Điện Biên nâng cao trình độ dân trí từ công tác xóa mù chữ

Những lớp dạy xóa mù thu hút học viên đến học là tín hiệu đáng mừng trên hành trình nâng cao nền tảng dân trí cho người dân vùng cao Điện Biên.

Lớp học XMC do giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Chung Chải số 2 giảng dạy.

Không biết nhiều… thì biết ít!

Điểm trường bản Nậm Vì, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé mỗi tối đều sáng điện khi các thầy cô giáo của Trường Tiểu học số 2 Chung Chải cần mẫn, kiên trì dạy xóa mù chữ (XMC) cho người dân. Lớp học này có hơn 20 học viên, gồm nhiều lứa tuổi, 100% là đồng bào dân tộc Mông.

Ông Chang Sa Pao - học viên trong lớp chia sẻ, sau nhiều buổi miệt mài đến lớp, ông rất vui vì giờ đã biết làm các phép tính cộng trừ, nhân chia đơn giản.

"Xưa kia, mình ở vùng sâu vùng xa làm được gì thì tối về mình ăn cái đấy. Bây giờ thì có hàng quán rồi, làm được gà, được bao lúa thì mình mang đi bán. Vì thế mình phải biết tính toán được, mình phải đi học. Học ít một, không biết nhiều thì biết ít. Khi ấy, người ta viết thư, nhắn tin trên điện thoại thì mình cũng có thể đọc được", ông Chang Sa Pao cho biết.

Thầy giáo Lý Văn Hiệu, giáo viên Trường Tiểu học số 2 Chung Chải, huyện Mường Nhé cho biết: “Tinh thần ham học hỏi của học viên trong lớp XMC chính là động lực để các thầy cô quên đi mọi vất vả. Không kể tuổi tác, khi đến lớp là các học viên luôn chăm chú học hỏi, cần mẫn viết chữ, đọc bài. Đến nay, lớp học đã hoàn thành chương trình lớp 2 ở mức độ 1”.

Những học viên tham gia khai giảng lớp XMC tại xã Chung Chải, huyện Mường Nhé.

"Được Ban giám hiệu giao trực tiếp phụ trách lớp XMC vào buổi tối, tôi luôn cố gắng giảng dạy, đưa con chữ đến cho các học viên. Cùng với đó, phân phối thời gian để lên lớp giảng dạy sao cho đạt kết quả tốt nhất", thầy Hiệu cho biết.

Theo thầy Trịnh Văn Lập, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường PTDTBT Tiểu học Chung Chải số 2 cho biết, năm 2023, nhà trường có 2 lớp học XMC với 48 học viên. Cả 2 lớp đều kết thúc chương trình vào ngày 8/12.

Không riêng ở Mường Nhé, những lớp xóa mù chữ đã được ngành GD&ĐT tỉnh Điện Biên triển khai ở khắp các địa phương trong tỉnh. Nhờ sự tận tâm, nhiệt huyết của các thầy cô giáo, những đôi bàn tay vốn chỉ quen cầm cày, cuốc, nay đã có thể cầm bút viết tên mình hoặc ghi chép những câu văn, vần thơ, biết làm những phép tính cơ bản…

Bà Lường Thị Thơm, người dân bản Huổi Chan 1, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên chia sẻ: "Hôm nay được đi học lớp xóa mù chữ tôi rất vui. Lúc nào đi ký giấy tờ, tôi cũng phải điểm chỉ, khổ mình quá. Bây giờ được học như thế, tôi biết ký tên mình rồi".

Còn cô giáo Lường Thị Hiên, Trường Tiểu học số 2 Mường Pồn, huyện Điện Biên nói: "Học viên cũng đã lớn tuổi rồi, để nhận biết về con chữ cũng chậm hơn các em học sinh. Trong quá trình giảng dạy, tôi thường hướng dẫn học viên nhận mặt con chữ trước rồi đánh vần, ghép chữ cái với nhau. Sau đó, tôi hướng dẫn đọc để học viên nhớ lâu hơn".

Nâng tỷ lệ người biết chữ

Nhằm tạo nền tảng dân trí vững chắc để phát triển nguồn nhân lực, trong thời gian qua, ngành GD&ĐT tỉnh Điện Biên đã luôn chú trọng công tác phổ cập giáo dục, XMC, nâng tỷ lệ người biết chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới.

Ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên cho biết: “Nhờ chú trọng công tác XMC nên tỷ lệ người trong độ tuổi biết chữ ở tỉnh đã tăng cao trong những năm gần đây. Đến nay, số người trong độ tuổi 15 - 60 được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 đã đạt gần 97%; chuẩn biết chữ mức độ 2 là trên 88%”.

Lớp XMC tại xã Mường Pồn, huyện Điện Biên.

Trong năm 2023, ngành Giáo dục tỉnh đã duy trì mở hơn 50 lớp với trên 1.200 học viên. Qua đó, củng cố vững chắc kết quả XMC mức độ 2 và nâng cao tỉ lệ người biết chữ mức độ 2 trong độ tuổi 15 - 60.

"Công tác XMC, phổ cập giáo dục được tỉnh Điện Biên thực hiện rất quyết liệt, tất cả các cấp, ngành và hệ thống chính trị vào cuộc. Vừa rồi, HĐND tỉnh cũng thông qua Nghị quyết về hỗ trợ người dân tham gia học XMC và hoạt động xây dựng xã hội học tập. Tới đây, Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh ban hành quy định hỗ trợ học phẩm cho người tham gia học xóa mù", ông Đoạt nói.

Để tiếp tục duy trì và nâng cao dân trí cho người dân, thời gian tới, ngành GD&ĐT tỉnh Điện Biên sẽ ưu tiên bố trí đủ giáo viên thực hiện nhiệm vụ XMC ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Cùng với đó, tổ chức các lớp học XMC linh hoạt về thời gian, địa điểm, phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học viên theo học, bảo đảm số lượng và chất lượng.

Hà Thuận

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dien-bien-nang-cao-trinh-do-dan-tri-tu-cong-tac-xoa-mu-chu-post665371.html