Điểm tựa tinh thần của bệnh nhân ung thư

Đó là Đại tá, PGS, TS Nghiêm Thị Minh Châu, Chủ nhiệm Bộ môn-Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y). Chị là một trong những bác sĩ có bề dày kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học, điều trị ung thư (K).

Hơn 30 năm gắn bó với nghề y, bác sĩ Nghiêm Thị Minh Châu luôn đau đáu với nỗi đau bệnh tật, cảm thông, chia sẻ và tận tình chữa trị, trở thành điểm tựa tinh thần cho nhiều bệnh nhân...

Bén duyên với ngành y

Trong căn phòng nhỏ bộn bề tài liệu, hồ sơ bệnh án, tài liệu khoa học... Đại tá, PGS, TS Nghiêm Thị Minh Châu trò chuyện cởi mở, thân thiện với chúng tôi về những ngày đầu bén duyên với nghề y. “Quê tôi ở vùng chiêm trũng-xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa, Hà Tây trước đây, nhưng tôi được sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Thời gian học phổ thông, tôi rất thích học các môn khối A. Những năm học cuối cấp 3, mẹ tôi bị ốm đau triền miên, thường xuyên phải đi bệnh viện. Điều đó khiến tôi nung nấu quyết tâm trở thành bác sĩ. Thời kỳ này, các trường đại học y đều tuyển khối B, duy nhất có Học viện Quân y tuyển cả khối A và B. Thế là tôi đăng ký thi vào Học viện Quân y...”, Đại tá, PGS, TS Nghiêm Thị Minh Châu chia sẻ.

Và rồi ước mơ của cô học trò nhỏ nhắn, xinh xắn Trường THPT Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội) đã trở thành hiện thực. Kỳ thi tuyển sinh đại học năm 1984, Minh Châu đã thi đỗ vào lớp bác sĩ dài hạn Quân y khóa 19 (niên khóa 1984-1990), Học viện Quân y. Sau 6 năm miệt mài học tập, rèn luyện, tháng 9-1990, Nghiêm Thị Minh Châu tốt nghiệp, được giữ lại học viện và về công tác tại Khoa Máu-Độc-Xạ và Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Quân y 103.

25 năm gắn bó với chuyên ngành Máu-Độc-Xạ và Bệnh nghề nghiệp, bác sĩ Nghiêm Thị Minh Châu đã cứu sống nhiều bệnh nhân bị ngộ độc thuốc ngủ, thuốc an thần, hóa chất trừ sâu, bị rắn độc cắn hoặc nhiễm khí độc. Chị cũng là người trực tiếp điều trị hiệu quả cho các bệnh nhân bị xuất huyết, thiếu máu, u lympho, bạch cầu, các bệnh nghề nghiệp quân sự và bệnh nghề nghiệp khác. Đặc biệt, trong quá trình công tác, bác sĩ Nghiêm Thị Minh Châu nhận thấy nhiều công nhân lao động tiếp xúc với bụi Talc, bị mắc một số bệnh hô hấp nhưng chưa được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp. Sau nhiều năm ấp ủ, nghiên cứu đề tài về bệnh phổi, có thời điểm “ăn ngủ với chuột bạch”, năm 2010, nghiên cứu sinh Nghiêm Thị Minh Châu bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài “Nghiên cứu đặc điểm bệnh lý đường hô hấp của công nhân tiếp xúc với bụi Talc và tổn thương phổi ở động vật thực nghiệm”. Đại tá, PGS, TS Nghiêm Thị Minh Châu rất vui khi Thông tư số 44/2013/TT-BYT ngày 24-12-2013 của Bộ Y tế đã xác định bệnh bụi phổi Talc là bệnh nghề nghiệp tại Việt Nam và người lao động được giám định mắc căn bệnh này được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Đại tá, PGS, TS Nghiêm Thị Minh Châu hướng dẫn đồng nghiệp lập kế hoạch xạ trị cho bệnh nhân.

Với những thành tích xuất sắc trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, điều trị cho bệnh nhân, cuối năm 2015, bác sĩ Nghiêm Thị Minh Châu được cấp trên điều động, bổ nhiệm Phó chủ nhiệm Bộ môn Y học hạt nhân, Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân. Đặc biệt, năm 2016, chị vinh dự được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư. Nói về sự cố gắng, nỗ lực để có được những thành công bước đầu, Đại tá, PGS, TS Nghiêm Thị Minh Châu bày tỏ: “Chúng tôi tự hào là những chiến sĩ áo trắng “đi thuyền trên dòng nước ngược, không tiến ắt sẽ lùi”. Thời gian, công việc không chờ đợi ai, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau, chỉ có cách duy nhất là mỗi người phải nỗ lực hết mình”.

Do yêu cầu nhiệm vụ, cuối năm 2018, Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân chia tách thành hai đơn vị: Bộ môn-Trung tâm Ung bướu và Khoa Y học hạt nhân thuộc Bộ môn-Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh. Cũng trong thời gian này, bác sĩ Nghiêm Thị Minh Châu đảm nhiệm nhiều "vai": Bí thư Đảng ủy Bộ môn-Trung tâm Ung bướu, Chủ nhiệm Bộ môn-Trung tâm Ung bướu; Chủ nhiệm Khoa Hóa trị thuộc Bộ môn-Trung tâm Ung bướu; Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở Trung tâm Ung bướu... Dù ở bất cứ cương vị nào, chị cũng đều hết mình với công việc và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, 3 năm liên tục (2017, 2018, 2019), chị được tặng danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cơ sở; năm 2020 là Chiến sĩ Thi đua toàn quân.

