Du lịch tâm linh hút khách đầu năm

Quảng Ninh là vùng đất có nhiều di tích lịch sử văn hóa gắn với hơn 600 di sản văn hóa vật thể là những đình, chùa, đền, miếu, danh lam thắng cảnh, di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới. Do đó, phát triển du lịch tâm linh đã được tỉnh xác định là một loại hình góp phần quan trọng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Mặc dù trời mưa, nhưng vẫn có rất nhiều đoàn du khách thập phương đến chiêm bái, vãng cảnh tại Đền Cửa Ông.

Với vị trí “tựa sơn hướng thủy”, Đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả) luôn là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng được du khách gần xa tìm đến mỗi dịp xuân về. Không chỉ là di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt, lưu giữ các thần tích, thần sắc, sắc phong cho Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng cùng gia thất và các tướng lĩnh của Ngài, Đền Cửa Ông còn có không gian cổ kính, tôn nghiêm, thoáng đãng, phía trước nhìn thẳng ra Vịnh Bái Tử Long. Đây cũng là một trong những điểm sáng về công tác quản lý an toàn, văn minh lễ hội.

Lần đầu tiên đến Đền Cửa Ông, chị Vũ Thị Liên, du khách đến từ Hải Phòng, chia sẻ: Mình đã nhiều lần nghe nói Đền Cửa Ông là ngôi đền rất linh thiêng, thờ một vị tướng nổi tiếng thời Nhà Trần. Thế nên, khi công ty lên chương trình du xuân, mình đã không chần chừ mà đăng ký ngay. Đến đây, mình thấy không gian vô cùng khoáng đạt, nhìn thẳng ra Vịnh, mặc dù trời lất phất mưa nhưng mọi người tới đây vẫn rất đông. Đặc biệt mình thấy công tác quản lý Đền khá tốt, không mất vệ sinh môi trường; an ninh trật tự, đảm bảo và không có hiện tượng ăn xin hay bán hàng chèo kéo khách.

Du khách làm lễ tại Đền Cửa Ông là ngôi đền linh thiêng.

Còn đối với chị Trần Thị Ngọc Bích, du khách đến từ Hà Nội, mặc dù đã là lần thứ 3 đến Đền Cửa Ông dịp đầu xuân, nhưng mỗi lần quay lại, đều là những cảm xúc hoàn toàn khác nhau. Chị Bích chia sẻ: Đầu năm, gia đình tôi thường đến những điểm tâm linh để mong cầu bình an và sức khỏe cho cả gia đình trong năm mới. Đền Cửa Ông quả thực đã thay đổi quá nhiều so với 2 lần trước tôi tới đây. Không gian bây giờ rộng mở, không còn chật chội như những năm trước. Và đặc biệt, so với rất nhiều điểm du lịch tâm linh trên cả nước, tới đây, tôi không hề thấy cảnh bán hàng lộn xộn hay ăn xin, chèo kéo du khách.

Khách hành hương dâng lễ cầu an.

Có vị trí ngay gần Đền Cửa Ông, Đền Cặp Tiên - Cô bé Cửa Suốt (huyện Vân Đồn) cũng là một điểm đến du lịch tâm linh được cả người dân địa phương và du khách ưa chuộng.

Chị Trần Thị Lan Phương, du khách đến từ Hải Phòng cho biết: Năm nào cơ quan tôi cũng có chương trình đi du xuân đầu năm. Tôi thích không gian Đền Cặp Tiên, nơi đây không quá đông đúc, lại có khoảng sân rất rộng nhìn ra Vịnh Bái Tử Long, điều đó khiến cho mỗi người đến đây đều cảm thấy bình yên, thư thái.

Đền Cặp Tiên có không gian khoáng đạt, nhìn thẳng ra Vịnh Bái Tử Long.

"Điểm đặc biệt là từ ngày Rằm Tháng Giêng, Đền Cặp Tiên không thu vé xe, chúng tôi vẫn bố trí đội ngũ hướng dẫn, bảo đảm trật tự cho du khách và đảm bảo vệ sinh môi trường" - ông Phạm Thắng Lợi, Chủ nhang Đền Cặp Tiên cho biết.

Từ ngày 30 Tết Giáp Thìn đến nay, mỗi ngày, các điểm di tích trên địa bàn tỉnh đón từ 1.000 đến trên 10.000 lượt khách hành hương, tập trung đông nhất vào các ngày diễn ra lễ hội xuân, ngày cuối tuần, với nhiều hoạt động tâm linh và văn hóa đặc sắc.

Du khách xếp hàng mua vé cáp treo lên Yên Tử.

Để thu hút du khách, nhằm phát triển du lịch tâm linh, thời gian qua, tỉnh đã dành nhiều nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa, tập trung bảo tồn, tôn tạo, phát huy hiệu quả giá trị văn hóa lịch sử các di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng tour, tuyến, điểm du lịch hợp lý, cải thiện hạ tầng giao thông dẫn vào các khu di tích, cũng như kiểm soát chặt chẽ công tác quản lý, tổ chức, thực hiện văn minh lễ hội tại tất cả các điểm du lịch, di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh.

Ông Lê Văn Thảo, Phó Trưởng Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử, cho biết: Để đảm bảo an toàn trong suốt thời gian diễn ra Lễ hội Xuân Yên Tử 2024, chúng tôi đã lên phương án phối hợp với Công an TP Uông Bí và Công ty Cổ phần Phát triển Tùng Lâm đảm bảo ANTT, ATGT, phòng chống cháy nổ, đảm bảo ATVSTP, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp bán hàng giả, hoặc bán thịt thú rừng trong khu di tích.

Khách hành hương tại Chùa Hoa Yên, Khu di tích danh thắng Yên Tử.

Toàn tỉnh hiện có 8 di tích quốc gia đặc biệt, 56 di tích quốc gia, 100 di tích cấp tỉnh được xếp hạng, 466 di tích kiểm kê và gần 3.000 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể là những phong tục, tập quán, trò chơi dân gian, lễ hội của hơn 20 dân tộc. Đến nay, khoảng 120 di tích, di sản đã nằm trong các tour, tuyến du lịch cố định của Quảng Ninh, trong đó có những di tích được các đơn vị lữ hành lựa chọn để thiết kế nhiều sản phẩm riêng, trọn gói để đưa vào khai thác. Đây cũng là cơ sở quan trọng để tỉnh thực hiện có hiệu quả chủ đề công tác năm 2024 “phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh” gắn với Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”.

Hằng Ngần - Nguyễn Thơm (Báo Quảng Ninh)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/20/155259/du-lich-tam-linh-hut-khach-dau-nam