Đối thoại giữa taxi truyền thống và Uber, Grab: Tại anh, tại ả...

Ngày 28.6, trước sức nóng của cuộc đối đầu giữa taxi truyền thống và Uber, Grab, Bộ GTVT đã tổ chức một cuộc đối thoại nhiều bên để các bên cùng 'xả'. Thông qua đó, bức tranh tổng thể của ngành vận tải taxi nổi lên không ít vấn đề cần xem lại.

Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM Tạ Long Hỷ phát biểu ý kiến tại cuộc đối thoại.Ảnh: K.H

Taxi truyền thống đòi thông thoáng như Uber

Mở đầu cuộc đối thoại, ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội - “tố” Uber, Grab sử dụng tiền để mua khách hàng, đưa các chương trình khuyến mại vi phạm quy định pháp luật và khẳng định chương trình thí điểm của Bộ GTVT bộc lộ nhiều vấn đề. Theo ông Bình, DN taxi truyền thống đang “đeo 13 vòng kim cô trên cổ” và đề nghị cơ quan chức năng bỏ rào cản, xóa những quy định nào không hợp lý.

Tiếp nối với giọng điệu gay gắt hơn, ông Nguyễn Tiến Long - Thư ký Hiệp hội taxi HN - khẳng định đề án thí điểm Grabcar vi phạm nghiêm trọng quy định mà vẫn được phê duyệt và lỗi thuộc về Bộ GTVT khi buông lỏng quản lý khiến số lượng xe thí điểm tăng quá nhanh không kiểm soát được. Theo ông này, tổng số xe thí điểm theo thống kê của Bộ GTVT đến ngày 23.5.2017 là 13.534 xe trong khi theo số liệu của Sở GTVT TPHCM tính tới ngày 24.5, số xe thí điểm tại địa bàn này đã là 21.555 xe. Còn tại Hà Nội thống kê sơ bộ là hơn 7.000 xe, nhưng số xe thực tế Sở GTVT cũng không nắm được.

Đại diện Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng cơ quan chức năng không quản được số lượng thì quản lý chất lượng, quản lý thuế bằng cách nào và nhận định với tổng số 40.000 xe Uber, Grab với doanh thu 30 triệu/tháng, số thuế phải nộp là 54 tỉ đồng. Sau khi tố đối thủ, đại diện Hiệp hội “đề nghị Bộ GTVT dũng cảm nhìn vào sai sót dừng ngay cấp phép, dừng thí điểm” và cho rằng DN taxi truyền thống đang thua đối thủ ở phần chính sách.

Có giọng điệu nhẹ nhàng hơn, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM Tạ Long Hỷ cho rằng đang có sự bất bình đẳng trong cạnh tranh khi một bên bị trói với 13 quy định còn một bên thông thoáng dù mục đích và phương tiện kinh doanh giống nhau. Cùng quan điểm ông Trương Đình Quý - Phó TGĐ Cty Vinasun - đề nghị taxi truyền thống không cần bảo hộ mà cần bình đẳng để cạnh tranh, “họ được quản lý thế nào xin cho chúng tôi được quản lý như thế”.

Uber, Grab kêu vô can còn Bộ ngành nói gì?

Trước các cáo buộc vi phạm quy định của pháp luật và bỏ qua các “lệnh cấm” của Bộ GTVT về dịch vụ đi chung xe, ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch Grab VN - khẳng định Cty này đã thành lập DN tại Việt Nam, đăng ký các chương trình khuyến mại trước khi triển khai. “Làm gì khi khuyến mại giá thấp hay để giá cao lúc cao điểm cũng bị phàn nàn, chúng tôi phải có giá thế nào để làm hài lòng đây?” - ông Tuấn Anh đặt câu hỏi và cho rằng không sai khi áp biểu giá linh động mang lại lợi ích cho cả người tiêu dùng lẫn lái xe. Ông này cũng khẳng định đã đóng đầy đủ bảo hiểm hành khách, báo cáo tổng số lượng xe chi tiết cho các sở và khẳng định các con số mà DN taxi truyền thống đưa ra là không chính xác vì nhiều lái xe tham gia rồi bỏ nên con số thực thấp hơn con số công bố và khẳng định việc quản lý là của cơ quan chức năng. Đại diện này cho rằng Uber, Grab đang bị quản lý rất chặt, đóng thuế đầy đủ, xe có chất lượng rất tốt và khách hàng có bất cứ vấn đề gì đều có thể phản ánh ngay sau chuyến đi để Cty xử lý. Ông này khẳng định thông cảm với các hãng taxi nhưng không hiểu các hãng taxi truyền thống đòi bình đẳng thế nào khi có 7 DN taxi truyền thống đang tham gia thí điểm với cùng một chính sách như Uber, Grab.

