Dòng tiền tham ô tài sản trong vụ thâu tóm đất vàng ở Bình Dương

VKS cáo buộc ông Nguyễn Văn Minh móc nối với 2 công ty sân sau, lập liên doanh Tân Thành. Sau đó, bị cáo dùng tiền của Tổng công ty 3/2 mua lại cổ phần Tân Thành, tham ô tài sản.

Chiều 24/8, trong phần đối đáp tại phiên xử 28 bị cáo liên quan những sai phạm khi chuyển nhượng 2 khu đất vàng ở Bình Dương, đại diện VKSND dành nhiều thời gian tranh luận với nhóm bị cáo bị buộc tội Tham ô tài sản.

Cáo buộc cho thấy khi Tổng công ty 3/2 mang 145 ha đất ở Bình Dương đi góp vốn, lập liên doanh là Công ty Tân Thành, cựu Chủ tịch Tổng công ty 3/2 Nguyễn Văn Minh đã chỉ đạo 2 doanh nghiệp “sân sau” của mình là Công ty Hưng Vượng và Công ty Phát Triển mua 70% vốn góp tại Tân Thành. Trong đó, Công ty Phát Triển do Nguyễn Thục Anh (con gái ông Minh) nắm 51% cổ phần.

Đến năm 2018, ông Minh cần 251 tỷ đồng để trả nợ cho Tổng công ty 3/2, nên chỉ đạo 3/2 mua 19% cổ phần của Công ty Tân Thành từ nhóm Công ty Hưng Vượng, Công ty Phát Triển. Tuy nhiên, tháng 9/2018, Hưng Vượng và Phát Triển đang nợ tiền góp vốn tại Công ty Tân Thành nên Thục Anh phải vay ngân hàng để hỗ trợ ông Minh.

Tháng 11/2018, Tổng công ty 3/2 tiến hành mua 19% cổ phần tại Công ty Tân Thành. Song, giá trị bị nâng từ 16.000 đồng/cổ phần lên 119.000 đồng/cổ phần. VKS quy buộc Thục Anh và Như Ý giúp sức cho ông Minh chiếm đoạt gần 644 tỷ đồng. Trong đó, Thục Anh được hưởng hơn 200 tỷ đồng, Như Ý hưởng hơn 192 tỷ.

Bị cáo Nguyễn Thục Anh. Ảnh: N.T.

Đối đáp với các luật sư và bị cáo thuộc nhóm tội Tham ô tài sản chiều nay, đại diện VKSND Hà Nội cho biết quá trình xét hỏi, bị cáo Minh phủ nhận cáo buộc tham. Còn Thục Anh và Như Ý cho rằng họ không tiếp nhận ý chí của ông Minh khi đứng tên cổ phần tại Công ty Phát Triển, rồi sau đó bán cổ phần.

Tuy nhiên, VKS có đủ căn cứ xác định dòng tiền được chuyển từ Tổng công ty 3/2 về 2 doanh nghiệp "sân sau" của ông Minh, gồm Công ty Hưng Vượng và Công ty Phát Triển. Điều này thể hiện ý chí của ông Minh, còn Thục Anh và đồng phạm là những người thực hiện ý chí đó.

"Tâm lý tội phạm luôn che giấu, nếu biết bị phát hiện và xử lý thì không ai dám thực hiện”, đại diện VKS lập luận. Công tố viên nhấn mạnh trong vụ án, Thục Anh đã giúp ba mình tham ô tài sản bằng một chuỗi hành vi. Ví dụ như cô ta đi vay ngân hàng, lấy vốn nộp vào Công ty Tân Thành để có thể bán được cổ phần của doanh nghiệp này.

Cũng theo đại diện VKS, bị cáo Thục Anh còn có hành vi thâu tóm cổ phần rồi bán 15% vốn tại Công ty Tân Thành với giá cao. Chứng cứ của việc này là trong một tháng.

“Kinh doanh gì mà vay 177 tỷ đồng tháng trước, tháng sau bán được hơn 700 tỷ đồng”, công tố viên tranh luận và nói đây là căn cứ của hành vi tham ô.

Ông Minh hầu tòa ở tuổi 67, bị VKS đề nghị phạt 29-30 năm tù. Ảnh: Minh Đạt.

Đề cập dòng tiền tham ô, đại diện VKS lập luận sau khi chuyển nhượng vốn góp tại các doanh nghiệp, ông Minh đã dùng tiền để trả các khoản nợ đọng từ năm 2011. Sau đó, bị cáo hoàn ứng, thanh toán tạm ứng cho Tổng công ty 3/2 và nợ trả ngân hàng 177 tỷ đồng.

VKS còn cho rằng ông Nguyễn Văn Minh chuyển cho con gái hơn 50 tỷ, góp hơn 260 tỷ vào Công ty Phát Triển. Như vậy, ông Minh đã tham ô tài sản, mới có được khoản tiền lớn này.

Qua những lập luận trên, VKS giữ nguyên quan điểm rằng ông Minh đã chỉ đạo toàn bộ quá trình chuyển nhượng 145 ha đất cho tư nhân, định giá cổ phần của Công ty Tân Thành. Bị cáo cũng chỉ đạo cho Tổng công ty 3/2 mua cổ phần với giá cao hơn quy định.

Ngày mai (25/8), phiên tòa tiếp tục tranh luận.

Ba người bị cáo buộc 2 tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Tham ô tài sản. Họ gồm Nguyễn Văn Minh; Trần Nguyên Vũ (cựu Tổng giám đốc Tổng công ty 3/2) và Huỳnh Thanh Hải (cựu phó tổng giám đốc đơn vị này).

Ba người bị truy tố tội Tham ô tài sản gồm: Võ Hồng Cường (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty CP Hưng Vượng); Nguyễn Thục Anh và Trần Đình Như Ý (2 cựu Chủ tịch HĐTV Công ty Phát Triển).

Hoàng Lam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dong-tien-tham-o-tai-san-trong-vu-thau-tom-dat-vang-o-binh-duong-post1348840.html