Điện mặt trời mái nhà: Lợi thế cạnh tranh mới của các doanh nghiệp xuất khẩu

Việc sử dụng điện mặt trời mái nhà vừa giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, vừa là một trong những điều kiện giúp doanh nghiệp sớm có được 'chứng chỉ xanh', tạo lớn thế trong xuất khẩu hàng hóa…

 Các doanh nghiệp đang tích cực chuyển đổi xanh, sử dụng năng lượng tái tạo để từng bước đạt được chứng chỉ xanh, tạo lợi thế trong xuất khẩu

Các doanh nghiệp đang tích cực chuyển đổi xanh, sử dụng năng lượng tái tạo để từng bước đạt được chứng chỉ xanh, tạo lợi thế trong xuất khẩu

Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp vừa phối hợp với Tổng Công ty Điện lực TP.HCM và Viện Nghiên cứu Ứng dụng Năng lượng thông minh (iSEAR) tổ chức Diễn đàn “Điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp: Giải pháp chuyển dịch và tiết kiệm năng lượng”. Diễn đàn quy tụ nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cùng trao đổi, đề xuất nhiều giải pháp phát triển điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp.

LỢI CẢ ĐÔI ĐƯỜNG

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, Việt Nam hiện có 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với nhiều nước trên thế giới, qua đó đa dạng hóa chiến lược thị trường tổng thể. Năm 2024, ngành dệt may Việt Nam dự kiến xuất khẩu 44 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo ông Giang, để đạt mục tiêu này, thách thức là rất lớn bởi các nhà nhập khẩu, đặc biệt là ở châu Âu và Mỹ càng càng đưa ra những tiêu chuẩn khắt khe hơn, trong đó phải kể đến là tiêu chuẩn kép về xanh hóa và việc sử dụng các sản phẩm tái chế, thân thiện môi trường. Bên cạnh đó, các nhà nhập khẩu cũng yêu cầu loại trừ tất cả các nồi hơi bằng than đá vì khí thải của chúng ảnh hưởng không tốt với môi trường. Chính vì vậy, các doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi từ lò hơi đốt than sang nồi hơi điện.

“Chi phí sản xuất cho một sản phẩm nếu dùng lò điện và áp theo giá điện của nhà nước sẽ tăng từ 15 – 20% so với lò hơi đốt than”, ông Giang chia sẻ và thông tin thêm: "Nếu đầu tư điện mặt trời áp mái thì bài toán tăng chi phí sẽ được giải quyết".

Cũng theo ông Giang, hưởng ứng chương trình mục tiêu của Chính phủ là đưa phát thải ròng của Việt Nam về “0” vào năm 2050, nhiều doanh nghiệp dệt may đã đầu tư điện mặt trời áp mái trong giai đoạn đầu thì đến nay đã thấy rõ hiệu quả. Với tỷ lệ 50% dùng điện áp mái của doanh nghiệp, 50% dùng điện của Nhà nước, các doanh nghiệp vừa tiết kiệm được chi phí, vừa là điểm cộng rất lớn trong mắt các nhà nhập khẩu, tác động rất lớn đến việc đánh giá và cấp chứng chỉ xanh rất quan trọng cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

“Có thể nói, điện mặt trời mái nhà đã tạo ra được thế chủ động điện năng cho doanh nghiệp. Đặc biệt, ở các tỉnh phía Nam thời tiết nắng chiếm 60%, trong khi miền Bắc, miền Trung thì thấp hơn chỉ tương đương khoảng 30%”, ông Giang đánh giá.

Ở một góc nhìn khác, ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch Thường trực Liên Chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam thuộc Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết, điện mặt trời mái nhà là vấn đề rất nóng, đang được rất nhiều doanh nghiệp sản xuất quan tâm. Năm 2020, các doanh nghiệp đã rất hào hứng, quan tâm đầu tư và chỉ trong vòng một năm đã thực hiện được gần 100MW. Do đó có thể nói, dư dư địa cho điện mặt trời mái nhà trong các khu công nghiệp, khu chế xuất là rất lớn. Riêng tại TP.HCM đã có gần 2.000 nhà đầu tư, nếu làm hết cũng phải gần 2.000 MW.

“Hiện nay, chúng ta có 428 khu công nghiệp và hơn 1.000 cụm công nghiệp với gần 80.000 doanh nghiệp là nhà đầu tư thứ cấp, nhu cầu đầu tư điện mặt trời mái nhà là rất lớn”, ông Long nhận định và cho biết: "Hiện nay, bản thân các nhà đầu tư khu công nghiệp cũng đang hướng đến việc đầu tư các khu công nghiệp sinh thái. Điển hình tiên phong và gặt hái được thành công theo mô hình này chính là Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền ở Hải Phòng do Công ty Cổ phần Shinec làm chủ đầu tư".

“Trong các khu công nghiệp, khu chế xuất có một số lượng lớn nhà đầu tư thứ cấp, nhà xuất khẩu, nếu không thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, từng bước đạt được chứng chỉ xanh thì sẽ gặp khó trong xuất khẩu”, ông Long nhấn mạnh.

GỠ VƯỚNG CHO ĐIỆN MẶT TRỜI MÁI NHÀ

Phát triển điện mặt trời đã trở thành một xu thế, góp phần chuyển đổi xanh, mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và người dân, đồng thời cũng tăng cường nguồn điện cho hệ thống điện quốc gia. Tuy nhiên, việc triển khai đầu tư, lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà của doanh nghiệp để phục vụ sản xuất đang gặp không ít khó khăn, nhất là về mặt pháp lý.

