Hiệu Minh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/288006/du-lieu-khong-ngu-50.html