Độc đáo lối hát đối của người Dao dưới chân núi Yên Tử

Người Dao Thanh Y xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã sinh sống ở vùng đất dưới chân núi Yên Tử hàng trăm năm qua. Bên cạnh những nét đặc sắc văn hóa rất phong phú như: Lễ cấp sắc, lễ mừng cơm mới, lễ mừng tân gia…, người Dao Thanh Y nơi đây còn bảo lưu nhiều nét đẹp, trong đó có lối hát đối đáp đầy tình tứ.

Nghệ nhân Triệu Thị Xinh (thứ 3 từ trái sang) truyền dạy hát đối đáp cho thế hệ trẻ trong làng. Ảnh: Long Vũ

Người dân tộc Dao Thanh Y xã Thượng Yên Công sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nương và lúa nước với kỹ thuật canh tác khá tiến bộ. Họ vừa làm nương, vừa trồng cây ăn quả. Xưa kia, họ chuyên du canh, du cư. Ngày nay, người dân tộc Dao đã bỏ phong tục đó, xây dựng cuộc sống mới định canh, định cư; vừa phát triển nương rẫy, vừa bảo vệ và khai thác rừng hợp lý. Khác với nhiều dân tộc, họ không tổ chức nghi lễ đón Tết Nguyên đán, mà họ đón chào năm mới bằng hai lễ hội rất quan trọng là: Lễ cúng tất niên (được tổ chức từ mùng 10 đến cuối tháng 12 âm lịch) và Hội làng (ngày 9-1 âm lịch).

Những làn điệu hát đối, hát giao duyên đã xuất hiện từ xa xưa trong lịch sử. Ngày nay, các làn điệu này được dân tộc Dao Thanh Y duy trì trong các sự kiện, lễ hội truyền thống như lễ cưới, các ngày hội làng, lễ mừng cơm mới, ngày chợ phiên... dần dần trở thành nét văn hóa đặc sắc gắn bó trong đời sống của đồng bào dân tộc nơi đây.

Trong đó, thơ ca dân gian với đề tài phong phú, xuyên suốt là mạch nguồn xúc cảm tuôn chảy về tình yêu quê hương, làng bản với cách cảm, cách nghĩ, cách nói của người miền núi, lối tư duy theo mạch thẳng, dễ hiểu và thân thuộc, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, tạo nên bức tranh đậm đà bản sắc dân tộc riêng biệt cho vùng đất thiêng Yên Tử. Hát đối giao duyên, điệu hát mà người Dao gọi là “Sáng cố” (có nơi gọi Sán cố) là tục hát ứng đối giữa nam và nữ có truyền thống từ rất lâu đời.

Tuy khác nhau về giai điệu và nhịp phách, nhưng cách hát của các nhóm Dao đều có điểm chung, đó là chia thành ba loại hình: Páo dung sinh hoạt (hát giao duyên, hát ru, hát đồng dao, hát răn dạy); Páo dung lễ nghi, tín ngưỡng – phong tục (hát trong đám cưới, hát trong lễ cấp sắc, hát trong đám tang, vào nhà mới...); Páo dung lao động sản xuất, nội dung đề cao tinh thần lao động sáng tạo.

Lời ca gồm có 7 chữ, thường được gọi là “Thất ngôn trường thiên”, cũng có khi xen câu tứ ngôn, ngũ ngôn, thể hiện được sự giàu đẹp, hấp dẫn của ngôn ngữ Dao. Giá trị văn hóa của hát đối giao duyên chính là định hướng giáo dục con người hiểu biết cội nguồn dân tộc, quê hương, gìn giữ và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Hát giao duyên là tục hát ứng đối giữa nam và nữ.

Được biết, trước kia, do quan niệm “nam nữ thụ thụ bất thân”, trai gái chưa kết hôn không được tự do tìm hiểu nhau như bây giờ, thì hát giao duyên là cách duy nhất để các đôi trai gái tìm hiểu nhau. Bên ánh lửa bập bùng, thông qua câu hát, những chàng trai và cô gái tìm hiểu thông tin về xuất thân, sở thích hay quan niệm sống của nhau, trao tình yêu cho nhau, cũng có khi là nói trêu đùa nhau.

Lời ca trong những bài hát giao duyên của người Dao thường mang ý nghĩa sâu xa, tế nhị, thể hiện sự trong sáng, lương thiện của những chàng trai, cô gái. Chàng trai: Mặt trời đã chiếu ngang sườn núi/ Em ngồi ở đó, em đợi ai/ Anh đến rủ em cùng lên núi hái cây thuốc về cứu muôn dân. Cô gái: Em ngồi em đợi anh lên núi/ Hái lá thuốc về để cứu người/ Xóm làng mạnh khỏe vui cày cấy, dựng xây làng bản mãi yên vui.

