Doanh nghiệp KH&CN trên con đường hội nhập

Trở thành Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) là bước đệm đầu tiên để các doanh nghiệp áp dụng những thành tựu có được từ công tác nghiên cứu KH&CN nhằm tạo lợi thế cạnh tranh. Từ đó mở rộng con đường hợp tác phát triển trong hội nhập kinh tế.

Sản xuất gạch ngói tại Công ty CP Gạch ngói Đất Việt (TX Đông Triều).

Tháng 9/2019, Công ty CP Gạch ngói Đất Việt (TX Đông Triều) được Sở KH&CN tỉnh công nhận là Doanh nghiệp KH&CN. Hiện đây là doanh nghiệp duy nhất của ngành đất sét nung cả nước vinh dự đạt danh hiệu này. Ông Nguyễn Quang Toàn, Tổng Giám đốc Công ty, cho biết: Được công nhận là doanh nghiệp KH&CN, chúng tôi được hưởng các quyền lợi cùng chế độ ưu đãi của Nhà nước trong việc khuyến khích đầu tư công nghệ mới cũng như nghiên cứu khoa học. Từ đó, áp dụng tiến bộ của KHKT, công nghệ trong thực tiễn sản xuất tại đơn vị nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí giá thành, giảm cường độ nặng nhọc cho người lao động, tạo cảnh quan môi trường thông thoáng hiện đại.

Dấu ấn đầu tiên trong việc ứng dụng KHCN vào các khâu sản xuất của Công ty CP Gạch ngói Đất Việt là ứng dụng thành công sáng kiến, cải tiến kỹ thuật "Sản xuất ngói theo phương pháp nghiền khô nguyên liệu”, được ghi nhận là sáng kiến đột phá trong ngành đất sét nung ở Việt Nam. Với sáng kiến này, nguyên liệu đất sét sẽ trải qua các quá trình cày, phơi nắng, vằm, trước khi đưa nghiền thành bột cùng phối liệu để sản xuất ra các dòng sản phẩm ngói lợp.

Sở KH&CN tổ chức hội nghị giao ban doanh nghiệp KH&CN để trao đổi, tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp liên quan đến hoạt động KH&CN.

Cùng với đó, đơn vị cũng tiếp tục ghi dấu ấn mới với việc đầu tư, lắp đặt, đưa vào vận hành công nghệ nghiền khô siêu mịn và phối nguyên liệu sản xuất gạch cotto. Đây là công nghệ lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam, giúp tạo ra sản phẩm gạch cotto có chất lượng vượt trội về bề mặt nhẵn mịn; đồng thời khắc phục nhiều tồn tại, nhược điểm của hệ thống cũ trong việc tiết kiệm tài nguyên, tận dụng được cả đất đá cứng để làm nguyên liệu sản xuất.

Một trong những doanh nghiệp KH&CN cũng đạt được nhiều thành tựu khi vận dụng hiệu quả các kết quả nghiên cứu KH&CN vào sản xuất kinh doanh đó là Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh. Dù thành lập muộn nhưng với chiến lược ưu tiên cải tiến công nghệ được đơn vị tận dụng triệt để nhằm tối ưu hóa quy trình sản xuất. Từ đó, nâng cao được chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, tăng giá trị cạnh tranh.

“Việc ứng dụng KH&CN vào chế biến sâu giúp các sản phẩm của Công ty có sự khác biệt, qua đó có thể đứng vững trên thị trường và xuất khẩu đi nhiều thị trường khó tính khác” - Bà Phạm Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thủy sản Quảng Ninh chia sẻ.

Lãnh đạo Sở KH&CN trao đổi với doanh nghiệp KH&CN tại huyện Bình Liêu.

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã và đang có những giải pháp hỗ trợ tích cực để khích lệ doanh nghiệp thành lập doanh nghiệp KH&CN cũng như tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp KH&CN hoạt động, phát triển bền vững.

Theo ông Hoàng Vĩnh Khuyến, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh: Sở đã tích cực tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thành lập và lập hồ sơ đề nghị chứng nhận doanh nghiệp KH&CN. Đồng thời, chủ động tiếp xúc với doanh nghiệp có tiềm năng để trao đổi, hỗ trợ các đơn vị này giải quyết khó khăn, vướng mắc và xây dựng hồ sơ thành lập doanh nghiệp KH&CN. Ngoài ra, Sở cũng thường xuyên tổ chức nhiều diễn đàn để các doanh nghiệp trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, kinh doanh cũng như tiếp cận các cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Với mục tiêu phát triển 80 doanh nghiệp KH&CN, Sở cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, đồng hành, tư vấn để doanh nghiệp thấy rõ những lợi thế khi trở thành doanh nghiệp KH&CN. Từ đó, có những bước đi mạnh dạn, đổi mới hơn để bắt nhịp với xu thế phát triển hội nhập.

Nguyên Ngọc

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202104/doanh-nghiep-khampcn-tren-con-duong-hoi-nhap-2529364/