Luôn đồng cảm với bệnh nhân

Nói tới điều trị K, ai cũng nghĩ tới phẫu thuật, hóa trị, xạ trị mà không biết rằng điều trị tâm lý có vai trò rất quan trọng nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Thống kê cho thấy, hiện nay, có hơn 80% bệnh nhân K có nhu cầu được tư vấn tâm lý để giải tỏa lo âu, tránh trầm cảm. Điều này cho thấy, việc trị liệu tâm lý cho bệnh nhân K là rất quan trọng và cần thiết. Trước thực tế đó, bác sĩ Nghiêm Thị Minh Châu cùng đồng nghiệp tổ chức nhiều hình thức tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Đây cũng là một trong những mô hình, cách làm hay được triển khai ở Bệnh viện Quân y 103 nói riêng và các cơ sở điều trị K nói chung. Để góp phần thực hiện hiệu quả mô hình, bác sĩ Nghiêm Thị Minh Châu đã hướng dẫn sinh viên nghiên cứu đề tài khoa học “Nghiên cứu thời điểm và phương thức thông báo tin xấu cho thân nhân và bệnh nhân K”. “Việc thông báo tin xấu như: “Bị bệnh K, tình trạng di căn, tình trạng hấp hối, hết khả năng cứu chữa...” là vấn đề vô cùng khó khăn đối với người thầy thuốc. Đây cũng là thông tin dễ gây sốc cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Vì vậy, việc lựa chọn thời điểm và cách tiếp cận cần phải được xem xét một cách thấu đáo để nhận được sự chấp nhận của bệnh nhân, sự đồng cảm của thân nhân bệnh nhân. Điều quan trọng là phải làm sao để bệnh nhân sẵn sàng hợp tác trong quá trình điều trị, tương tự như việc phải để cho người bệnh thấy "ánh sáng cuối đường hầm" vậy”, Đại tá, PGS, TS Nghiêm Thị Minh Châu chia sẻ.

Trong quá trình điều trị, bác sĩ Nghiêm Thị Minh Châu có nhiều bệnh nhân đặc biệt. “Cách đây 3 năm, chúng tôi tiếp nhận nữ bệnh nhân 52 tuổi, mắc bệnh K vú, người dân tộc Mường ở tỉnh Hòa Bình. Điều đặc biệt là bệnh nhân này bị câm, điếc, tự đến bệnh viện một mình. Thời điểm đó, bệnh nhân bị loét sùi toàn bộ vú trái, hôi thối, chảy dịch, cần nhanh chóng tiến hành xạ trị và xem xét mổ cắt khối u. Chúng tôi đã nhanh chóng hội chẩn, kêu gọi toàn trung tâm giúp đỡ bệnh nhân cả về vật chất, tinh thần và chuyên môn. Sau 5 tháng điều trị định kỳ tại bệnh viện, bệnh nhân đã ổn định và sau đó chuyển về tuyến dưới điều trị. Hiện tại, bệnh nhân đó sức khỏe vẫn ổn định”, bác sĩ Minh Châu nhớ lại. Hơn 7 năm trước, chị Hoàng Thị Lệ Th.-một đồng nghiệp của bác sĩ Nghiêm Thị Minh Châu, mắc bệnh K phổi, phải mổ cắt một bên thùy phổi phải. “Đầu năm 2013, khi biết tin mình bị K phổi giai đoạn 2, lúc đó tôi choáng váng, suy sụp tinh thần thực sự. Bác sĩ Châu là người đã giúp tôi thoát khỏi cuộc khủng hoảng đó, quên đi những cơn đau bệnh tật. Sau mỗi lần truyền hóa chất, bác sĩ Châu thường đến tận giường bệnh ân cần thăm hỏi, tạo cho tôi niềm lạc quan, vững tin chiến đấu với bệnh K. Bác sĩ Châu vừa đồng nghiệp, vừa là người chị mà tôi vô cùng quý trọng, tin tưởng. Tuy đi làm bình thường, nhưng hằng tháng tôi vẫn tới Khoa Hóa trị, Bộ môn-Trung tâm Ung bướu để tiếp tục điều trị theo phác đồ mà bác sĩ Châu cùng đồng nghiệp chỉ định”, chị Th. vui vẻ chia sẻ.

Thượng tá, PGS, TS Lương Công Thức, Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 103 cho biết: “Đại tá, PGS, TS Nghiêm Thị Minh Châu là một cán bộ có trình độ, năng lực chuyên môn tốt, có bề dày kinh nghiệm trong điều trị các bệnh về máu và bệnh K, có uy tín trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Trong quá trình điều trị, bác sĩ Nghiêm Thị Minh Châu luôn thấu cảm, chia sẻ, tận tâm tận lực, đau với nỗi đau của bệnh nhân. Tuy công việc bận rộn nhưng chị luôn làm tròn vai người vợ, người mẹ trong gia đình...”.

Bài và ảnh: NGUYỄN KIÊN THÁI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-12/diem-tua-tinh-than-cua-benh-nhan-ung-thu-649687