Doanh nghiệp bán lẻ nội liệu có giữ được vị thế 'sân nhà'?

Sự 'đổ bộ' của các doanh nghiệp FDI vào thị trường bán lẻ tạo nên sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các nhà bán lẻ nội địa cần có chiến lược thích hợp để có vị thế vững chắc trên 'sân nhà'.

Thị trường bán lẻ Việt Nam thời gian gần đây ghi nhận đà tăng trưởng mạnh mẽ. Tính đến nay, trên toàn quốc có khoảng 1.100 siêu thị, 240 trung tâm thương mại và gần 2.000 cửa hàng tiện lợi, trong đó các nhà bán lẻ nội địa chiếm khoảng 70 - 80% số điểm bán.

Sự nổi trội của các thương hiệu Việt

Trong khi không ít "ông lớn" ngoại quốc chật vật, thì các nhà bán lẻ nội địa như WinMart/WinMart+, Co.op Mart, Nova Supermarket... không ngừng phát triển, mở rộng quy mô.

Các doanh nghiệp bán lẻ tập trung sản xuất hàng hóa nhãn riêng để có thể cạnh tranh với các nhà bán lẻ nước ngoài tại thị trường Việt Nam.

Các doanh nghiệp bán lẻ tập trung sản xuất hàng hóa nhãn riêng để có thể cạnh tranh với các nhà bán lẻ nước ngoài tại thị trường Việt Nam.

Điển hình như Công ty CP thương mại dịch vụ tổng hợp WinCommerce - đơn vị sở hữu chuỗi bán lẻ WinMart/WinMart+, mới đây cho biết từ nay đến cuối 2022 sẽ có kế hoạch mở mới hơn 700 cửa hàng WinMart+ và khoảng hơn 20 siêu thị/đại siêu thị WinMart.

Một số doanh nghiệp bán lẻ nội địa khác cũng dồn sức thúc đẩy, tái cơ cấu và gia tăng sự hiện diện ở phân khúc cửa hàng. Nổi bật là Nova Commerce - thuộc tập đoàn NovaGroup cũng vừa khai trương siêu thị Nova Supermarket rộng 2.000m2 đầu tiên tại TP.HCM, tiếp nối cho kế hoạch phát triển chuỗi bán lẻ quy mô toàn quốc với kế hoạch mở rộng hơn 2.000 điểm bán đến năm 2025.

Trong khi đó, với quy mô hơn 100 siêu thị trải dài trên mọi miền đất nước, năm 2022, Saigon Co.op đặt mục tiêu tăng trưởng 4,5% so với năm 2021, mở mới từ 3-5 siêu thị, trung tâm thương mại và từ 80-100 cửa hàng tiện ích.

Theo Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, mặc dù thị trường bán lẻ tại Việt Nam đã có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhưng các doanh nghiệp nắm giữ thị phần chủ yếu vẫn là những thương hiệu nội địa của các doanh nghiệp như: Masan, MWG...

Lợi thế này đang được các doanh nghiệp lên kế hoạch bài bản để giữ vững thị phần. “Chuẩn bị cho việc phát triển với quy mô toàn quốc, chúng tôi đã có kế hoạch chuẩn bị và đầu tư mạnh về con người và dịch vụ. Đơn cử như chúng tôi đã đầu tư hơn 1 triệu USD cho hệ thống SAP, nâng cao chất lượng dịch vụ qua việc tăng cường đào tạo theo tinh thần cốt lõi Omotenashi – phục vụ từ tâm. Với những bước đi bài bản và quyết liệt, chúng tôi mong muốn mang đến trải nghiệm mua sắm đầy mới mẻ, hiện đại và uy tín cho người dân, qua đó góp phần kích cầu tiêu dùng, mang lại nhiều giá trị cho nền kinh tế và các doanh nghiệp trong nước”, đại diện Nova Commerce, một thành viên của Nova Service chia sẻ.

Nếu như ở thời điểm năm 2016, hơn 50% thị phần bán lẻ tại Việt Nam thuộc về doanh nghiệp nước ngoài, thì đến nay, doanh nghiệp bán lẻ nội địa đang chiếm khoảng 70 - 80% số điểm bán trên cả nước.

Với Saigon Co.op, để đạt được mục tiêu, Tổng giám đốc Nguyễn Anh Đức chia sẻ, doanh nghiệp này sẽ số hóa - điện toán hóa kho bãi và logistics, đẩy mạnh thương mại điện tử.

Thay đổi để tăng sức cạnh tranh

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong dài hạn, thị trường bán lẻ Việt Nam còn được thúc đẩy bởi các yếu tố khác khi là một nước có dân số gần 100 triệu dân, được xếp vào nhóm các quốc gia phát triển tầng lớp trung lưu mạnh nhất thập niên và trở thành một điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Số liệu của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) cho thấy, khoảng 55% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh ở Việt Nam. Trong đó, gần 60% doanh nghiệp quan tâm đến lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ, tiêu dùng vì đây là mảnh đất màu mỡ, còn nhiều dư địa để phát triển. Dự báo, trong 5 - 10 năm tới, Việt Nam là nước đứng đầu về tỷ lệ tăng trưởng tầng lớp trung lưu trong khu vực Đông Nam Á.

Trong bối cảnh đó, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho rằng, sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng, trong phương thức mua sắm, đã đặt ra cho các nhà bán lẻ làm sao tổ chức lại để giữ được thị phần, giữ được lợi thế đang có.

Nếu không thay đổi vị thế này sẽ trao cho các đơn vị khác. Ngoài ra, muốn cạnh tranh hiệu quả trong tình hình mới, nhà bán lẻ cần làm ngay một số vấn đề: Thứ nhất, xem vai trò của người lao động là yếu tố quan trọng, góp phần tăng trưởng trong thời gian tới. Thứ hai, nhà bán lẻ không chuyển đổi số, không ứng dụng công nghệ thông tin thông qua phương thức thương mại điện tử sẽ mất lợi thế rất lớn.

Bên cạnh những kênh truyền thống, đơn vị bán lẻ phải gia tăng hoạt động này với một hệ thống data dữ liệu, một hệ thống khách hàng đã xây dựng xuyên suốt trong thời gian qua.

Thứ ba, phải đầu tư logistics để chủ động nguồn hàng, giảm chi phí và tối ưu hóa các hoạt động, tăng sức cạnh tranh.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/doanh-nghiep-ban-le-noi-lieu-co-giu-duoc-vi-the-san-nha-1087158.html