Còn đại diện Uber Việt Nam lại nhận định Uber không phải DN vận tải, không sở hữu phương tiện vận tải nào và đang tuân thủ đúng quy định, làm việc chặt chẽ với cơ quan chức năng. Đại diện này cũng khẳng định đã nộp thuế theo đúng các công văn hướng dẫn của Tổng cục thuế.

Đánh giá về tình hình nộp thuế của các DN vận tải nói chung và Uber, Grab nói riêng, bà Nguyễn Thị Hạnh - Vụ trưởng Vụ Thuế TNCN, Tổng cục thuế - khẳng định chính sách thuế đang bình đẳng đối với các đối tượng kinh doanh vận tải khi có cùng loại thuế, thuế suất và chỉ khác phương pháp hạch toán. Bà Hạnh cho rằng không có sự phân biệt về chính sách. Trong thời gian qua, các DN tham gia thí điểm trong đó có Uber, Grab đã thay mặt các lái xe khai và nộp thuế đúng quy định khiến việc thu thuế, cải cách thủ tục hành chính tốt hơn. Liên quan tới các con số Hiệp hội taxi Hà Nội đưa ra, đại diện ngành thuế cho biết sẽ tiến hành kiểm tra lại việc tự khai, tự nộp và quản lý xem có thất thu thuế hay không đồng thời phối hợp với Bộ GTVT để rà soát lại. Liên quan tới việc nộp thuế của DN taxi truyền thống, bà Hạnh cho biết quá nửa số DN này báo lỗ nên không nộp thuế TNDN.

Sau hơn 3 giờ tranh luận, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường kết luận, khẳng định khi Uber Grab vào Việt Nam đã có những đảo lộn với taxi truyền thống và hiện cơ quan nhà nước đang từng bước làm hài hòa các bên, đảm bảo xu thế phát triển và duy trì hoạt động truyền thống. Ông Trường khẳng định đây là bài toán rất khó không phải nói nay mai làm được mà phải có thời gian, có đánh giá mới có giải pháp. Ông Trường cho rằng sẽ làm rõ hơn loại hình vận tải Grab, Uber, Grab và khẳng định đây là mô hình hiện tại và sẽ tồn tại. Theo kế hoạch tới cuối năm 2017 sẽ kết thúc chương trình thí điểm và Bộ sẽ tổng kết đưa ra mô hình quản lý thích hợp. Trước ý kiến về trách nhiệm của Bộ, ông Trường cho rằng Bộ đã ủy quyền cho các Sở GTVT việc quản lý số lượng, chất lượng nên các sở phải “làm cho đúng bộ không làm thay việc này. Tôi ủy quyền rồi anh xin cái gì, cấp hay không là quyền của thành phố” và bộ không can thiệp vào việc cụ thể đó.

Liên quan tới các vi phạm được cho là của Uber, Grab, lãnh đạo Bộ khẳng định sẽ làm việc với các đơn vị này và xử lý nghiêm minh. Liên quan tới 13 điều kiện của taxi truyền thống bộ sẽ xem xét lại, có cần gỡ bỏ các điều kiện đó không và đề nghị các DN taxi kiến nghị cụ thể sửa đổi thế nào cho hợp lý đồng thời đề nghị các hãng taxi truyền thống cần đổi mới chất lượng, tăng khuyến mại để cạnh tranh.

Ông Đặng Quang Vinh - Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho: DN taxi truyền thống phản ứng vì bị quản lý quá mức cần thiết nhưng cũng nên khuyến khích ứng dụng thông tin và không nên hạn chế số lượng xe vì sẽ tạo ra cạnh tranh bất bình đẳng, hạn chế lựa chọn của người tiêu dùng mà nên quản lý thông minh để tăng thu.

Trong công văn số 6781/BGTVT-VT ký ngày 22.6, Bộ GTVT yêu cầu Uber và Grab không áp dụng dịch vụ đi chung xe đối với xe hợp đồng do dịch vụ đi chung xe không phù hợp với quy định hiện hành. Theo Bộ GTVT, với mỗi chuyến xe hợp đồng, hành khách (hoặc nhóm) đã ký giao kết trọn gói cả chuyến xe, không phải là thuê chỗ ngồi nên việc đơn vị vận tải có thêm hợp đồng với nhiều người khác sẽ gây bất tiện cho hành khách và với mỗi chuyến xe, đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký một hợp đồng vận chuyển khách.

KHÁNH HÒA

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/doi-thoai-giua-taxi-truyen-thong-va-uber-grab-tai-anh-tai-a-677847.bld