Độc lập - Hội nhập - Hùng cường

TS. Nhị Lê - nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

BPO - Lịch sử phát triển của nhân loại xác tín, không thể có một nền độc lập chân chính nếu quốc gia dân tộc không có quyền tự quyết, đất nước không thể có chủ quyền thực sự càng không thể tự cường và phát triển, nếu không thống nhất toàn vẹn, nhân dân không thể có tự do nếu dân tộc bị lệ thuộc vào dân tộc khác hoặc đất nước bị hay tự cùm trói mình trong vòng tay của quốc gia khác, dù dưới hình thức này hay mức độ kia. Nền độc lập hoàn toàn, thật sự ấy, phải là quyền tự nhiên, vô cùng quý giá, thiêng liêng và bất khả xâm phạm của các quốc gia dân tộc. Nó là nền tảng để quốc gia tự cường và phát triển, nhịp bước cùng nhân loại.

Đó là tất yếu! Và, đó cũng là khát vọng cháy bỏng và tiếng gọi thiêng liêng của thời đại đối với tất cả các quốc gia dân tộc trên thế giới hiện nay.

Việt Nam không nằm ngoài quy luật tất yếu và nhu cầu phát triển tự nhiên ấy!

***

Xem trong trường kỳ lịch sử Việt Nam, đó càng là điều căn bản và thiêng liêng nhất. Chẳng thế, chỉ trong hơn 2.000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước đã qua mà dân tộc kết liễu 13 cuộc chiến tranh lớn xâm lược, đánh bại mọi thứ kẻ thù cướp nước dù đến từ phương Bắc hay phía Tây và phương Đông, lấy máu mà giành lại và giữ gìn nền độc lập vô giá của dân tộc. Vì, độc lập là con đường sống của chúng ta!

Và, càng ở vào những khúc quanh mất còn của lịch sử, tư tưởng và hành động của dân tộc càng độc lập sẽ càng tự do tìm thấy lối ra cho đất nước và phát triển thịnh vượng. Chẳng thế, chỉ trong hơn 2.000 năm qua, chúng ta đã 5 lần mất nước và gần 1.000 năm qua, Việt Nam có tới 3 bản tuyên ngôn độc lập: Thế kỷ XI với “Nam quốc sơn hà”, thế kỷ XV với “Bình Ngô đại cáo” và thế kỷ XX với Tuyên ngôn độc lập! Độc lập dân tộc càng là khát vọng cháy bỏng và thiêng liêng muôn đời và muôn người Việt Nam. Trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới, rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Với tiềm năng, lợi thế riêng có, môi trường đầu tư thông thoáng và chính sách ưu đãi hấp dẫn, Bình Phước đang là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong ảnh: Khu công nghiệp Chơn Thành nhìn từ trên cao - Ảnh: Phú Quý

Chính vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Cái mà tôi cần nhất trên đời này là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập. Vì, đất nước này đã 5 lần bị mất vào tay ngoại bang. Người khẳng khái: Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho kỳ được độc lập dân tộc. Cả dân tộc cùng Người nguyện thề: Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Và, trước sau như một: Toàn dân Việt Nam chỉ có một lòng, quyết không làm nô lệ; chỉ có một chí, quyết không chịu mất nước; chỉ có một mục đích: kháng chiến để tranh thủ thống nhất và độc lập cho Tổ quốc.

Đó là hiện thân và sự phát triển vẻ vang của tinh thần độc lập, tự do, lẽ sinh tồn thống nhất quốc gia và bảo toàn danh dự của dân tộc trải mấy ngàn năm của tổ tiên ta, không gì và không lực lượng nào có thể làm vấy bẩn, đe dọa và khuất phục nổi!

Vì, chỉ giải phóng hoàn toàn dân tộc, khi toàn thể cộng đồng người dân sống trên toàn cõi nước Việt Nam được giải phóng và sự đảm bảo của một dân tộc được giải phóng khi Tổ quốc được thống nhất, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói. Đây không chỉ là nhu cầu của sự tồn tại dân tộc, nhu cầu tình cảm dân tộc mà còn trở thành động lực cách mạng, nên sức mạnh tổng hợp đảm bảo cho công cuộc bảo vệ nền độc lập, chủ quyền đất nước và sự thống nhất toàn vẹn của Tổ quốc và “đó là con đường sống của nhân dân Việt Nam”. Đó cũng chính là chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Vì, bằng cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, chúng ta đã hy sinh, đã giành được độc lập, dân chỉ thấy giá trị của độc lập khi ăn đủ no, mặc đủ ấm, như Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn. Đây chính là thước đo phát triển của nền độc lập dân tộc thấm đẫm tinh thần tự quyết, phát triển, tiến bộ, tính nhân văn cao cả, tính triệt để cách mạng về quyền con người bất khả xâm phạm gắn liền với quyền độc lập thiêng liêng và tự quyết dân tộc vô giá, để đất nước vươn tới hùng cường cùng nhân loại xây dựng thế giới hòa bình, dân chủ và tiến bộ.

