Diện mạo mới của 'Đại bàng chiến' F-15

Hãng Boeing đang tiếp tục giai đoạn thử nghiệm nguyên mẫu máy bay chiến đấu F-15QA theo đơn đặt hàng của Qatar. Căn cứ vào hình ảnh được công bố, F-15QA không đơn giản là máy bay thiết kế theo đặt hàng của nước ngoài, mà là nền tảng mới hoàn toàn của dòng máy bay F-15 Eagle (Đại bàng) dành cho Không quân Mỹ trong tương lai.

Qatar chi hơn 21 tỷ USD để sở hữu 72 máy bay chiến đấu F-15

Mỹ và Qatar đạt được thỏa thuận cung cấp máy bay chiến đấu F-15 vào năm 2016. Theo thỏa thuận này, quốc gia Cận Đông chi ra tới hơn 21 tỷ USD cho 72 máy bay chiến đấu F-15 với tùy chọn hiện đại nhất. Với nguồn tài chính được đảm bảo, hãng chế tạo Boeing đã bắt tay vào phát triển phiên bản F-15QA trên nền tảng F-15E/SA (phiên bản dành cho Saudi Arabia) với nhiều sửa đổi phù hợp với yêu cầu của Doha. Tuy nhiên, trong quá trình nâng cấp, Boeing thực tế tái thiết kế lại toàn bộ máy bay F-15 hay nói cách khác là tạo ra một nền tảng máy bay chiến đấu mới của dòng máy bay chiến đấu có truyền thống lâu đời này.

Nguyên mẫu đầu tiên của F-15QA xuất hiện vào đầu năm 2020 đã nhận được sự chú ý từ giới chuyên gia quân sự. Chỉ căn cứ vào quan sát bên ngoài, nguyên mẫu F-15QA đã có nhiều thay đổi cơ bản so với các biến thể trước đó của máy bay F-15.

 Nguyên mẫu máy bay F-15QA thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên.

Nguyên mẫu máy bay F-15QA thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên.

Thực tế, khung thân của máy bay F-15E/SA đã được tái thiết kế lại và áp dụng các công nghệ mới nhất giúp khắc phục các vấn đề nứt khung thân và kéo dài vòng đời phục vụ. Toàn bộ quá trình thiết kế của F-15QA được áp dụng quy trình Full-Size Determinant Assembly (FSDA) của Boeing. Quy trình mới này giúp giảm bớt thời gian lắp ráp, cũng như đơn giản hóa việc bảo dưỡng sau này.

Không chỉ thay đổi ở khung thân, trang bị điện tử trên khoang của máy bay F-15QA được chuẩn số hóa toàn bộ. Trên cơ sở 2 máy tính điều khiển trung tâm và 4 kênh điều khiển chính và thứ cấp tạo cho nền tảng máy bay chiến đấu mới sự tin cậy và ổn định trong tác chiến, kể cả trong các tình huống hư hại.

Hệ thống radar hàng không cũng được nâng cấp lên thế hệ mảng định pha chủ động Raytheon AN / APG-82 (v) 1 giúp mở rộng phạm vi giám sát, theo dõi và dẫn bắn mục tiêu theo chuẩn Suite 8. Để nâng cao khả năng nhận thức tình huống và tương tác của kíp phi công với máy bay, buồng lái của F-15QA được kính hóa ở mức cao nhất. Toàn bộ thông tin về máy bay, mục tiêu, vũ khí... được hiển thị trên các màn hình LCD cỡ lớn. Phi công có thể độc lập tìm kiếm và khóa mục tiêu thông qua hệ thống kính ngắm trên mũ bay. Những trang bị này có nhiều điểm tương đồng với máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 như F-35 và F-22. F-15QA có khả năng sử dụng được các loại vũ khí tiêu chuẩn của dòng máy bay F-15, cũng như các loại vũ khí mới đang được phát triển trong tương lai gần.

Về cơ bản, F-15QA đã lột xác so với các phiên bản F-15 tiền nhiệm. Xét về nhiều tính năng, nó là một dòng máy bay chiến đấu mới được nâng cấp tiệm cận thế hệ thứ 5.

Phiên bản “F-15QA” dành cho Không quân Mỹ

 Một máy bay F-15EX trong quá trình lắp ráp tại cơ sở của Boeing.

Một máy bay F-15EX trong quá trình lắp ráp tại cơ sở của Boeing.

Sự xuất hiện của phiên bản F-15X mới đây với nhiều nét tương đồng đáng kinh ngạc với F-15QA đã tạo ra sự hoài nghi đối với nhiều chuyên gia quân sự về việc Mỹ đã sử dụng nền tảng của máy bay chiến đấu dành cho Qatar để tạo ra phiên bản máy bay chiến đấu F-15 mới. Thông thường quá trình phát triển các phiên bản nâng cấp của máy bay chiến đấu thường mất nhiều năm, nhưng sự xuất hiện của phiên bản F-15X trong thời gian rất ngắn, cũng như rất gần thời điểm F-15QA được giới thiệu đã tạo ra nghi vấn về việc cả hai dòng máy bay này đều sử dụng 1 nền tảng chung. Nói cách khác, Qatar đã chi tiền giúp Mỹ tạo ra một nền tảng F-15 hoàn toàn mới.

Về cơ bản, F-15X gần như tương đồng với F-15QA, sự khác biệt chỉ nằm ở kích thước máy bay, hệ thống điều khiển hiện đại hơn và một số loại vũ khí hàng không đặc biệt không được phép xuất khẩu.

Cuối tháng 7-2020, Lầu Năm Góc công bố kế hoạch đặt mua 8 máy bay F-15EX đầu tiên với đơn giá 1,9 tỷ USD. Không quân Mỹ dự kiến tới năm 2030 sẽ đặt mua khoảng 144 máy bay F-15X với tổng chi phí khoảng 22,9 tỷ USD. Trung bình, mỗi năm, Không quân Mỹ sẽ nhận 12 máy bay.

Hiện tại, các phi đội máy bay F-15C/D của Quân đội Mỹ đã ở giai đoạn cuối của vòng đời, còn số lượng máy bay F-22 và F-35 lại quá ít để đáp ứng yêu cầu tác chiến. Chính vì thế, phiên bản F-15X được coi là phương án bổ sung hợp lý về cả tính năng chiến đấu và giá thành.

 Nguyên mẫu máy bay F-15X.

Nguyên mẫu máy bay F-15X.

Giới chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá, việc Mỹ kéo dài thời gian phục vụ của máy bay F-15 thông qua các phiên bản nâng cấp mới là lựa chọn hợp logic. Điều này không chỉ tận dụng được dây chuyền lắp ráp máy bay sẵn có, kho vũ khí và trang bị đã hoàn thiện cho cả Quân đội Mỹ và đồng minh với mức chi phí hợp lý. Chính vì thế, các phiên bản của máy bay F-15 sẽ tiếp tục phục vụ trong nhiều thập niên tới.

TUẤN SƠN (tổng hợp theo DefenseTalk, vpk)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/dien-mao-moi-cua-dai-bang-chien-f-15-645848