 Một doanh nghiệp trong khu công nghiệp tận dụng mái nhà để lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời

Một doanh nghiệp trong khu công nghiệp tận dụng mái nhà để lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời

Theo ông Võ Tân Thành, điện mặt trời áp mái là nguồn điện có nhiều lợi thế hơn các nguồn năng lượng tái tạo khác do phát tán tại chỗ, không mất tổn thất khi truyền tải và phân phối đi xa, mà còn phục vụ cho nhu cầu phụ tải tại chỗ. Đặc biệt, đây sẽ nguồn điện sạch bổ sung giúp giảm áp lực cho hệ thống truyền tải và đảm bảo phần nào nguồn điện chủ động cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Mặc dù chủ trương của Đảng, Chính phủ đã rõ nhưng theo ông Thành, doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn khi đầu tư, lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà do chưa có quy định cụ thể. Các thủ tục, văn bản hướng dẫn từ các bộ, ngành chưa được rõ ràng, nhất quán. Doanh nghiệp muốn lắp đặt, sử dụng điện mặt trời mái nhà còn vướng nhiều thủ tục, giấy phép…

Mặt khác, theo nhận định của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, vướng mắc lớn nhất và cũng gây ra nhiều tranh cãi nhất hiện nay là các quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Một trong số đó là vấn đề xây dựng cơ chế và giá bán điện dư thừa không dùng hết lên lưới điện quốc gia.

Trước đó, Bộ Công thương đã đề xuất lượng điện dư thừa sẽ không được bán hoặc bán với giá 0 đồng. Đề xuất này gây ra phản ứng mạnh vì các chuyên gia cho rằng, chuyên gia cho rằng điện mặt trời mái nhà tự dùng nếu bán 0 đồng sẽ khó thu hút người dân, doanh nghiệp vì suất đầu tư không hiệu quả.

Theo Thạc sĩ Phan Công Tiến, Giám đốc Viện Nghiên cứu ứng dụng Năng lượng Thông minh, mô hình điện mặt trời mái nhà không nối lưới có thể có lợi cho hệ thống điện, vì nó không gây ảnh hưởng nào đến vận hành lưới điện. Tuy nhiên, mô hình này hiện không khả thi do chi phí quá cao và thiếu tính khả thi về tài chính, ngay cả ở những quốc gia hiện đại họ cũng không dùng.

Trước ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, mới đây Bộ Công thương đã đưa ra 3 phương án xây dựng cơ chế về xác định điện dư không dùng hết được bán lên lưới điện quốc gia, trong đó đề xuất áp dụng phương án 2. Theo đó, điện mặt trời tự sản, tự tiêu được thanh toán 10% sản lượng điện trên tổng sản lượng điện dư phát lên lưới điện quốc gia được ghi nhận bởi hệ thống đo đếm điện năng mua bán với khách hàng.

Đối với việc xác định giá mua bán điện dư, Bộ Công thương cũng đưa ra 3 phương án, trong đó đề xuất áp dụng phương án 3 với giá mua tạm áp dụng từ 600 đến 700 đồng/kWh. Giá này sẽ được xem xét, điều chỉnh (nếu có) hàng năm để đảm bảo khuyến khích phù hợp với từng thời kỳ phát triển của hệ thống điện quốc gia.

CHỈ ĐẠO MỚI CỦA CHÍNH PHỦ

Ngày 16/8, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 387/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc xây dựng, ban hành Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương hoàn thiện khái niệm "tự sản, tự tiêu" đối với điện mặt trời mái nhà, trong đó bổ sung tỷ lệ bán lượng điện dư để làm rõ hơn nội hàm điện mặt trời tự sản, tự tiêu, mục đích chính là phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại chỗ của người dân và doanh nghiệp; trường hợp điện dư được bán lên lưới lượng điện không quá 20% tổng công suất.

Đối với người dân, hộ gia đình và khu vực công sở, Phó Thủ tướng yêu cầu có chính sách phù hợp đúng với tinh thần khuyến khích sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Trường hợp điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có công suất lắp đặt trên 100 KW đến dưới 1 MW và lựa chọn đấu nối và bán điện dư lên hệ thống điện Quốc gia phải thực hiện đăng ký với đơn vị điện lực địa phương để đấu nối với hệ thống điều khiển từ xa.

Đối với tổ chức, cá nhân có công suất lắp đặt từ 1 MW trở lên có đấu nối và đăng ký bán điện dư lên hệ thống điện Quốc gia phải thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Đối với trường hợp đầu tư điện mặt trời mái nhà để sử dụng có lắp đặt hệ thống lưu trữ điện năng có thể mua 100% công suất điện dư và nghiên cứu cho phép mua điện theo giá từng thời điểm.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nghiên cứu đề xuất nâng công suất cho điện mặt trời mái nhà. Bởi theo báo cáo của EVN, hiện tại khu vực miền Bắc mới huy động khoảng 2,5% trong khi khả năng huy động đảm bảo an toàn hệ thống truyền tải lên đến 25% -30%. Do vậy, theo Phó Thủ tướng cần điều chỉnh ngay quy mô công suất đối với miền Bắc có thể lên tới 7000 MW và tính toán lại khả năng huy động cho khu vực TP.HCM, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2024.

Đối với trường hợp điện dư được bán lên lưới lượng điện không quá 20% tổng công suất, trên cơ sở khả năng đáp ứng về kỹ thuật, công nghệ, khả năng đáp ứng của hệ thống lưới truyền tải điện, căn cứ nhu cầu phát triển các loại hình nguồn điện tham gia mua bán điện trực tiếp, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh quy hoạch điện theo quy định của pháp luật quy hoạch.

Tôn Quyên

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/dien-mat-troi-mai-nha-loi-the-canh-tranh-moi-cua-cac-doanh-nghiep-xuat-khau-post554083.html