Doanh nghiệp và người lao động nỗ lực vượt khó - Bài 2: Chủ nhà trọ, người kinh doanh cũng khó
Khu tái định cư An Thái Bình, phường Đồng Tiến, TP Phổ Yên (Thái Nguyên) từng là địa điểm kinh doanh, buôn bán sầm uất, hấp dẫn với nhiều người khi số lượng công nhân Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam lên tới cả chục nghìn người. Nhưng mấy năm nay, công nhân nghỉ việc nhiều và lương thấp khiến việc kinh doanh ngày càng khó khăn. Các chủ nhà trọ ở phường Đồng Tiến cũng chung cảnh này.
Khó từ bán mớ rau
Ông Nguyễn Quang Khoát ở phường Tân Phú, TP Phổ Yên thuê mặt bằng ở Khu tái định cư An Thái Bình để bán quần áo cách đây 7 năm với giá 5 triệu đồng/tháng, chưa tính tiền điện, nước. Thời gian đầu, công việc kinh doanh khá ổn. Nhưng khoảng 2-3 năm trở lại đây, việc buôn bán bắt đầu gặp khó khi công nhân dần ít việc làm. Ông Khoát phải vay lãi để cầm cự và hy vọng kinh tế sẽ sớm hồi phục, phát triển trở lại nhưng không được. Cuối tháng 10 vừa qua, ông thuê thợ dỡ đồ để trả mặt bằng. “Tôi đưa đồ về quê để bán. Ở đó cũng phải thuê mặt bằng, nhưng rẻ hơn”, ông Khoát cho biết.
Đối diện cửa hàng của ông Khoát là quán ăn của vợ chồng anh Hoàng Văn Cường quê ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Ngoài tiền thuê 5 triệu đồng/tháng, anh còn phải trả 2-3 triệu đồng tiền điện, nước mỗi tháng. Vì vắng khách nên vợ chồng anh Cường tự phục vụ, không thuê nhân viên. Khách hàng của quán chủ yếu là công nhân. Anh Hoàng Văn Cường nói: “Quán chỉ bán buổi tối. Mỗi tối chỉ khoảng 20 khách do công nhân lương thấp lắm. Trước đây, công nhân tăng ca liên tục, giờ chỉ làm 3-4 buổi/tuần. Cứ đà này thì tôi cũng phải trả mặt bằng, dừng kinh doanh. Từ đầu năm tới giờ đã có nhiều người trả mặt bằng rồi...”.
Cách cửa hàng của anh Cường không xa là cửa hàng thời trang của anh Bùi Công Tước, nằm ngay gần khu nhà ở của công nhân Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam. Anh Tước thuê và bán hàng ở đây từ năm 2016, khi Công ty mới đi vào hoạt động, giá thuê là 100 triệu đồng/tháng. Nhưng nay, trước khó khăn chung, chủ cho thuê giảm xuống còn 30 triệu đồng/tháng. Theo đánh giá của anh Tước, số lượng công nhân đã giảm nhiều so với trước dịch Covid-19, thu nhập cũng giảm nên việc buôn bán ngày càng khó khăn hơn. "Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì tôi chưa chắc đã trụ được và phải tính làm việc khác hoặc chuyển đến nơi khác", anh Tước cho biết.
Không riêng mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, đồ dùng sinh hoạt... mà ngay cả những người bán rau tại chợ ở khu vực này cũng gặp khó khăn. Giờ tan ca, từng tốp công nhân cứ lần lượt đi qua gánh hàng rau của bà Nguyễn Thị Khiêm (63 tuổi) thuê trọ tại tổ dân phố Thái Bình, phường Đồng Tiến. Một số người hỏi mua nhưng cứ "mặc cả lên mặc cả xuống" khiến bà Nguyễn Thị Khiêm thở dài: “Tôi bán rau ở đây gần 20 năm mà chưa từng thấy chợ ế ẩm như thế này bao giờ. Càng ngày công nhân càng “thắt lưng buộc bụng”. Cứ đà này chắc sang năm tôi nghỉ bán về quê chứ buôn bán ế ẩm, không đủ trả tiền thuê trọ”.
Chủ trọ thành “chúa chổm”
Có những thời điểm tổ dân phố Thái Bình được coi là thủ phủ phòng trọ công nhân. Thế nhưng, hơn một năm qua, những dãy nhà trọ ở khu này rơi vào cảnh đìu hiu vì vắng công nhân. Dọc các tuyến đường, ngõ ngách ở đây, chúng tôi thấy nhiều tấm biển thông báo “còn phòng trọ” được treo lên. Gặp chúng tôi, tưởng có khách tìm đến thuê nhà, bà Nguyễn Thị Năm đon đả giới thiệu: “Nhà tôi còn nhiều phòng trống, sạch sẽ, thoáng mát, nhà xây khép kín 5 tầng, giá chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng thôi. Các cô vào xem đi”. Thế nhưng, khi biết chúng tôi chỉ đang khảo sát, bà Năm thất vọng vì cả tháng qua chỉ thấy người trả phòng mà không thấy ai đến thuê. “Năm 2019, tôi vay ngân hàng 3 tỷ đồng để đầu tư xây 20 phòng trọ khép kín. Thời gian đầu, công nhân đông nên phòng trọ của tôi lúc nào cũng hết phòng. Nhưng từ đầu năm đến nay, công nhân thất nghiệp nhiều nên họ trả phòng để về quê. Hiện giờ tôi mới cho thuê được 2 phòng, còn lại bỏ trống, lãi ngân hàng thì vẫn phải trả. Mỗi lần nghe có công ty ở Khu công nghiệp Yên Bình này cắt giảm lao động, tôi lại càng thêm lo lắng”, bà Năm bày tỏ.
Cũng ở tổ dân phố Thái Bình, hoàn cảnh của bà Nguyễn Thị Chiên còn khó khăn hơn bà Nguyễn Thị Năm vì hiện nay, toàn bộ 23 phòng trọ của bà đều bỏ không. Sau thời gian dài không có người thuê ở, mạng nhện và bụi bám khắp các phòng. Chịu không nổi, bà Chiên treo biển rao bán khu trọ nhưng cũng không ai muốn mua. Trong khi đó, chồng bà đang bị tai biến, nằm liệt một chỗ không có khả năng lao động. Bà Chiên phải làm thêm đủ nghề, từ giặt quần áo thuê đến phụ thợ xây, bán sơn để vừa có tiền lo cho chồng, vừa để trả khoản vay hơn 1 tỷ đồng xây nhà trọ. “Ngày trước, sau khi thu tiền phòng và trừ chi phí thuê đất, điện, nước..., mỗi tháng tôi cũng thu được chút lãi để dưỡng già và lo cho chồng. Vậy mà giờ đây, người đến thì ít, người đi thì nhiều. Tôi chủ động giảm giá phòng nhưng công nhân thất nghiệp nhiều quá, họ không đủ sức bám trụ”, bà Nguyễn Thị Chiên nói với giọng buồn hiu.
(còn nữa)