Doanh nghiệp du lịch rục rịch khởi động đón khách quốc tế

Sau khi Việt Nam công bố hoàn toàn mở cửa du lịch từ 15/3 và có hướng dẫn cụ thể về phương án đón khách quốc tế của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các doanh nghiệp lữ hành chuyên đón khách quốc tế thông báo lại với đối tác, tạo dựng lại sản phẩm để có thể đón khách thời gian tới.

Khách quốc tế đến Việt Nam trong giai đoạn thí điểm.

Khách quốc tế đến Việt Nam trong giai đoạn thí điểm.

Ông Lê Nguyên Long, Giám đốc Asia Plus Tours, chuyên đón khách đoàn Âu – Mỹ chia sẻ: Thông tin mở cửa du lịch hoàn toàn từ 15/3 với các điều kiện y tế “khá thoáng” với người nhập cảnh và chính sách miễn visa cho khách đến từ 13 nước… mang lại thông tin tích cực với việc đón khách quốc tế thời gian tới. Với doanh nghiệp đơn vị lữ hành quốc tế, chúng tôi kết nối, thông tin lại với khách hàng. Nhiều đối tác đón nhận tin này hào hứng bởi như vậy họ có thêm sản phẩm giới thiệu để khách lựa chọn.

“Giai đoạn này, chúng tôi đang kết nối để tạo dựng lại sản phẩm. Những đơn vị chuyên đón khách quốc tế có lập nhóm group có hơn 200 thành viên và giới thiệu nhau những đơn vị còn hoạt động để tự kết nối với nhau. Qua thực tế tìm hiểu thì hiện chỉ còn khoảng 5% số khách sạn đủ tiêu chuẩn đón khách quốc tế hoạt động, Nhà hàng thì gần như 100% ngừng hoạt động. Với những nhà hàng phục vụ chuyên đón từng dòng khách quốc tế họ có những tiêu chí riêng, gần như các nhà hàng chỉ cầm cự được năm 2020. Còn từ năm 2021 thì đa phần đóng cửa vì chi phí để duy trì khá tốn kém, nhất là tiền thuê mặt bằng. Do đó, thời điểm này, khi có chính sách rõ ràng hơn thì một số người mới mạnh dạn đầu tư lại. Thời gian này, đơn vị tôi đang tiến hành khảo sát lại các đơn vị dịch vụ, đánh giá chất lượng rồi từ đó tạo dựng sản phẩm và cân nhắc những rủi ro gặp phải khi tổ chức khách đoàn”, ông Lê Nguyên Long chia sẻ với phóng viên báo Tin tức.

Còn ông Vũ Minh Thọ, Giám đốc Asia Top Travel cho biết, khi có đầy đủ thông tin Việt Nam mở cửa lại du lịch từ ngày 15/3, chúng tôi cũng đã thông báo với các khách hàng và rà soát lại dịch vụ. Thực tế thì tới tối ngày 16/3 mới có những thông tin bằng văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây là căn cứ quan trọng để chúng tôi gửi khách hàng. Vấn đề chúng tôi lo nhất là sự nhất quán trong chính sách nên hiện chúng tôi vẫn đang rà soát lại dịch vụ.

“Chúng tôi chuyên khách lẻ thị trường gần gồm khách châu Á và khách châu Âu, trong đó thị trường khách Á có thể sang sớm từ 1-2 tháng tới nhưng khách Âu phải từ tháng 6, thậm chí tháng 9/2022 mới có khách. Với tình hình dịch bệnh COVID-19, chúng tôi chưa dám liều tổ chức tour vì phải xem xét cụ thể các hướng dẫn của ngành y tế và các địa phương dự tính đưa khách để hạn chế rủi ro phát sinh. Như trường hợp khách trở thành F0 thì xử lý ra sao, các bệnh viện tiếp nhận xử lý như thế nào… Hiện nay có thực tế du lịch trong nước cũng đang chững lại vì dịch bệnh, cùng với đó là chất lượng dịch vụ điểm đến cũng chưa đảm bảo, việc khôi phục cũng cần có thời gian”, ông Vũ Minh Thọ trao đổi.

Còn ông Phạm Hà, CEO Lux Group cho biết: "Hiện tôi vẫn còn khoảng 80 booking (đặt chỗ) của các đoàn từ năm 2019, trước khi xảy ra dịch. Sau khi thông báo về kế hoạch mở cửa thì đến nay cũng đã có đoàn phản hồi. Dự tính cũng phải tháng 6 mới có đoàn vào".

Phương án mở cửa đón khách du lịch của Tổng cục Du lịch.

Trao đổi với các doanh nghiệp lữ hành xung quanh thông tin mở cửa từ 15/3 đã có khách vào, các doanh nghiệp lữ hành chuyên dòng khách quốc tế cho biết: Thực tế hàng không đã nối lại khoảng 10 tuyến quốc tế nên hiện khách vào đi thăm thân, đi làm việc, kinh doanh… kết hợp đi du lịch. Cũng có khách đi trải nghiệm khám phá nhưng số này chưa nhiều. Còn khách du lịch quốc tế sẽ bắt đầu vào dần từ tháng 6 và gia tăng bắt đầu từ tháng 9, tháng 10/2022.

Khi được hỏi về những rủi ro gặp phải khi tổ chức tour, nhất là với những trường hợp khách mắc COVID-19, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho biết: "Một trong những điều kiện khách nhập cảnh là mua bảo hiểm trị giá 10.000 USD. Việc có khách mắc COVID-19 là hoàn toàn có thể xảy ra trong quá trình tham quan, do đó, các đơn vị lữ hành cần nghiên cứu, đưa nội dung vào hợp đồng với nội dung bất khả kháng”.

Còn ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết: Sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, đến nay, phần lớn các doanh nghiệp du lịch đã rơi vào tình trạng rất khó khăn. Do vậy để hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục lại Tổng cục Du lịch kiến nghị kéo dài các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như chính sách giảm giá điện, giảm thuế VAT, giảm tiền thuê đất, giảm phí cấp phép lữ hành, cấp thẻ hướng dẫn viên đến hết năm 2023.

Trong khi đó, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: Sau khi có những chính sách rõ ràng về mở cửa lại du lịch từ 15/3 từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và bộ ngành hữu quan, hiện các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ đang trong quá trình khởi động lại. Từ 31/3 đến 1/4, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp tổ chức Hội chợ VITM Hà Nội 2022 để kết nối lại các doanh nghiệp, dịch vụ trong nước sau 2 năm gián đoạn. Đồng thời, tại hội chợ sẽ tổ chức Diễn đàn bàn về hành động cụ thể của ngành, các doanh nghiệp khi xác định lại nhu cầu của khách, xây dựng lại sản phẩm du lịch, kế hoạch maketing, quảng bá…

XM/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/doanh-nghiep-du-lich-ruc-rich-khoi-dong-don-khach-quoc-te-20220318125911994.htm