Độc đáo làn điệu dân ca Mông
Dân ca của dân tộc Mông là những bài hát do người dân tự sáng tác và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Đồng bào dân tộc Mông có một kho tàng dân ca vô cùng phong phú, góp phần quan trọng trong giáo dục, hình thành nhân cách con người và là một món ăn tinh thần luôn không bao giờ thiếu trong sinh hoạt hàng ngày. Chính những làn điệu dân ca đã làm cho cuộc sống của đồng bào phong phú, tươi đẹp.
Dân ca của dân tộc Mông là những bài hát do người dân tự sáng tác và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Dân ca Mông có nhiều loại, hiện nay còn lưu giữ được một số loại hình dân ca như: Hát trong sinh hoạt (hát ru, hát vui chơi của trẻ em); hát mang tính nghi lễ (hát lên nhà mới, hát trong đám cưới, hát giao duyên, hát than thân...).
Ngay từ lúc mới sinh ra, trẻ em người Mông đã được đắm mình trong cái nôi văn hóa cộng đồng với những làn điệu dân ca nói về cuộc sống, xây dựng bản làng. Mỗi dịp lễ, Tết, đám cưới, mừng nhà mới… đều có tiếng hát du dương hòa lẫn với điệu khèn, điệu múa của các bà, các mẹ, của cả bản làng.
Nét độc đáo của hát dân ca Mông là nội dung ca từ do người hát tự ứng tác để bộc lộ tâm trạng, thể hiện cảm xúc. Những câu hát không hoa mỹ, lời lẽ mộc mạc, giản dị nhưng mang đậm chất trữ tình, vừa sáng tạo, vừa thể hiện tình cảm ngọt ngào, sâu lắng.
Trong lời ca có mây, gió, núi, sông, cây cỏ, hoa trái bốn mùa... mượn thiên nhiên để nói về tình cảm giữa con người với con người. Những người lớn tuổi ở huyện Đồng Văn (Hà Giang) chia sẻ, họ được nghe hát và học hát từ khi còn rất nhỏ. Những người Mông thường dùng lời ca tiếng hát để xua tan đi những mệt mỏi trong công việc, để biểu lộ tình cảm, cảm xúc.
Hát đối là dạng hát phổ biến trong tất cả các xóm, bản của người Mông. Và cũng là thể loại chiếm số lượng bài hát nhiều nhất với hàng trăm bài. Hát đối đáp thường chỉ có các cô gái Mông chưa chồng và những chàng trai chưa vợ hát khi tỏ tình với nhau theo dạng hát đối. Khi người này đang hát, người kia phải tập trung nghe và suy ngẫm. Khi người này hát xong người kia lập tức nghĩ ra một bài đối lại theo nội dung của người kia đã hát… Cứ như vậy cho đến khi đôi trai gái chia tay nhau hẹn gặp lại vào dịp khác.
Nội dung bài hát đối nói về tình yêu đôi lứa, từ ngữ trong câu hát dùng lối ví von, mượn hình tượng chim chóc, muông thú, sông núi, mây trời… để bày tỏ, gửi gắm tâm tư tình cảm của mình đến với người mình yêu. Ví dụ, người nam hát: “Người ta có đôi có lứa, ăn cơm tối xong ngồi trò chuyện vui cười, anh không có đôi có lứa, ăn tối vừa buông đũa chỉ có cây sáo làm bạn thâu đêm….”.
Lúc này, nữ sẽ đáp: “Người ta có đôi có lứa, ăn cơm tối xong ngồi đùa nhảy múa, em không có đôi có lứa, ăn cơm tối xong phải làm bạn với trăng…”. Hoặc là những ca từ bày tỏ tình yêu thẳng thắn nhưng hết sức mãnh liệt của các chàng trai Mông như: “Cái bụng anh thương em nhiều như lá rừng, em không có lòng thì thôi, có lòng thì về ta ở với nhau một đêm. Em không có lòng thì thôi, có lòng thì về, ta ở với nhau một ngày”.
Hay khi tìm hiểu nhau cũng mượn lời hát để hỏi về dòng họ của nhau, nội dung thường là: “Tối nay tôi cùng em ngồi hát cho nhau nghe hay như vậy nhưng có khi biết đâu hai chúng mình biết đâu lại cùng dòng họ, cùng gia đình tổ tiên. Do vậy phải hỏi để biết, nếu không phải như vậy thì chúng mình sẽ có cơ hội đến làm bạn với nhau”…
Trong mỗi tình yêu thường kết thúc bằng một đám cưới. Tuy nhiên, người Mông đi đến hôn nhân và những làn điệu hát được diễn ra theo suốt hành trình nghi lễ cưới xin từ buổi đi hỏi dâu, vào nhà đến xin chỗ ngồi, xin giao lễ và xin đón dâu về.
Còn đối với hát tự tình, đây là loại hình không dành riêng cho thanh niên mà bất cứ ai cũng có thể hát được. Hát tự tình, không chỉ hát về tình yêu đôi lứa mà còn hát về cuộc đời, thân phận con người, hát về người chết và nhiều bài khác liên quan đến cuộc sống, lao động sản xuất. Hát tự tình có thể hát ở bất cứ nơi đâu, bất kể thời gian, không gian nào, có thể hát trong các dịp chợ phiên, những lúc làm nương, mừng nhà mới, mừng đám cưới hay vui chơi hội Xuân.
Ngoài ra còn có hát hỷ ca (hát quan lang) là một loạt các bài hát có liên quan đến đám cưới hỏi chỉ dành cho các quan lang; hát thán ca là một loạt các bài hát có liên quan đến tang ma. Người hát thường là thầy cúng chỉ đường linh hồn người chết về với tổ tiên, thầy khèn hát và thổi khèn trong mỗi lần thắp thêm hương, trong lễ hiến sinh hoặc trong lúc đốt vàng mã, lúc tiễn biệt linh hồn người chết về với tổ tiên… Những bài hát dân ca không chỉ thể hiện bằng lời, mà còn có thể giãi bày thông qua những nhạc cụ như sáo, khèn, kèn lá, đàn môi.
Ngày nay, dù cuộc sống có nhiều thay đổi, song làn điệu dân ca vẫn được người Mông gìn giữ từ đời này qua đời khác và trở thành cẩm nang răn dạy các thế hệ con cháu. Tại một số tỉnh có đồng bào dân tộc Mông sinh sống, các cấp lãnh đạo địa phương cũng đã có nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ trong công tác truyền dạy dân ca cho lớp trẻ.
Ví dụ như tại Hà Giang, theo ông Hùng Đại Kỳ, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh thì thời gian qua, tỉnh đã có nhiều biện pháp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, trong đó có gìn giữ nét độc đáo của dân ca Mông. Bên cạnh việc mở những lớp đào tạo dân ca, cách chế tạo nhạc cụ cho các học viên; mở các câu lạc bộ dân ca của các dân tộc, Hà Giang đã thực hiện chương trình đưa nội dung giáo dục địa phương vào trường học thông qua đề tài “Nghiên cứu, biên soạn và tích hợp nội dung giáo dục địa phương cho học sinh các trường tiểu học và THCS tỉnh Hà Giang”. Các thầy, cô giáo Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang đã phối hợp với một số trường học để đưa dân ca vào giờ học văn học địa phương…
Ẩn đằng sau mỗi câu hát của người Mông là biết bao niềm vui, nỗi buồn, với rất nhiều những sắc thái, cung bậc tình cảm khác nhau. Cứ thế, qua thời gian, dân ca trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào dân tộc Mông.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/doc-dao-lan-dieu-dan-ca-mong-552680.html