Với giai điệu trầm, da diết, những lời ca ngọt ngào, sâu sắc, tiếng hát vang lên tha thiết, trong trẻo vui tươi, ấm áp hòa cùng hương sắc của đất trời sang xuân là bao tâm tình, nỗi niềm yêu thương của người lao động với quê hương, đất nước. Vào những dịp đầu xuân, người Dao hát giao duyên để cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cầu cho mọi người, mọi nhà được bình an, ấm no, hạnh phúc, quê hương tươi đẹp. V

ào những đêm hội làng, những lời ca, điệu hát đã ăn sâu vào trong tiềm thức của mỗi người dân, trở thành nét văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc ngân vang giữa bản làng. Trong đó, tình yêu lứa đôi luôn là nguồn cảm xúc thể hiện tình cảm trong sáng, lành mạnh, lời tỏ tình ý nhị của trai gái trao nhau. Chàng trai nắm tay cô gái và hát: “Vàn goạng hù rành tòng dét ây/ Ky tinh tỉn nìn pết dăm bê/ Goạng ngon xìu tàu răn dét thím/ Năng chậy mậu dồn cung xảng ây” (Hai bên tình hòa hợp một ý/ Ước định ngàn năm chẳng lừa nhau/ Nếu là duyên do trời ban định/ Hai bên đầu cầu thuận một lòng).

Các cung bậc tình cảm diễn ra nhẹ nhàng, đa dạng, song điều làm cho người nghe thấy day dứt nhất chính là lời trai gái chia tay: Quay chân lui bước nước mắt rơi/ Chẳng biết khi nào mới gặp gỡ/ Gặp gỡ một lần nhớ vạn lần/ Mong khi hội ngộ vẫn duyên này/ Nhàn rỗi một mình lòng chẳng vui/ Ra vào thường thường được thấy nhau/ Ước gì hóa thân thành lá dong/ Cho nàng gói muối, ngọt bốn mùa.

Ông Nguyễn Năng Văn, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian thành phố Uông Bí cho biết, đa phần dân tộc Dao nơi đây đều hát đối đáp. Họ thường hát ở những nương ngô, hay thậm chí bên bếp lửa hoặc trong lễ hội nhà mới, dịp cưới... Để bảo tồn và phát huy giá trị làn điệu hát đối giao duyên đang đứng trước nguy cơ mai một, chúng tôi đã cùng các nghệ nhân và những người già còn biết hát loại hình hát đối này để sưu tầm, truyền dạy cho những thế hệ trẻ sau để khôi phục và phát triển văn hóa truyền thống của người Dao Thanh Y.

Các bài hát đối đáp của người Dao Thanh Y thường được chép bằng chữ Hán Nôm, chia thành nhiều phần, lời hát gần gũi với đời sống thường nhật của bà con. Hiện nay, ở thôn Khe Sú, xã Thượng Yên Công một số nghệ nhân và người già còn lưu giữ được các bài hát đối đáp này.

Bà Triệu Thị Xinh, ở thôn Khe Sú sinh ra và lớn lên trong một gia đình dân tộc người Dao Thanh Y. Từ nhỏ, bà đã được nghe những làn điệu hát đối đáp từ ông bà, người thân, chúng theo bà khi đi chăn trâu, làm rẫy, đi vào từng giấc ngủ, lớn lên chúng giúp bà gặp gỡ bạn bè, rồi xe duyên chồng vợ qua những câu hát ngọt ngào, giàu cảm xúc.

Vì thế, bà ý thức được làn điệu hát đối đáp là tài sản vô giá của dân tộc mình, nên đã dành nhiều thời gian và công sức để sưu tầm, lưu giữ, truyền lại cho đời sau. Hiện, bà đã sưu tầm và lưu giữ được 6 tập sách ghi chép với rất nhiều bài hát. Những tập sách đã sờn, nhưng vẫn còn nguyên vẹn nội dung. Đây là những tập sách được ghi chép từ những thế kỷ trước và nhiều tác giả khác gìn giữ. Mỗi buổi sinh hoạt, bà Xinh lại mang theo những cuốn ghi chép này để các thành viên xem lại, học lại các câu hát xưa.

Đối với mỗi thành viên trong Câu lạc bộ hát đối đáp thôn Khe Sú, buổi sinh hoạt không chỉ là dịp họ được gặp gỡ, chuyện trò, cùng nhau cất lên những làn điệu hát đối đáp da diết, mà đây còn là dịp để người dân Thanh Y cùng ôn lại phong tục đẹp của cha ông.

Long Vũ

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/doc-dao-loi-hat-doi-cua-nguoi-dao-duoi-chan-nui-yen-tu/