Đô thị cần gì?

Đó có lẽ là câu hỏi lớn nhất mà thông qua cuốn sách Đô thị - Những vấn đề tiếp nối, tác giả Nguyễn Minh Hòa mong muốn giải đáp cùng những thị dân trong thời đại số không ngừng biến đổi.

Đúng như tên gọi, cuốn sách dày gần 400 trang của TS đô thị học Nguyễn Minh Hòa là tập hợp những bàn luận, suy nghĩ xoay quanh các vấn đề căn cơ của một đô thị, chủ đạo ở đây là TP HCM, đô thị của vô số những… vấn đề.

Nếu như trước đó, với "Đô thị học: Những vấn đề lý luận và thực tiễn", tác giả Nguyễn Minh Hòa đã dựng lên một "bộ khung" lý thuyết, nguyên lý và khái niệm để giúp người đọc có được một nền tảng căn bản về chuyên ngành nghiên cứu đô thị; thì trong "Đô thị - Những vấn đề tiếp nối", ông lại giúp chúng ta tiếp cận những vấn đề của đô thị dưới góc nhìn hoàn toàn khác, góc nhìn của cuộc sống, cảm xúc trước thực tế.

Bìa cuốn Đô thị những vấn đề tiếp nối

Như chính lời bộc bạch của Nguyễn Minh Hòa ở đầu sách, "đây không phải là công trình nghiên cứu hay là một tổng kết lớn lao" mà chỉ là sự tập hợp có chọn lọc và sắp xếp lại theo từng mạch chủ đề gồm những bài viết từng đăng tải trên các tờ báo, tạp chí, đoạn trích từ các sách chuyên khảo, tham luận trong các hội thảo mà ông từng tham dự và trình bày trong suốt nhiều năm qua. Có lẽ cũng vì vậy, đọc cuốn sách này, chúng ta có thể cảm thấy nó "đời" hơn, chân thật và gần gũi hơn.

Một đô thị không chỉ cần đến những con đường phẳng phiu, những vỉa hè lát đá vuông vức, những cao ốc nhôm kính sáng trưng một góc trời… Nếu không có sự sống, không có cảm xúc tạo nên bởi đời sống thường nhật của hàng triệu thị dân, đô thị ấy chỉ như một khối vật chất vô hồn. Nguyễn Minh Hòa ngầm khẳng định điều này bằng chính những câu chuyện thực mà bản thân từng trải nghiệm, từng chứng kiến: cuộc dạo thăm góc đường, con hẻm đầy mùi vị và màu sắc; mối suy tư về sự tồn tại của mái chùa, nếp giáo đường xưa cũ trong lòng thành phố hiện đại; sự hồi tưởng về những cái tên cũ, công trình cũ, không gian cũ chỉ còn phảng phất trong ký ức của thị dân…

Nhưng cảm xúc đô thị không thể đứng rời ra thành một thực thể biệt lập. Nó gắn chặt với không gian của đô thị, đời sống của đô thị. Muốn giữ được cảm xúc của đô thị, không cách nào khác hơn ngoài việc người ta phải trân trọng, gìn giữ không gian và đời sống đô thị.

Phong Tư

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/do-thi-can-gi-20200522210604799.htm