Đây không chỉ là lý tưởng mà còn là lẽ sống của dân tộc ta, đồng thời, còn là mục tiêu và nguồn cổ vũ đối với các dân tộc bị áp bức và bị nô dịch trên toàn thế giới. Đây chính là sự phát triển tới đỉnh cao giá trị thống nhất sức mạnh dân tộc Việt Nam hòa trong dòng chảy sức mạnh và sự phát triển của thời đại ngày nay.

***

Chúng ta đang sống trong một thế giới “phẳng” mà không phẳng khi xu thế hòa hoãn, hòa dịu trong các mối quan hệ quốc tế đang là chủ đạo, với một trật tự thế giới mới, đa cực, nhiều trung tâm. Các nước đều ra sức điều chỉnh chiến lược phát triển, lấy kinh tế làm trọng điểm. Nhưng đồng thời, ở nhiều khu vực vẫn đang xảy ra những vụ xung đột quân sự hoặc nội chiến giữa các phe phái.

Sự thay đổi trong quan hệ Bắc - Nam, trong đó vai trò của các nước vừa và nhỏ đã tăng lên đáng kinh ngạc. Độ lớn về địa lý, quy mô kinh tế và triển vọng phát triển là những nhân tố quyết định để khu vực châu Á - Thái Bình Dương vươn lên trở thành trung tâm địa - chính trị toàn cầu. Cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các nước lớn nhằm định hình lại trật tự thế giới diễn ra ngày càng phức tạp và căng thẳng dưới nhiều hình thức, nhất là cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay làm cho nguy cơ diễn biến trở thành cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới ngày càng khó đoán định.

Xu hướng cạnh tranh quyền lực giữa các cường quốc tại vị, đại diện là Mỹ và các cường quốc mới nổi, đại diện là Trung Quốc và Nga ngày càng thể hiện rõ nét, nhất là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Xu hướng dân túy diễn ra gần đây bắt nguồn sâu xa từ các hệ lụy tiêu cực của tiến trình toàn cầu hóa đã và đang tác động mạnh mẽ đến các nước phát triển khiến sự phân tầng trong xã hội ngày càng sâu sắc, bất bình đẳng xã hội tăng cao và nỗi lo lắng về đánh mất bản sắc văn hóa, dân tộc nổi lên ngày càng rõ ràng.

Những tiến bộ xã hội và dân chủ hóa cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm đa dạng hóa chủ thể (doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cá nhân) và hình thức tham gia xã hội (tham gia trực tuyến, mạng xã hội, công dân toàn cầu, cư dân mạng...), tạo nên sự chồng lấn, đan xen giữa thế giới thực và thế giới ảo... ngày càng đa dạng, phức tạp, thậm chí rối rắm đối với xã hội. Cách mạng khoa học - công nghệ cũng làm gia tăng tính bình đẳng và dân chủ trong các quan hệ giữa quản lý và đối tượng quản lý đang làm thay đổi phương thức giao tiếp quan trọng của tất cả các mối quan hệ trong xã hội và quan hệ quốc tế.

Đó vừa là thời cơ, vừa là thách thức từ bên ngoài đối với các dân tộc khi bước vào thập kỷ thứ ba của thế kỷ XXI. Việt Nam đang ở trong tình hình đó.

Ở trong nước, công cuộc phục hồi và tái thiết nền kinh tế tăng với tốc độ không như mong muốn, lại tiếp tục đối diện với di họa hậu Covid-19, sự tác động xấu của cuộc suy thoái kinh tế thế giới, nhất là sự phá sản tăng vọt của các doanh nghiệp lớn trên thế giới làm đứt gãy các chuỗi giá trị và nguy cơ khủng hoảng quay trở lại, kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008. Không kiến tạo và thực thi triết lý phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân văn, trung tâm là kinh tế đồng hành với xã hội, nhất định sẽ không có bất cứ một sự phát triển nào như mong muốn.

Mặt khác, chúng ta đối diện với nguy cơ cơn bão “già hóa” dân số đang thách thức lộ trình phát triển mang tầm chiến lược tới năm 2030: Đạt 100 triệu người vào ngày 1-4-2023. Dân số vàng kể từ năm 1993 đã dần đi qua, chỉ còn 16 năm còn lại. Nếu không tận dụng thời cơ dân số vàng, sẽ càng khó khăn khi đất nước bước vào ngưỡng cửa của sự già hóa dân số từ năm 2036. Hiện nay, tuổi thọ bình quân gần 74, người 65 tuổi chiếm 9% số dân, xếp thứ 3 về số người cao tuổi, trong khi mức thu nhập bình quân chỉ đứng thứ 6 của khu vực Đông Nam Á. Việt Nam là nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới và sẽ lâm vào cơn bão già hóa, trở thành nước có dân số già vào năm 2036, với đỉnh dân số đạt 107 triệu người vào năm 2051. Chúng ta phải tiên liệu và chuẩn bị lực lượng cơ bản về nguồn nhân lực tương xứng để đi xa!

