Đổi mới tư duy phát triển giáo dục đại học

Hiệp hội Các trường đại học và cao đẳng Việt Nam và Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông vừa tổ chức tọa đàm khoa học Đổi mới tư duy phát triển giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cho rằng, sau 6 năm thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục - đào tạo, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn thiếu những điều cốt lõi để làm cuộc đột phá, cải cách toàn diện cho nền giáo dục, nhất là GDĐH. Luật Giáo dục sửa đổi vừa có hiệu lực, nhưng cái gốc, cái nền của sự đột phá đổi mới là từ đâu? Báo Phú Yên lược ghi một số ý kiến tâm đắc về vấn đề này.

GS-TS TRẦN HỒNG QUÂN, NGUYÊN BỘ TRƯỞNG GD-ĐT, CHỦ TỊCH HIỆP HỘI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC VÀ CAO ĐẲNG VIỆT NAM: Đổi mới trên cơ sở vẫn giữ được những nét đặc thù

Nhiệm vụ chính của GDĐH là cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho xã hội. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, GDĐH có vai trò chủ đạo trong toàn bộ hệ thống giáo dục của một quốc gia.

Phải thừa nhận rằng GDĐH Việt Nam trong suốt thời gian qua đã có bước tiến lớn, song vẫn chưa tương xứng với sự phát triển của nền kinh tế. Trong các hội nghị, hội thảo về giáo dục - đào tạo, trên diễn đàn Quốc hội…, vấn đề đổi mới hệ thống giáo dục, đặc biệt là đổi mới GDĐH luôn được đề cập đến.

Vấn đề này đã thu hút được sự quan tâm không chỉ của các giảng viên, những chuyên gia, những nhà quản lý giáo dục trong ngành, mà còn thu hút được sự quan tâm của các nhà lãnh đạo, các học giả trong và ngoài nước cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, các nhóm xã hội khác nhau.

Cùng với quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, GDĐH Việt Nam cần được đổi mới trên cơ sở vẫn giữ được những nét đặc thù của GDĐH trong nước, đồng thời tiệm cận được các chuẩn chung của thế giới. Nếu tư duy không đúng, không mạch lạc, không hệ thống thì việc đổi mới giáo dục sẽ chắp vá, đi sai đường và tất nhiên sẽ không thành công.

GS-TS TRÌNH QUANG PHÚ, VIỆN TRƯỞNG VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN PHƯƠNG ĐÔNG: Đổi mới tư duy để phát triển

Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực, nhưng cái gốc, cái nền của sự đột phá mới là từ đâu? Có người nói đó là tự chủ, còn tôi cho rằng tự chủ là chìa khóa nhưng vẫn chưa toàn diện. 14 năm trước, Nghị quyết 14/2005 của Chính phủ đã rất quyết liệt về đổi mới GDĐH giai đoạn 2016-2020.

Trong đó nêu rõ “Chuyển các cơ sở GDĐH công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, có pháp nhân đầy đủ, có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về đào tạo, nghiên cứu, tổ chức, nhân sự và tài chính”. Nghị quyết cũng xác định “Xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản”.

Vậy nhưng năm 2016 - tức 11 năm sau, Nghị quyết 89 của Chính phủ lại khẳng định “Giảm mạnh sự can thiệp hành chính của các cơ quan chủ quản đối với hoạt động các trường đại học, tiến tới xóa bỏ cơ chế chủ quản”.

Vì vậy, để đột phá chiến lược cho cuộc cách mạng này phải tính từ tư duy. Trong đó, tập trung đổi mới các tư duy về quản lý nhà nước với GDĐH; hệ thống và mô hình tổ chức đào tạo đại học; tự chủ đại học; quốc tế hóa đại học ở Việt Nam và đổi mới tư duy về người thầy trong GDĐH. Tập trung nghiên cứu sâu các nội dung này để có đóng góp thiết thực hơn với Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về việc đột phá để đổi mới tư duy phát triển GDĐH Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.

PGS-TS ĐỖ VĂN DŨNG, HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM KỸ THUẬT TP HỒ CHÍ MINH: Phát triển giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu công việc

GDĐH có thể coi là chìa khóa then chốt cho sự phát triển. Tuy nhiên nếu người tốt nghiệp đại học mà không có việc làm, không đáp ứng được yêu cầu xã hội thì đúng là một sự lãng phí lớn. Vậy nên phát triển GDĐH phải đi liền với đáp ứng yêu cầu công việc, sinh viên sau khi tốt nghiệp phải có việc làm.

Sở dĩ Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh được nhiều sinh viên chọn học là vì chúng tôi có sự kết hợp hài hòa giữa lý thuyết, kỹ năng và thái độ với chương trình đào tạo được thiết kế theo tiếp cận CDIO (hình thành ý tưởng, thiết kế, triển khai thực hiện và vận hành).

