Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ: Tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do

Sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu tại Công ty CP Thành Phúc (Khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu). Ảnh: KHANG ANH

Chịu tác động của tình hình xung đột thế giới, nhiều ngành sản xuất xuất khẩu đối mặt với khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ vẫn giữ thế chủ động, hoạt động ổn định, đáp ứng yêu cầu của đối tác nước ngoài với những lợi thế từ yếu tố khách quan mang lại, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Đáp ứng các đơn hàng

Ông Lê Văn Hồ, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hào Hưng Phú Yên cho biết: Năm 2022, nhu cầu dăm gỗ, viên nén gỗ ở các nước châu Âu tăng cao và mức giá sản phẩm cũng tăng 20-30%. Do nhu cầu thị trường, công ty nỗ lực sản xuất, đáp ứng các đơn hàng của đối tác. Trong năm qua, sản phẩm dăm gỗ của công ty chủ yếu xuất sang Trung Quốc, Hàn Quốc đạt 18-20 triệu USD, tăng trưởng gấp đôi so với năm ngoái. Công ty cũng vừa làm việc với đối tác Nhật Bản và đầu tư thêm các công đoạn chế biến dăm gỗ, viên nén gỗ tại nhà máy. Dự kiến trong quý II/2023 sẽ xuất khẩu sang quốc gia này.

Sản xuất viên nén gỗ với quy mô nhỏ so với các doanh nghiệp khác và chỉ bán qua trung gian, nhưng Công ty TNHH Đông Nam Phú Yên (Khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu) cũng tận dụng được lợi thế, đẩy mạnh sản xuất, tạo thu nhập ổn định cho công nhân với mức bình quân 6-10 triệu đồng/tháng; doanh thu bình quân mỗi tháng đạt 4-5 tỉ đồng. “Năm 2021, sản lượng viên nén sản xuất tại nhà máy tăng gấp đôi, đạt 500-600 tấn/ tháng, so với năm đầu sản xuất. Năm 2022, sản lượng viên nén thành phẩm tiếp tục tăng, tương đương 1.200 tấn/ tháng”, ông Nguyễn Công Vương, giám đốc công ty này cho hay.

Trên địa bàn tỉnh, Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên là một trong những doanh nghiệp đầu tư phân xưởng sản xuất viên nén năng lượng, cho ra sản phẩm xuất khẩu đạt tiêu chuẩn, có thể truy xuất nguồn gốc và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu nước ngoài. Ông Trần Đăng Khoa, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên cho biết: Tuy chịu tác động tiêu cực từ tình hình thế giới, song với sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, người lao động, mọi hoạt động từ trồng rừng, khai thác đến chế biến gỗ của công ty vẫn duy trì đà tăng trưởng. Bình quân mỗi tháng, công ty sản xuất, xuất khẩu khoảng 10.000 tấn dăm gỗ, 4.000 tấn viên nén gỗ. Do nhu cầu và các đơn hàng viên nén, dăm gỗ liên tục tăng nên sản phẩm làm ra không đủ cung cấp cho đối tác nước ngoài. Tận dụng cơ hội này, công ty cố gắng nâng công suất để tăng doanh thu, đảm bảo việc làm, thu nhập cho lao động.

Khai thác lợi thế các FTA

Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ vừa tận dụng được cơ hội từ nhu cầu thị trường quốc tế vừa khai thác tối đa những thuận lợi từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết với các nước. Doanh nghiệp ngành gỗ của Phú Yên không chỉ hợp tác, giao thương với khách hàng quen, mà còn không ngừng kết nối, phát triển khách hàng mới.

Ông Trần Đăng Khoa cho biết thêm: Công ty TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên đã làm việc với các đối tác nước ngoài để có thể xuất khẩu trực tiếp sang thị trường châu Âu, Nhật Bản trong năm 2023. Công ty phải nhập máy móc, thiết bị mới từ Cộng hòa Liên bang Đức để nâng cấp nhà máy chế biến, đảm bảo viên nén gỗ đủ điều kiện xuất sang các thị trường khó tính này. Chúng tôi cũng tìm hiểu, khai thác những lợi thế từ các FTA, nắm bắt yêu cầu, tiêu chuẩn của các quốc gia để hợp tác tốt nhất, nâng giá trị sản phẩm gỗ xuất khẩu của tỉnh.

Theo nhận định từ Bộ Công Thương, trong số 15 FTA Việt Nam đang thực thi, có 3 FTA thế hệ mới là CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Liên minh Châu Âu - Việt Nam) và UKVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh). Đây là những hiệp định rất quan trọng, mang lại nhiều kết quả đàm phán có lợi, giúp các doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Dù vậy, doanh nghiệp phải luôn cập nhật thông tin mới, đào tạo đội ngũ lao động, tiếp cận và tận dụng FTA một cách triệt để; sẵn sàng cải tiến sản phẩm, quy trình để đáp ứng quy định của thị trường và đủ tiêu chuẩn để hưởng lợi từ các FTA. Đồng thời bám sát thông tin, hướng dẫn từ các bộ, ngành, đơn vị liên quan để chủ động đáp ứng những thay đổi trong thương mại quốc tế.

Theo UBND tỉnh, sản xuất công nghiệp của Phú Yên trong năm 2022 từng bước phục hồi, có mặt phát triển. Dự ước giá trị sản xuất công nghiệp tăng 10,1%; chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 10,8%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 12,9% so với cùng kỳ.

KHANG ANH

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/291178/doanh-nghiep-xuat-khau-go--tan-dung-loi-the-tu-cac-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do.html