Đồng thời, trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, trực tiếp và nóng bỏng là công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thật sự có ý nghĩa quyết định sự phát triển của đất nước, nhưng rất nan giải, đặt ra không ít thách thức. Tác động của phát triển kinh tế, nhất là ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự phân tầng xã hội, sự chuyển đổi của xã hội, nhất là sự thăng trầm của đạo đức diễn ra mạnh mẽ, phức tạp đã và đang làm đảo lộn hệ thống quyền lực, chỉnh đốn hệ thống chính trị ngày càng khó khăn và khó lường. Sự nổi lên và tác động của làn sóng dân túy đã, đang khiến cuộc chỉnh đốn về mặt chính trị và kinh tế nhằm ngăn chặn và dỡ bỏ lợi ích nhóm, tình trạng cát cứ thêm khó khăn…

Trong các mối quan hệ quốc tế, việc cảnh giới sự bành trướng của chủ nghĩa cường quyền, chủ nghĩa bảo hộ kết hợp với việc đề cao lợi ích quốc gia, dân tộc đã và đang tác động lớn đến các cơ chế hợp tác đa phương, thậm chí đe dọa vị thế độc lập của đất nước, thách thức tinh thần tự quyết của dân tộc là công việc không thể đứng hàng thứ hai. Sự cân bằng quyền lực trong các mối quan hệ quốc tế thực sự là những công việc cấp bách, không thể lảng tránh nhưng rất cơ bản và rất quan trọng đang thách thức chúng ta trong quá trình phát triển một cách độc lập và bình đẳng trong các mối quan hệ quốc tế.

Hơn bao giờ hết, hiện nay, tiếp tục lịch sử mấy ngàn năm, 78 năm qua, dưới ngọn cờ Hồ Chí Minh, nước Việt Nam đã và đang tiếp tục đi như thế một cách kiên định, độc lập, sáng tạo, vì độc lập - tự do - hạnh phúc cùng nhân loại!

Tư tưởng độc lập, tự do, thống nhất đất nước càng tỏa sáng tất cả vì con người, vì dân tộc; lấy con người làm mục tiêu của mọi sự phát triển, lấy lợi ích dân tộc làm tối cao… trở thành quy luật phát triển một cách nhân văn của chúng ta. Vì, độc lập, tự do, thống nhất là quy luật khẳng định địa vị, tư cách và sự phát triển một cách nhân văn và bền vững cũng là mục tiêu hướng tới của mọi quốc gia dân tộc, vì một thế giới hòa bình, thống nhất và thịnh vượng.

Từ trong lịch sử dân tộc mấy ngàn năm, nhất là gần 100 năm nay, càng cho chúng ta một bài học lớn về giá trị của độc lập không có nghĩa là tự cô lập mình, tự mình khép kín và bằng mọi giá kiên quyết bảo vệ nền độc lập đó, quyết không bị chi phối hay bị lệ thuộc từ bất cứ phía nào trên con đường phát triển đất nước thịnh vượng và nhân văn… Nghĩa là giữ vững quyền tự quyết dân tộc và dân tộc tự quyết phải là thước đo của nền độc lập.

Đó là nghệ thuật phát triển nền độc lập, tự do của Tổ quốc trong sự thống nhất nhưng đa dạng của thế giới, bảo đảm sự tự chủ và quyền tự quyết của Việt Nam trên con đường vươn tới hùng cường hòa nhịp trong dòng chảy của chỉnh thể thời đại ngày nay. Độc lập chính là nương theo ngọn gió thời đại và hội nhập một cách khôn khéo; là mang tinh thần rộng mở của thời đại để giữ vững nền độc lập của dân tộc, bảo vệ quyền tự quyết và tự do của Tổ quốc.

Chưa bao giờ như hiện nay, nếu trong nền độc lập đó, ở mỗi quốc gia dân tộc, dù ở châu Á tới châu Âu và trên khắp mặt địa cầu, mọi người, dù là ai, nếu nhân dân không được ấm no, tự do, hạnh phúc thì nền độc lập ấy chẳng có nghĩa gì. Đó là quy luật phát triển một cách bền vững đối với mọi quốc gia dân tộc, dù ở bất cứ phương trời nào!