Mô hình Phòng thí nghiệm mở Open Lab (mở cửa 24/24 để sinh viên có thể hiện thực hóa giấc mơ sáng tạo bất kỳ lúc nào), Phòng thí nghiệm sáng tạo (Innovation Lab), Không gian kỹ thuật (Technical Space) và Khoa Sáng tạo và khởi nghiệp (SIE - School of Innovation and Entrepreneurship), các cuộc thi robot…, là nơi rèn kỹ năng nghiên cứu cho nhiều sinh viên. Trường còn đi đầu trong việc đổi mới phương pháp dạy, học và đánh giá, áp dụng blended learning với Phòng dạy số do HEEAP và Intel tài trợ.

Nhờ được trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và tham gia các sân chơi trí tuệ, sáng tạo… nên tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao (sau 6 tháng tốt nghiệp, sinh viên có việc làm trên 95%). Đặc biệt, trường là một trong 10 trường đại học đầu tiên của Việt Nam được kiểm định chất lượng đào tạo.

TS LÊ VIẾT KHUYẾN, TRƯỞNG BAN HỖ TRỢ CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC (HIỆP HỘI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC VÀ CAO ĐẲNG VIỆT NAM): Đổi mới cơ chế quản trị

Cùng với xu hướng gia tăng quyền tự chủ của các trường đại học, cơ chế Hội đồng trường được sử dụng rất phổ biến trong quản trị GDĐH ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên ở Việt Nam, cơ chế này mới được đưa vào áp dụng từ một vài năm gần đây.

Thoạt đầu, khái niệm Hội đồng trường được đưa ra trong Điều lệ trường đại học ban hành kèm theo Quyết định 153/QĐ-TTg ngày 30/7/2003 của Thủ tướng Chính phủ. Tại Điều 30 của điều lệ này khẳng định “Hội đồng trường là cơ quan quản trị của trường đại học; quyết nghị các chủ trương lớn để thực hiện quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của trường đại học…”.

Hay trong đề án Đổi mới GDĐH Việt Nam giai đoạn 2006-2020 cũng nêu: “Trên cơ sở hình thành Hội đồng trường đại diện cho cộng đồng xã hội, các cơ sở GDĐH hoạt động tự chủ và nâng cao trách nhiệm xã hội, tiến tới xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản”. Tuy nhiên, ở Việt Nam dường như cơ chế Hội đồng trường chưa được các trường đại học thực sự ủng hộ, bởi vì cho tới nay trong tổng số trên 120 trường đại học công lập mới chỉ có 1/3 tổng số trường có Hội đồng trường.

Và ngay tại những trường này, Hội đồng trường hoạt động rất mờ nhạt và hầu như chưa thể hiện được vai trò của một tổ chức theo quy định. Do vậy rất cần làm sáng tỏ nguyên nhân vì sao một chủ trương quan trọng và đúng đắn như vậy lại không thực sự đi vào cuộc sống của các trường đại học.

TS LÊ VĂN ÚT, TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÔN ĐỨC THẮNG: Tận dụng triệt để sự thông thoáng từ quyền tự chủ

Tự chủ đại học hiện là một vấn đề nóng ở Việt Nam. Trong thời gian dài, các trường đại học công lập được Nhà nước bao cấp gần như toàn bộ. Chính điều này đã tạo nên gánh nặng cho ngân sách của đất nước nhưng hiệu quả của các trường đại học công lập chưa như mong đợi. Hiện cả nước có hơn 20 trường đại học được cho là tự chủ nhưng chủ yếu lại là tự chủ về tài chính. Như vậy, rõ ràng khái niệm về tự chủ đại học có khoảng cách lớn giữa lý thuyết và thực tiễn.

Là một trong những trường thực hiện tự chủ, trong thời gian qua, Trường đại học Tôn Đức Thắng đã thực hiện gần như toàn bộ các quyền tự chủ mà Chính phủ đã cho phép, gồm các lĩnh vực như: Đào tạo và nghiên cứu khoa học; tổ chức bộ máy, nhân sự; tài chính; chính sách học bổng, học phí; đầu tư, mua sắm; giám sát.

Nhờ biết tận dụng triệt để sự thông thoáng từ quyền tự chủ, nhà trường đã đạt được những thành tựu vượt bậc, đã trở thành một thương hiệu chẳng những trong nước mà còn được nhận biết rộng rãi trong khu vực và trên thế giới.

Để có được thành công này, phải nói rằng vai trò của Hiệu trưởng nhà trường rất quan trọng. Hiệu trưởng phải biết nhìn xa, trông rộng, am hiểu về các mô hình đại học hiện đại trên thế gới, là một CEO đích thực; biết hoạch định chính sách phát triển trung và dài hạn, đồng thời tạo mọi điều kiện thực hiện và giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện; dám làm và dám chịu trách nhiệm…

Để đổi mới GDĐH phải đổi mới từ tư duy. Trong đó, tập trung đổi mới các tư duy về quản lý nhà nước với GDĐH; hệ thống và mô hình tổ chức đào tạo đại học; tự chủ đại học; quốc tế hóa đại học ở Việt Nam và đổi mới tư duy về người thầy trong GDĐH.

THÚY HẰNG (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/224986/doi-moi-tu-duy-phat-trien-giao-duc-dai-hoc.html