'Điểm danh' những công trình kiến trúc độc đáo qua đề cử 'Top 7 Ấn tượng Việt Nam 2022'

Thông qua chương trình 'Top 7 Ấn tượng Việt Nam 2022', độc giả Sài Gòn Tiếp Thị đã gửi nhiều hình ảnh tham gia đề cử cho hạng mục 'Top 7 công trình kiến trúc độc đáo'. Trong đó, có thể kể đến như Nhà hát Cao Văn Lầu ở Bạc Liêu, khu nghỉ dưỡng hình chiếc gùi H'mong Village ở Hà Giang hay tháp Nghinh Phong ở Phú Yên.

Khu nghỉ dưỡng này có diện tích khoảng 20ha, chia làm ba khu riêng biệt với thiết kế khác nhau, đặc biệt nhất là 15 ngôi nhà có hình dáng mô phỏng chiếc gùi (quẩy tấu) đặc trưng của dân tộc Mông.

Ảnh: T.T

Khu nghỉ dưỡng được lấy ý tưởng thiết kế từ chiếc gùi – vật dụng gắn liền với cuộc sống thường ngày đối với đồng bào dân tộc Mông. Tại H’Mong Village, những chiếc quẩy tấu siêu to khổng lồ này sẽ ‘địu’ giấc ngủ ngon cho du khách.

Bảo tàng gốm Bát Tràng tọa lạc tại thôn 5, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, cách trung tâm thủ đô khoảng 15km, được khởi công xây dựng vào năm 2018 trên một khu đất rộng 3.700 m².

Ảnh: Vương Lộc

Bảo tàng được tạo dựng với bảy vòng xoáy ốc khổng lồ lấy ý tưởng từ những bàn xoay vuốt gốm, với những mặt cong đa diện uốn lượn mềm mại, tự do và quấn quýt lấy nhau, tạo thành một công trình độc đáo. Cấu trúc của bảo tàng theo lối lớn dần lên phía trên, nhưng vẫn tạo thế vững chãi và chắc chắn.

Tọa lạc tại Quảng trường Hùng Vương thuộc địa bàn phường 1, TP Bạc Liêu, Nhà hát Cao Văn Lầu được xây dựng theo mô hình ba chiếc nón lá đan xen nhau, có ba tầng với các độ cao giảm dần gắn liền với đời sống sinh hoạt và lao động của người phụ nữ Nam Bộ.

Ảnh: Henry Dương

Chiếc nón lá là biểu tượng của văn hóa phương Nam. Ba khối nhà hình nón lá được đặt bên cạnh hồ cảnh có diện tích 1.800 m², giữa hồ là lối đi cho khách tham quan uốn cong theo suốt chiều dài hồ. Phần diện tích hồ phía ngoài lối đi dùng để trồng sen, súng.

Nhà thờ Mằng Lăng thuộc xã An Thạch, huyện Tuy An, cách trung tâm thành phố Tuy Hòa 35km về phía Bắc.

Ảnh: Vương Lộc

Nhà thờ Mằng Lăng được xây dựng theo lối kiến trúc gô-tích cổ điển có trang trí nhiều hoa văn, đây được xem là nhà thờ cổ bậc nhất của tỉnh Phú Yên và là một trong những ngôi nhà thờ lâu đời bậc nhất Việt Nam.

Tọa lạc tại quảng trường Nghinh Phong ở nút giao thông đường Nguyễn Hữu Thọ – Độc Lập, TP Tuy Hòa, tháp Nghinh Phong có một thiết kế đặc biệt ấn tượng. Công trình lấy cảm hứng từ ghềnh đá đĩa mang tính biểu tượng của địa phương và truyền thuyết “Trăm trứng trăm con” của Lạc Long Quân và Âu Cơ.

Ảnh: Đặng Lê

Chính giữa gồm hai cột đá cao, một cột đá cao 35m đại diện cho Lạc Long Quân và cột đá còn lại cao 30m đại diện cho Âu Cơ. Dưới mỗi chân tòa tháp là 50 khối đá xếp chồng lên nhau. Phần tường giữa hai cột đá được trang trí bằng các bức phù điêu hình ảnh của mảnh đất “hoa vàng trên cỏ xanh” Phú Yên.

Công trình nhà hàng tre Vedana có tổng chiều cao lên đến 16m, tương đương một ngôi nhà cao 5 tầng, bán kính mái khoảng 18m, rộng hơn 1.000 m², một không gian khổng lồ được tạo nên bởi hơn 70.000 cây tre. Cấu trúc tre gồm 36 khung tre tạo nên hình thức mái vòm 3 tầng mái được lấy cảm hứng từ kiến trúc truyền thống.

Ảnh: Sở Du lịch Ninh Bình

Điều đặc biệt là không hề có bất cứ một vật liệu kim loại nào để kết nối các thân tre. Với kỹ thuật đặc biệt, thân tre được gắn kết lại với nhau bằng thanh tre vót nhọn và các loại dây dù.

Công viên APEC được xây dựng trên khu đất có diện tích 8.668m² nằm bên bờ sông Hàn, thuộc quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.

Mái vòm độc đáo là điểm nhấn ấn tượng của công viên APEC dựa trên ý tưởng “cánh diều bay cao”. Chiều cao tổng cộng của công trình là 5,7m, xung quanh có nhiều tiểu cảnh, đài phun nước, trong đó hệ thống phun nước có thể trình diễn hiệu ứng trên nền nhạc (nhạc nước).

Chùa Ghositaram tọa lạc tại ấp Cù Lao, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu). Với người dân địa phương, Ghositaram không chỉ là một ngôi chùa, nơi sinh hoạt tôn giáo. Mà nơi đây còn được ví như một “bảo tàng mỹ thuật”, lưu giữ kiến trúc văn hóa Khmer đặc trưng.

Ảnh: Nhựt Long

Sự rực rỡ và nổi bật hòa quyện cùng vẻ đẹp cầu kỳ, tinh xảo đã làm nên giá trị vượt thời gian cho ngôi chùa Khmer lớn nhất Việt Nam này. Ngôi chùa gồm có nhiều khu vực đặc trưng thường có của một ngôi chùa Khmer như: chánh điện, tăng sá, giảng đường, bảo tháp…

Nguyễn Phong

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/diem-danh-nhung-cong-trinh-kien-truc-doc-dao-qua-de-cu-top-7-an-tuong-viet-nam-2022/