Đồng hành 'gỡ khó' cho người chăn nuôi lợn

PTĐT - Trước tình hình dịch tả lợn Châu phi (DTLCP) diễn biến phức tạp, là một trong những huyện có số khách hàng vay vốn phát triển chăn nuôi chiếm tỷ lệ cao, thời gian qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh huyện Lâm Thao thực hiện những giải pháp nhằm đồng hành, chia sẻ những khó khăn với người nông dân.

Các tư vấn viên hướng dẫn thủ tục cho vay cho người dân tại ngân hàng

Ngay sau khi xuất hiện DTLCP trên địa bàn tỉnh, ngày 20/6/2019, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã có văn bản số 262/NHNN-PTH2 về việc “Hỗ trợ khách hàng vay vốn bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu phi”. Ngay sau đó, ngày 20/6/209, Ngân hàng Agribank Chi nhánh huyện Lâm Thao cụ thể hóa khi triển khai “Thành lập tổ kiểm tra khách hàng vay vốn bị thiệt hại do dịch tả lợn Châu phi trên địa bàn huyện”.Bám sát chỉ đạo của cấp trên, chi nhánh đã chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại do DTLCP gây ra đối với khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm tiền vay, hạ lãi suất cho vay, tiếp tục cho vay mới để tái đàn sau khi dịch kết thúc; thống kê dư nợ cho vay chăn nuôi lợn, dư nợ bị thiệt hại để chủ động có biện pháp xử lý, tháo gỡ cho người chăn nuôi. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ người dân trong quá trình xử lý các đề nghị tháo gỡ khó khăn đối với vốn vay theo quy định.Theo số liệu thống kê, đến hết ngày 26/8, dư nợ cho vay khu vực nông nghiệp nông thôn là của Chi nhánh là 1.160 tỉ đồng, trong đó, cho vay chăn nuôi lợn là hơn 75 tỉ đồng, dư nợ đối với khách hàng bị thiệt hại do DTLCP là gần 8 tỉ đồng.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng. Cụ thể như gia đình bà Phạm Thị Liên, khu 16, xã Tiên Kiên mất trắng hơn 300 con, số tiền 550 triệu đồng vay của ngân hàng chưa có nguồn để trả. Cũng tương tự như hộ bà Liên, gia đình bà Trần Thị Chữ, khu 9, xã Xuân Lũng cũng buồn phiền trăn trở: “Bão giá vừa qua, dịch bệnh lại đến. Gia đình tôi đã thực hiện nhiều biện pháp nhưng vẫn không thoát khỏi “cơn bão dịch bệnh”, hơn 400 triệu vay ngân hàng để xây chuồng trại và chăn nuôi, giờ chuồng trại đành bỏ trống. Nguồn vốn để làm lại là khoản mà tôi lo lắng nhất”.Trước những khó khăn, trăn trở của khách hàng, căn cứ vào tình hình thiệt hại thực tế, cán bộ tín dụng phụ trách đã đề xuất giải pháp để hỗ trợ các hộ theo hướng an toàn và hiệu quả nhất. Được biết, Chi nhánh đã áp dụng biện pháp giảm lãi suất 2,5%/năm đối với khách hàng, đồng thời tiếp tục cho vay lãi suất ưu đãi nếu khách hàng có nhu cầu tái đàn.Ông Nguyễn Quang Trung – Giám đốc Ngân hàng Agribank Chi nhánh huyện Lâm Thao khẳng định: Với quan điểm chia sẻ, đồng hành cùng hộ chăn nuôi lợn, trên cơ sở văn bản chỉ đạo của cấp trên, Chi nhánh đã xây dựng phương án điều chỉnh cơ cấu vốn vay phù hợp nhằm hướng đến sự an toàn. Đối với khách hàng bị thiệt hại do bệnh DTLCP, nếu có nhu cầu và đủ điều kiện theo quy định sẽ tiến hành cơ cấu lại nợ, hoãn, giãn tiến độ trả nợ vay; với khách hàng có nhu cầu vay tái đầu tư chăn nuôi khi hết dịch và các trường hợp bị thiệt hại do DTLCP nhưng chưa có quan hệ tín dụng với ngân hàng sẽ được tạo điều kiện thuận lợi nhất để tiếp cận các khoản tín dụng ưu đãi cũng như việc thực hiện về quy trình, thủ tục, hồ sơ vay vốn. Từ đó, giúp các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn có điều kiện để tiếp tục yên tâm sản xuất, phục hồi kinh tế.Trên thực tế, trong bối cảnh DTLCP vẫn đang diễn biến phức tạp cùng với những thăng trầm của ngành chăn nuôi lợn những năm gần đây, nguồn vốn hỗ trợ hộ chăn nuôi không chỉ là “phao cứu sinh” mà còn thể hiện vai trò, trách nhiệm của ngành Ngân hàng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

Nguyễn Văn Phúc

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/201908/dong-hanh-go-khoa-cho-nguoi-chan-nuoi-lon-166475