Dù ai đi ngược về xuôi…

'Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng Ba' - câu ca dao từ ngàn năm như lời nhắc nhở mỗi người dân Việt dù trong nước hay nước ngoài, dù miền ngược hay miền xuôi cũng đều luôn nhớ về nguồn cội, nhớ lại lịch sử dựng nước và giữ nước đầy hào hùng của dân tộc ta.

Một tiết mục biểu diễn nghệ thuật tại chương trình khai mạc Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm Giáp Thìn 2024, sáng 9/4. Ảnh: Ngô Hùng.

Một tiết mục biểu diễn nghệ thuật tại chương trình khai mạc Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm Giáp Thìn 2024, sáng 9/4. Ảnh: Ngô Hùng.

Hằng năm, cứ vào dịp mùng 10 tháng Ba âm lịch, người Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu đều hướng về Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Khánh thành Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong”
Trước ngày khai mạc Lễ hội Đền Hùng năm nay, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và tỉnh Phú Thọ tổ chức khánh thành Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong” tại khu vực ngã 5 đền Giếng - Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Công trình “Bức phù điêu Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong” được khởi công từ ngày 15/6/2023 do Bộ Quốc phòng tài trợ với tổng mức đầu tư 50,49 tỷ đồng. Sau hơn 9 tháng thi công, các hạng mục công trình đã hoàn thành, đảm bảo điều kiện bàn giao và đưa dự án vào sử dụng đúng dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2024.
Bức phù điêu mới dài 28,16m, cao 10,99m. Đây cũng là công trình ý nghĩa hướng tới các ngày lễ kỷ niệm lớn như 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.

Lễ hội Đền Hùng từ lâu đã trở thành lễ hội lớn và là lễ hội chung của toàn dân tộc được tổ chức nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn của con dân Việt Nam với công lao lập nước của các đời Vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Người người tham gia lễ hội Giỗ Tổ với sự thành kính tôn nghiêm và lòng biết ơn nơi cội nguồn của dân tộc.

Người Việt đi đến đâu cũng mang theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Vì thế, nơi nào có người Việt sinh sống, nơi đó có đền thờ các Vua Hùng. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày càng khẳng định vị trí vững chắc trong đời sống xã hội, khẳng định sức sống của biểu tượng cội nguồn dân tộc, là sức mạnh củng cố khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam.

Hiện cả nước có hơn 1.400 di tích, riêng tỉnh Phú Thọ - vùng đất cội nguồn dân tộc có khoảng 350 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương. Từ đất Tổ, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lan tỏa, trở thành tập quán của cộng đồng người Việt Nam ở trong và ngoài nước.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cũng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt 1) và UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể. Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là, di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó.

Năm nay, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm Giáp Thìn 2024 được UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức từ ngày 9-18/4 (tức từ mùng 1-10/3 năm Giáp Thìn) tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng và các huyện, thị, thành trong tỉnh Phú Thọ.

Trong đó, phần lễ gồm: Lễ Giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ ngày 14/4 (tức ngày 6/3 Âm lịch); Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Dâng hoa tại Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong” ngày 18/4 (tức ngày 10/3 Âm lịch); Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng của các huyện, thị, thành trong tỉnh Phú Thọ từ ngày 9/4 - 13/4 (tức từ ngày 1/3 - 5/3 Âm lịch).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hồ Đại Dũng cho biết, đến với Lễ hội Đền Hùng và Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm nay, người dân và du khách thập phương không chỉ được chứng kiến các hoạt động tưởng nhớ và tri ân các vua Hùng, mà còn được trải nghiệm và tham gia nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc từ những lễ hội truyền thống, các sự kiện văn hóa đặc biệt, đến những giải đấu thể thao sôi động...

Đây là cơ hội để những người con đất Tổ, du khách thập phương ôn lại tiến trình lịch sử, tôn vinh các di sản văn hóa của dân tộc; đồng thời thúc đẩy tinh thần đoàn kết, giao lưu và hòa nhập...

"Hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương với lòng thành kính tri ân sâu sắc công lao to lớn của các Vua Hùng, các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước. Chúng ta nguyện ước một lòng, vượt qua mọi khó khăn thách thức, nắm bắt thời cơ, vận hội, phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa tốt đẹp; tiếp tục viết nên những trang sử mới, làm rạng rỡ truyền thống đất tổ anh hùng.