Từ kinh nghiệm và bài học lịch sử của Việt Nam và thế giới, “đem sức ta mà giải phóng cho ta” từ Cách mạng tháng Tám năm 1945, “khi một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập” ngay sau khi giành lại độc lập năm 1945 càng thôi thúc chúng ta làm tốt trọng sự đó. Nghĩa là phải vun đắp lòng dân, đó là gốc bền rễ sâu của thể chế. Chỉ có như thế, chúng ta mới tự mình trở nên hùng mạnh. Đó là phương lược bảo vệ và phát triển nền độc lập, tự do của Tổ quốc từ sớm, từ xa và chăm lo hạnh phúc của nhân dân thật chu toàn và vững chãi. Đó là cái gốc để tự mình giữ yên giang sơn, bờ cõi.

Trong bối cảnh mới, để hóa giải nguy cơ mới và chớp lấy thời vận mới, đất nước phải càng mạnh bước và tự tin trên con đường đổi mới vì độc lập, dân tộc và chủ nghĩa xã hội, dân tộc phải càng chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì nền độc lập, tự do và phát triển mạnh mẽ và nhân văn. Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì độc lập dân tộc là phải xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, tự quyết, không phụ thuộc dưới bất cứ hình thức và mức độ nào vào quốc gia khác. Tiên lượng những “cú sốc” về kinh tế, về xã hội, về chính trị nhằm tránh những cuộc khủng hoảng cục bộ và khủng hoảng toàn diện.

Để xây dựng, phát triển và bảo vệ nền độc lập dân tộc ấy, hiện nay hơn bao giờ hết, càng đòi hỏi dân tộc độc lập trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao. Đó chính là chủ quyền quốc gia tự quyết. Và, càng hội nhập quốc tế càng đòi hỏi tư tưởng độc lập bất biến và hành động tự quyết như núi: Nước Việt Nam là của người Việt Nam, do dân tộc Việt Nam quyết định, nhân dân Việt Nam không chấp nhận bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài. “Mỗi một người dân phải hiểu: Có tự lập mới độc lập, có tự cường mới tự do”. Tất cả nhằm đảm bảo tư cách của đất nước, cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân; giữ vững lãnh thổ và chủ quyền biển, đảo của quốc gia; chống lại các thế lực thù địch, phá tan các âm mưu chia rẽ của chúng và chủ động hội nhập mạnh mẽ, hiệu quả và nhân văn trong hoàn cầu…

Việt Nam kiên định chính sách đối ngoại nhằm mục đích hòa bình, bảo vệ nền độc lập và thống nhất của Tổ quốc từ sớm, từ xa; đồng thời, chủ động và tích cực cùng cộng đồng quốc tế nỗ lực ngăn ngừa mọi xung đột khu vực và toàn cầu, chủ động góp phần giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Nói cách khác, kiên định, nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, Việt Nam mới có thể hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình vì một thế giới văn minh và tiến bộ. Với tinh thần “Dĩ bất biến ứng vạn biến”; “Không tách rời sợi dây liên hệ với thế giới và không gây thù oán với một ai!”, nắm lấy khát vọng hòa mục, bình đẳng và khoan dung, tiếp tục xử lý khéo léo và kiên định các mối quan hệ nổi bật: giữa độc lập dân tộc mình với tôn trọng và đấu tranh cho độc lập của các dân tộc khác; giữa độc lập dân tộc và hòa bình thế giới; giữa chủ nghĩa yêu nước luôn thống nhất với chủ nghĩa quốc tế trong sáng…

Đó là tương lai phát triển tất yếu của Việt Nam trong thời đại ngày nay.

***

Tiếp tục sự nghiệp 78 năm xây dựng và phát triển đất nước độc lập, nhân dân tự do và hạnh phúc, dưới ngọn cờ của Đảng, công cuộc đổi mới xã hội chủ nghĩa hơn 37 năm đã và đang đi đúng hướng trong tầm nhìn và lộ trình tới năm 2045, tuy không nhanh như chúng ta mong đợi.

Năm 2023 là thời cơ vàng để vượt lên với khát vọng hùng cường, trong tầm nhìn 2045. Nghĩa là chỉ còn 22 năm nữa. Hoặc là bây giờ hoặc khó có thể bao giờ. Với tư duy độc lập, chúng ta càng phải nắm lấy, hành động kiên định và sáng tạo. Và, với bản lĩnh và khí phách Cách mạng tháng Tám năm 1945, với ý chí độc lập, tự quyết và hội nhập, bằng tấm lòng nhân văn, đoàn kết, hòa mục bốn phương, nhất định Việt Nam tới bờ phồn vinh, cập bến hùng cường.

Đó là danh dự Việt Nam.

24-8-2023

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/148048/doc-lap-hoi-nhap-hung-cuong