Phấn đấu xây dựng tỉnh Phú Thọ - vùng đất cội nguồn dân tộc, ngày càng phát triển phồn thịnh, văn minh; Nhân dân ấm no, hạnh phúc" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ chia sẻ.

Tại Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm nay, tỉnh Phú Thọ dự kiến đón từ 2-3 triệu lượt du khách. Do đó, Ban Tổ chức đã xây dựng các phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông; phòng, chống cháy nổ, dịch bệnh và vệ sinh môi trường phục vụ đồng bào, du khách thập phương. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Đại Dũng, tỉnh Phú Thọ tập trung chỉ đạo để đảm bảo lễ hội được tổ chức chu đáo, an toàn với phần lễ trang nghiêm, trọng thể, mang tính cộng đồng sâu sắc; phần hội kết hợp hài hòa các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống và hiện đại, các sự kiện thể thao và du lịch, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo vùng Đất Tổ, tạo sức lan tỏa rộng rãi và sự hài lòng cho đồng bào, du khách thập phương về thăm viếng Đền Hùng.

Năm nay, các hoạt động phần hội gắn kết chặt chẽ với các quảng bá, xúc tiến du lịch, trong đó, điểm nhấn là Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ với nhiều hoạt động văn hóa độc đáo, tạo sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Qua đó, nhằm giới thiệu, quảng bá rộng rãi tiềm năng, thế mạnh, tài nguyên du lịch ở Phú Thọ.

Một số hoạt động tại Lễ hội Đền Hùng 2024
• Chương trình nghệ thuật với chủ đề Hội tụ non sông và bắn pháo hoa tầm cao (20 giờ 15 ngày 17/4 tại Sân khấu phía Nam - Công viên Văn Lang/Cầu đi bộ Công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì).
• Hội trại văn hóa và tổ chức trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm (từ ngày 9 đến 18/4 tức từ ngày 1 đến 10/3 Âm lịch tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng).
• Liên hoan văn nghệ quần chúng và dân ca Phú Thọ (từ ngày 13 đến 17-4 tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng).
• Trưng bày hiện vật, di sản tư liệu thế giới, sách báo, tư liệu ảnh (từ ngày 9 đến 18/4, tại Thư viện tỉnh Phú Thọ; Bảo tàng Hùng Vương, thành phố Việt Trì và Bảo tàng Hùng Vương, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng).
• Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy (sáng ngày 16/4 tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng).
• Trưng bày hoa lan nghệ thuật (từ ngày 13 đến 18-4 tại Ngã 5, Đền Giếng Khu Di tích lịch sử Đền Hùng).
• Trình diễn hát Xoan làng cổ (từ ngày 14 đến 18/4 tại Đình An Thái, Miếu Lãi Lèn, Đình Hùng Lô, thành phố Việt Trì).
• Giải bơi chải thành phố Việt Trì mở rộng năm Giáp Thìn 2024 (sáng ngày 13/4 tại Hồ Công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì).
• Chương trình âm nhạc đường phố “Việt Trì Livemusic” và các hoạt động văn hóa về đêm (từ ngày 9 đến 17/4 tại Công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì).
• Triển lãm mỹ thuật với chủ đề Quê hương, đất nước, con người Phú Thọ (từ ngày 14 đến 18/4 tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng).
• Hội chợ Thương mại và trưng bày sản phẩm OCOP Phú Thọ (từ ngày 12 đến 18/4 tại sân Quảng trường Hùng Vương, phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì).
• Các hoạt động thể dục, thể thao và trò chơi dân gian truyền thống (từ ngày 14 đến 18/4 tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng).
• Giải bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc tranh Cúp Hùng Vương (từ ngày 11 đến 14/4 tại Nhà luyện tập và thi đấu thể dục thể thao tỉnh Phú Thọ).
• Giải bóng đá phong trào Cúp Hùng Vương (ngày 30/3 tại Sân vận động thành phố Việt Trì).
• Chương trình nghệ thuật Hội Xoan - Miền Di sản (tối 14/4 tại Sân khấu Trung tâm lễ hội và Khu vực trước Nhà đón tiếp khách, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng).
• Chương trình nghệ thuật Biểu diễn dân ca và một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận; Hội Xoan - Miền di sản (từ ngày 14 đến 15/4).

MINH AN

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/du-ai-di-nguoc-ve-xuoi-10277584.html